Sau gần 2 tháng với các lệnh phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại, cuộc sống đang dần dần bình thường trở lại với người dân Trung Quốc khi dịch Covid-19 - đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người và khiến hơn 3.000 người tử vong - bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.
Các công nhân bắt đầu trở lại nơi làm việc, và đối với các nhân viên y tế thì cuối cùng họ đã thể nghỉ ngơi một chút sau thời gian dài làm việc căng thẳng, khi mà số bệnh nhân mới giảm đi rất nhiều, giảm tải cho hệ thống y tế.
Một trung tâm thương mại ở thành phố Bắc Kinh với khung cảnh đìu hiu. Bất chấp việc nhiều nhà máy và công ty đã hoạt động trở lại, người dân Trung Quốc có thể sẽ hạn chế chi tiêu trong thời gian tới. Ảnh: AP. |
Lao động nhập cư trở lại thành phố
Tại tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc đất nước, 144 trường trung học và trường trung cấp nghề sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 16/3, trong khi các địa điểm du lịch ở tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu cũng bắt đầu mở cửa đón khách từ tuần tới.
Việc chính quyền nới lỏng một số hạn chế đi lại cũng giúp cho nhiều người dân tỉnh Hồ Bắc - vốn bị kẹt lại ở các tỉnh khác trong lúc Covid-19 bùng phát - được trở về nhà.
Anh Wang Faji, một người lao động quê ở Quý Châu, cũng đã có thể bắt một chuyến xe buýt để tới tỉnh Quảng Châu tìm việc sau khi các tuyến xe buýt liên tỉnh được phép hoạt động trở lại ở 28 tỉnh trên cả nước.
Công nhân xây dựng 26 tuổi này đã làm việc xa nhà trong vòng 4 năm qua, và chỉ trở về quê vào dịp Tết Nguyên đán, ở nhà mừng năm mới đến hết ngày rằm tháng giêng rồi lại tiếp tục đi làm.
Năm nay, vì dịch bệnh, anh đành phải ở nhà thêm một tháng mà không có gì để làm, cũng như không có thu nhập. Tất cả những gì Wang làm trong thời gian này là tra cứu thông tin về công việc ở Quảng Châu cũng như các biện pháp kiểm dịch ở quê nhà, và đi tìm người chủ cũ vì nợ anh 4.800 nhân dân tệ tiền lương từ 2 năm trước.
Mặc dù không có thu nhập trong một tháng, Wang cho biết điều đó là "chấp nhận được" và hài lòng với những gì chính phủ đã làm để nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
"Tôi ấn tượng với phản ứng nhanh chóng của chính phủ trong việc này", anh nói.
Bà Meng Yuecui, đã làm công nhân lau dọn ở Bắc Kinh trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, cho biết những người làm trong ngành dịch vụ, đặc biệt là các chủ nhà hàng, đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh.
Công nhân đeo khẩu trang khi trở lại làm việc tại một nhà máy sản xuất bộ phận của xe hơi ở Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
Người phụ nữ 51 tuổi cho biết bà cảm thấy may mắn vì vẫn được chủ trả lương trong khi đang bị phong tỏa tại quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc. Một số người bạn của bà cũng làm việc trong ngành không may mắn như thế, và đã mất việc trong khi dịch bệnh bùng phát.
Anh Wang và bà Meng là hai trong số 173 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc, những người rời bỏ quê nhà để đi tìm kiếm việc làm tại các thành phố lớn. Trong bối cảnh nhiều thành phố, bao gồm cả một số ở tình Hồ Bắc, đã nới lỏng hạn chế đi lại và cho phép các công ty hoạt động trở lại, những lao động như họ cũng bắt đầu quay lại với cuộc sống như lúc trước khi virus corona xuất hiện.
Nhân viên y tế được nghỉ ngơi
Mặc dù chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động nhập cư quay lại nơi làm việc, khoảng một nửa trong số họ vẫn chưa thể làm vậy, theo một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc.
Dữ liệu chính thức cho thấy các nhà máy gần như không thể hoạt động trong tháng 2 vì dịch bệnh bùng phát, khi chỉ số thu mua nguyên liệu trong lĩnh vực sản xuất còn thấp hơn cả trong tháng 1. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy cuộc sống người dân đang dần trở lại bình thường, khi mà tại nhiều nơi trên thế giới đang diễn ra điều ngược lại.
Hôm 11/3, chính quyền Hồ Bắc đã đưa ra thông báo yêu cầu các công ty hoạt động trở lại một cách có trật tự, dù cho người dân vẫn bị hạn chế ra khỏi tỉnh. Toàn bộ tỉnh Hồ Bắc được chia thành ba loại: các khu vực có độ rủi ro cao, trung bình và thấp.
Các công ty ở vùng rủi ro thấp có thể trở lại kinh doanh, trong khi các ở khu vực rủi ro cao, chỉ có các công ty trong lĩnh vực y tế, phòng dịch hoặc cung cấp nhu yếu phẩm được phép hoạt động.
Đối với các nhân viên y tế đã chiến đấu với bệnh dịch ở Vũ Hán, đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy ngày họ được về nhà đang sắp đến gần.
Cô Li, một y tá 32 tuổi đến từ thành phố Nam Kinh thủ phủ tỉnh Giang Tô, đã làm việc ở Vũ Hán được gần một tháng. Cô và các đồng nghiệp có nhiệm vụ chăm sóc cho 70 giường bệnh tại Bệnh viện số 1 Vũ Hán, và cứ mỗi 4 tiếng họ sẽ thay ca.
Nhân viên y tế dọn dẹp những giường bệnh trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Khi các bệnh nhân mới giảm đi, áp lực lên hệ thống y tế cũng không còn. Ảnh: AFP. |
Trước khi bước vào phòng chăm sóc đặt biệt, họ đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ gồm mũ, khẩu trang, kính mắt và bọc giày. Vài ngày đầu tiên rất khắc nghiệt, khi họ cảm thấy khó thở và dây đeo khẩu trang hằn một vết sâu trên mặt họ, nhưng mọi thứ đã trở nên ổn hơn vào lúc này.
Tính đến ngày 10/3, 32 bệnh nhân đã được xuất viện ở nơi Li làm việc, và một số bệnh nhân nguy kịch đã không còn cần phải thở máy.
"Khi họ được ra viện, thời điểm chúng tôi được về nhà sẽ gần hơn", cô Li chia sẻ.