Shawn Bryant biết rằng anh sẽ phải cách ly trong hai tuần khi đặt chân xuống Đài Loan từ Daejeon, Hàn Quốc. Cảnh sát địa phương gọi Bryant mỗi ngày và anh nói với họ rằng mình sẽ chuyển đến một căn hộ Airbnb mới trong vài ngày tới. Cảnh sát đồng ý, miễn là anh đi taxi.
Vì vậy, Bryant đã hoảng hốt khi nhận được một tin nhắn cảnh báo anh đã đi quá xa chỗ ở của mình khi vừa lên xe taxi và sẽ bị phạt nếu không quay trở lại ngay lập tức. Anh nhanh chóng liên lạc cảnh sát, người trấn an Bryant rằng anh có thể bỏ qua tin nhắn tự động.
Khử trùng Sân bay Quốc tế Đào Viên tại Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: AFP. |
“Tôi mừng là họ rất nghiêm túc với chuyện này và không để mọi người ra khỏi tầm kiểm soát một cách dễ dàng”, Bryant, người đang đến thăm Đài Loan trên đường trở về quê nhà Canada, chia sẻ.
Sử dụng phần mềm theo dõi trên điện thoại để theo dõi cách ly bắt buộc là một ví dụ cho thấy cách quản lý mà Đài Loan đang tiến hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, với chỉ 50 ca nhiễm bệnh được xác nhận cho đến nay, bao gồm một trường hợp tử vong, bất chấp việc hòn đảo nằm cách Trung Quốc đại lục chỉ 130 km, nơi dịch viêm phổi mới ảnh hưởng 80.000 người và khiến hơn 3.000 người tử vong.
Bài học từ chiến dịch chống SARS
Trong khi Anh, Mỹ, Italy và các quốc gia khác ngoài Trung Quốc khác đang vật lộn để đối phó với lượng các ca nhiễm bệnh gia tăng, nhiều người bắt đầu để ý tới những thành công của Đài Loan. Các chuyên gia và quan chức cho biết các biện pháp kiểm soát hiệu quả ở Đài Loan là kết quả của sự kết hợp giữa công nghệ, cơ quan chỉ huy đầu não, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và những quyết định kịp thời.
Ví dụ, Đài Loan đã nhanh chóng thực hiện kiểm soát biên giới và là một trong những nơi đầu tiên cấm xuất khẩu khẩu trang y tế. Khác với thời điểm năm 2003, khi Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) tràn sang từ miền nam Trung Quốc và giết chết hàng chục người ở đây, chính quyền Đài Loan đã tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hơn trong lần dịch bệnh này.
Đài Loan cũng cảnh giác từ sớm nhờ kinh nghiệm chống SARS, trong khi Trung Quốc đại lục từng bị chỉ trích vì chậm trễ báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi SARS tấn công.
“Chúng tôi đã học được những bài học rất đắt giá và kinh nghiệm đó là điều mà những quốc gia khác không có”, ông Chan Chang-chuan, trưởng khoa Y tế Đại học Đài Loan nói.
Đài Loan không phải thành viên của WHO, và kể từ năm 2017, Đài Loan không được tham dự cuộc họp chính sách hàng năm của Hội nghị Y tế Thế giới. Trong đợt bùng phát lần này, Đài Loan cũng không có mặt trong các cuộc họp khẩn cấp của WHO về virus corona.
Các chuyên gia Đài Loan được phép tham gia trên một diễn đàn trực tuyến của WHO về Covid-19 hôm 12/2. Phía Đài Loan nói rằng đây là kết quả của những nỗ lực đàm phán trực tiếp với WHO.
Vấn đề trở nên ngày một nghiêm trọng trong bối cảnh sự bùng phát virus, và Đài Loan cho rằng đây là bất lợi lớn đối với tình hình y tế toàn cầu. Những lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi WHO cho phép Đài Loan tham gia các cuộc họp.
“Với chúng tôi, việc nhận thông tin kịp thời là rất quan trọng, Đài Loan cũng cần cho WHO biết rằng chúng tôi không thể chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình nếu không thể tham gia", bà Kolas Yotaka, phát ngôn viên của chính quyền Đài Loan nói.
"Chúng ta cần phải hợp tác để chấm dứt cơn ác mộng này".
Ở Đài Loan, hầu hết cư dân vẫn sinh hoạt như bình thường, với các văn phòng và trường học mở cửa như thời điểm trước dịch. Nhiều nhà hàng, phòng tập thể dục và quán cà phê ở Đài Bắc vẫn nhộn nhịp, mặc dù hầu hết đều thực hiện thủ tục kiểm tra thân nhiệt và khử trùng tay trước khi cho phép khách hàng vào.
Chính quyền đã mua lại tất cả khẩu trang sản xuất trong nước và giới hạn mỗi người mua tối đa 3 khẩu trang/tuần, gây ra hàng dài đợi bên ngoài các hiệu thuốc. Giới chức trách dự kiến sẽ cho phép mua hàng trực tuyến trong tuần này.
Học sinh ngồi sau bảng phân vùng để ngăn ngừa nhiễm Covid-19. Ảnh: CNA. |
“Hiện giờ mọi người đều thực sự đoàn kết và tin tưởng vào các chính sách của chính quyền. Ban đầu chính quyền có vẻ hơi nặng tay, nhưng giờ đây tôi tin đó là những quyết định sáng suốt”, ông Andy Chen, tổng giám đốc Comfort Champ, một hãng khẩu trang được chính quyền Đài Loan yêu cầu tăng cường sản xuất cho biết.
Còn nhiều điều phải làm
Bất chấp tình hình hiện tại có vẻ đã ổn định, các quan chức Đài Loan vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Lãnh đạo cơ quan Y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho rằng việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi trong thời gian dài và Đài Loan cần chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Chan, từ Đại học Đài Loan, đồng ý rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, bao gồm tăng cường tính hiệu quả và phổ biến của các xét nghiệm Covid-19. Hàn Quốc, đất nước với 51,8 triệu người hiện tiến hành 15.000 ca xét nghiệm virus mỗi ngày và có các trung tâm kiểm dịch trên đường. Đài Loan, với dân số gần 24 triệu người, hiện chỉ tiến hành khoảng 800 ca xét nghiệm mỗi ngày và không phải ai bị cách ly cũng được xét nghiệm.
Khi Mỹ và các quốc gia khác tăng cường xét nghiệm, số các ca nhiễm cũng sẽ tăng lên, ông Chan nói thêm.
Đối với Bryant, người đang tạm thời ở lại Đài Loan trên đường quay về quê nhà Canada, anh rất sẵn lòng trải qua quá trình cách ly. Bryant chấp nhận việc nhà chức trách theo sát việc đi lại của anh, nhưng anh lo lắng đôi chút rằng mình đang bị kiểm soát.
Các quan chức Đài Loan trấn an rằng việc này là hợp pháp và cam kết chỉ theo dõi các hoạt động cá nhân của anh trong thời điểm cách ly bắt buộc.
“Chúng tôi không sử dụng bất kỳ công nghệ giám sát tiên tiến nào. Đây chỉ đơn giản là theo dõi dựa trên vị trí của thẻ sim điện thoại của họ và các trạm di động xung quanh”, Kolas, người phát ngôn của chính quyền Đài Loan cho biết.
“Chúng tôi muốn bảo vệ anh ấy cũng như những người khác tại Đài Loan”, cô nói. “Đây là biện pháp chúng tôi buộc phải tiến hành để ngăn gia tăng các ca lây nhiễm và tử vong”.