Gần 11 tháng qua, bác sĩ Sushila Kataria phải làm việc đến 15 tiếng một ngày tại Bệnh viện Medanta, bệnh viện tư nhân nổi tiếng ở New Delhi. Bà phải làm việc liên tục như vậy tất cả ngày trong tuần.
Kể từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận, một du khách người Italy vào tháng 3/2020, Bệnh viện Medanta đến nay đã điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân Covid-19. Vào tháng 11/2020, số lượng bệnh nhân Covid-19 đạt đỉnh với khoảng 450 bệnh nhân nội trú và 50-100 người khác trong danh sách chờ.
Sự sụt giảm đáng ngạc nhiên
Tiến sĩ Kataria, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người lãnh đạo dịch vụ chăm sóc của Medanta’s Covid, cho biết: “Bệnh viện hoàn toàn quá tải. Tháng 11 là tháng kinh khủng nhất. Chúng tôi chỉ có thể đáp ứng số lượng bệnh nhân có khả năng xuất viện cao. Chúng tôi thậm chí phải chăm sóc những bệnh nhân rất nặng trong cả phòng thường, vì không còn đủ phòng được trang bị thiết bị công nghệ cao".
Ấn Độ đã bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng, nhằm mục đích tiêm chủng cho 300 triệu công dân, nhưng đạt được mục tiêu là một hành trình dài. Ảnh: AP. |
May mắn thay, trong những tuần gần đây, các ca nhiễm mới ở thủ đô có dấu hiệu giảm mạnh. Các bác sĩ chuyên điều trị Covid-19 ở New Delhi bắt đầu có thời gian nghỉ ngơi. Bệnh viện Medanta hiện chỉ có 25 bệnh nhân mắc Covid-19. Các bệnh viện khác trong thành phố cũng ghi nhận rằng gần đây có nhiều giường trống hơn.
Tiến sĩ Kataria nói: “Chúng tôi ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi số lượng ca bệnh bắt đầu giảm đáng kể”.
Số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn Ấn Độ. Nước này ghi nhận số bệnh nhân giảm nhanh chóng, từ mức cao nhất gần 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 9/2020 xuống mức trung bình 13.000 đến 14.000 ca một ngày vào tuần trước.
Số ca nhiễm virus corona mới được xác nhận của nước này đã giảm từ mức cao nhất gần 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 9 xuống mức trung bình 13.000-14.000 ca mỗi ngày. Ảnh: Getty. |
Đồng thời, các cuộc khảo sát sức khỏe chỉ ra rằng có thể mức độ phơi nhiễm cộng đồng đã đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay. Trong khi nhiều quốc gia khác đang vật lộn đối mặt với làn sóng thứ hai và thứ ba với các biến thể mới của virus corona, sự suy giảm trong số ca nhiễm virus phải chăng đang thể hiện nghịch cảnh đại dịch bắt đầu tự thuyên giảm tại Ấn Độ?
Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu cho rằng các thành phố đông dân của Ấn Độ đang tiến đến giai đoạn đầu của “miễn dịch cộng đồng” tự nhiên. Giai đoạn này được đẩy nhanh trước khi vaccine được phổ biến rộng rãi và khiến sự lây lan của mầm bệnh đột ngột mất đi.
Nhà virus học T Jacob John, một giáo sư đã nghỉ hưu tại Cao đẳng Y tế Christian ở Vellore, miền Nam bang Tamil Nadu, cho biết: “Những gì chúng tôi đã làm là để cho virus tự hoạt động. Chúng tôi không ngăn chặn dịch triệt để ở giai đoạn đầu. Điều đó giúp Ấn Độ đã vượt qua ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Thời gian tới, dịch bệnh sẽ giảm xuống một cách tự nhiên".
Sau khi Ấn Độ phát hiện vài trăm ca nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 3/2020, Thủ tướng Narendra Modi đã ra một số chỉ thị nghiêm ngặt trên toàn quốc nhằm ngăn chặn virus. Ảnh: Getty. |
Tình hình đại dịch trở nên bớt căng thẳng tại Ấn Độ tạo động lực cho nước này niềm hy vọng khôi phục kinh tế và phát triển đất nước.
"Tôi hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đã qua", tiến sĩ Randeep Guleria, giám đốc của Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ, nói với Financial Times. "Ở một số khu vực nhất định như thành phố lớn, chúng tôi có thể tiến gần tới đạt được một số miễn dịch cộng đồng - hoặc nếu không phải là miễn dịch cộng đồng thì cũng gần như vậy.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ gần đây thậm chí đưa tin về khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của quốc gia này khi mối đe doạ của dịch bệnh giảm dần.
"Ấn Độ đã bẻ cong nó như Beckham", Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nói về đường cong đại dịch của nước này.
“Tránh được sự viếng thăm của làn sóng thứ hai, điều tồi tệ nhất đang lùi về phía sau chúng ta. Sự phục hồi ngày càng mạnh mẽ và chẳng bao lâu nữa mùa đông của sự bất mãn của chúng ta sẽ trở thành mùa hè huy hoàng”, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ví von.
Năm ngoái, dịch bệnh đã lan từ các thành phố về miền quê, khi những công nhân nhập cư bị sa thải trở về làng của họ. Ảnh: Getty. |
Virus lan ra ở Ấn Độ nhanh như cháy rừng
Sau khi Ấn Độ phát hiện vài trăm trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 3/2020, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra các chỉ thị nghiêm ngặt trên toàn quốc nhằm ngăn chăn dịch bệnh.
Giao thông công cộng ngưng hoạt động trong nhiều tháng. Người tiêu dùng hạn chế mua thực phẩm, thuốc và các sản phẩm y tế. Nền kinh tế của Ấn Độ đã sụt giảm 24% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Tuy nhiên, cách ly xã hội không thể ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch bệnh tại nước này.
Ấn Độ có mật độ dân số cao. Người dân thường sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, vòi nước, và đặc biệt nhiều người phải sống chung trong khu ổ chuột. Chính vì thế, mầm bệnh lan truyền nhanh hơn ở các thành phố.
Ngoài ra, người lao động nhập cư về quê đã khiến tốc độ lan truyền virus nhanh hơn.
Tổng cộng, Ấn Độ đã báo cáo hơn 10,7 triệu ca nhiễm virus corona chính thức, và cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng tổng số ca bệnh thực sự của điểm nóng Covid-19 thứ hai thế giới cao hơn nhiều so với con số được báo cáo.
Vikram Patel, giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Y Harvard, cho biết: “Các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận không phản ánh hết con số mắc bệnh thực tế. Chúng chỉ cho chúng ta biết rằng đã có bao người được xét nghiệm. Chúng tôi thực sự không biết lý do là gì nhưng virus lan ra ở Ấn Độ nhanh như cháy rừng vậy”.
Tại các thành phố như Delhi, Mumbai và Pune, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn một nửa số cư dân đã từng mắc Covid-19.
Bang Karnataka ước tính đã có 31 triệu ca nhiễm vào giữa tháng 8, bao gồm 44% dân số nông thôn và 54% dân số thành thị.
Ấn Độ ghi nhận hơn 10,7 triệu trường hợp nhiễm virut corona, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ảnh: Getty. |
Tiến sĩ Guleria cho biết: “Ước tính 30% đến 40% người có thể đã bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Nhiều người có thể có các triệu chứng nhẹ mà không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh".
Ấn Độ đã báo cáo hơn 154.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Nhưng số người chết thực tế không thể kiểm soát chính xác, vì có nhiều ca tử vong tại nhà.
“Chúng ta sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu người chết. Không một ai có thể đếm hết được”, tiến sĩ John chia sẻ.
Một số nhà khoa học cho rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Ấn Độ có thể vẫn thấp hơn nhiều khu vực khác trên thế giới. Giải thích về giả thuyết này là Ấn Độ có dân số trẻ. Chỉ 6,5 % dân số Ấn Độ trên 65 tuổi, bằng 1/5 so với châu Âu.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nhà vi sinh vật học Gagandeep Kang, người đã tham gia vào nỗ lực sản xuất Vaccine chống Covid-19 của Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến căn bệnh gây tác động ít nghiêm trọng hơn so với phần còn lại của thế giới. Một phần có thể là do trước đó người dân Ấn Độ đã phơi nhiễm với rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm khác”.
Mặc dù các số liệu thống kê chính thức chưa tính đến tổng số ca nhiễm mới thực sự, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các chuyên gia cho rằng đại dịch ở Ấn Độ đang giảm mạnh. Ảnh: Getty. |
"Chúng ta sống trong một môi trường mà chúng ta luôn phơi nhiễm với tất cả loại mầm bệnh", bà Kang nói thêm.
Ấn Độ thực hiện rất ít quy trình giải trình tự virus cho phép các nhà khoa học theo dõi các biến thể cụ thể của căn bệnh phổ biến trong nước. Chính phủ đang cố gắng khắc phục điều này. Nhưng nhà kinh tế học sức khỏe Rijo John, làm việc tại trụ sở Kerala cho rằng Ấn Độ cho đến nay tiếp nhận chủng virus ít nguy hiểm hơn những nơi khác.
Ông nói: “Chúng ta cần phải công nhận rằng Ấn Độ tiếp nhận một loại virus nhẹ. Nhưng điều đó không thể đảm bảo rằng tương lai sẽ không có chuyện gì xảy ra".
Mặc dù tổng số ca nhiễm thực tế chưa được tính hết, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi cơ sở xét nghiệm y tế còn hạn chế - các chuyên gia vẫn đưa ra khẳng định rằng đại dịch ở Ấn Độ đang giảm mạnh.
Tiến sĩ Kang nói: “Có vẻ như virus đã thực sự lây lan rộng rãi trong nước. Có thể lý do khiến các con số giảm là hầu hết mọi người đã bị nhiễm bệnh và sự lây nhiễm mang lại cho người dân ít nhất 80% khả năng miễn dịch trong nhiều tháng”.
Tiến sĩ Randeep Guleria, giám đốc của Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (ở giữa) cho biết Ấn Độ đạt miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Hindustan Times/Getty. |
Phải ngăn chặn không cho dịch bệnh quay trở lại
Nỗi lo về dịch bệnh của người dân Ấn Độ bắt đầu giảm xuống. Nền kinh tế Ấn Độ đang khởi sắc. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế vẫn chưa toàn diện. Nhu cầu hàng hóa trở lại mức bằng trước đại dịch, nhưng nhu cầu về dịch vụ vẫn giảm 30%.
Cuộc sống vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực. 270 triệu học sinh của đất nước này gần như đã không đặt chân đến trường kể từ tháng 3/2020. Chỉ có một số tiểu bang cho phép học sinh bậc cao quay trở lại trường.
Nhân viên văn phòng chủ yếu làm việc tại nhà trong 11 tháng. Nhiều người già hiếm khi bước ra ngoài bởi lo ngại về khả năng nhiễm bệnh cao.
Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Động lực học Dịch bệnh, Kinh tế & Chính sách, dự kiến Ấn Độ sẽ có những chính sách đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm. Trong đó, nước này cần thiết mở lại trường học và nơi làm việc.
Ông Laxminarayan chia sẻ: “Chúng tôi đã đưa ra giải pháp trong trường hợp đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước. Nhưng nếu chúng tôi làm điều đó, có thể chúng tôi lại tạo cơ hội để đưa dịch bệnh trở lại".
Ấn Độ hiện đã bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng. Nước này đặt mục hoàn thành tiêm chủng cho 300 triệu người vào cuối tháng 8 bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi.
Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, nước này mới đạt được 3 triệu mũi tiêm. Việc đạt được mục tiêu đề ra là một quá trình dài và đầy thử thách.
Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm virus corona vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng. Bang Kerala, một bang ở miền Nam Ấn Độ, từng được khen ngợi vì kiểm soát virut thành công, hiện có dấu hiệu quay trở lại.
Tiến sĩ Kang nói: “Nếu bạn nhìn vào những nơi đã kiểm soát dịch tốt ngay từ ban đầu, đó lại là những nơi hiện có mức độ lây nhiễm cao. Nếu một biến thể của virus corona thoát khỏi các phản ứng miễn dịch, thì dịch bệnh sẽ trở lại".
Tại Vệnh viện Medanta ở Delhi, bác sĩ Kataria chia sẻ về áp lực chống dịch căng thẳng trong năm qua. Bà phải cách ly với chồng và hai đứa con để đảm bảo gia đình của mình an toàn.
“Tôi tự nói với bản thân rằng bất cứ điều gì tôi đều có thể làm, và tôi phải làm được. Tôi không phải là thần thánh. Tôi rốt cuộc cũng chỉ là con người”, bà Kataria chia sẻ.
Bây giờ, bà Kataria lạc quan rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng không được tự mãn vì dịch bệnh vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào. Nguy hiểm nhất là việc xuất hiện một biến thể mới và nguy hiểm hơn lan truyền trong nước.
Bà nói: “Nếu tình hình tiếp tục như thế này trong một tháng, chúng ta có thể tuyên bố rằng chúng ta đã đạt được số lượng bệnh nhân thấp liên tục nhờ miễn dịch cộng đồng và tiêm chủng. Nhưng chúng ta phải thật cảnh giác. Khoảng thời gian tốt đẹp này không phải là mãi mãi”.