Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều gì ảnh hưởng đến chiều cao của một người?

Không phải lúc nào trẻ em cũng phát triển bình thường và đạt được chiều cao như cha mẹ. Rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra việc chậm lớn của trẻ em.

Nguyen nhan tre cham lon anh 1
  • Yếu tố tác động đến chiều cao
  • Điều trị chậm phát triển do thiếu hụt hormone tăng trưởng
  • Các biện pháp giúp tăng chiều cao và lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng

Nếu nguyên nhân của việc chậm phát triển và thấp bé là thiếu hormone tăng trưởng, trẻ sẽ chỉ đạt kích thước cơ thể tối đa ở tuổi trưởng thành khoảng 130 cm đến 150 cm khi không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Yếu tố tác động đến chiều cao

Chiều cao một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên đạt được ảnh hưởng đáng kể bởi yếu tố di truyền từ cha mẹ. Chiều cao là đặc tính di truyền rất dễ nhận thấy trong gia đình.

Ngoài ra, dinh dưỡng đầy đủ và không mắc các bệnh hiểm nghèo là tiền đề để trẻ phát triển bình thường. Để cơ thể hoạt động và phát triển bình thường, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các chất cần thiết, đặc biệt là phốt pho, sắt, canxi, protein và vitamin D. Việc suy dinh dưỡng và mắc phải các bệnh mạn tính nặng cũng có thể dẫn đến giảm chiều cao của trẻ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hệ thống hormone của cơ thể phải hoạt động bình thường để sự phát trưởng tiến triển tốt. Hormone liên quan việc giúp tăng chiều cao là hormone tăng trưởng Somatotropin (STH).

Các triệu chứng đặc trưng của trẻ chậm lớn:

- Quá trình trưởng thành xương bị chậm

- Bàn tay và bàn chân nhỏ

- Cơ bắp phát triển yếu

- Da mỏng, giọng nói yếu

- Dương vật nhỏ ở các bé trai

- Xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết

Bằng cách chụp X-quang bàn tay, các bác sĩ có thể xác nhận sự thiếu hụt hormone tăng trưởng. Qua ảnh X-quang, "tuổi xương" có thể được xác định. Bình thường nó tương ứng với độ tuổi.

Ngoài ra, bằng cách sử dụng xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ đo các thông số thường quy cũng như nồng độ của hormone STH, IGFBP-3 và IGF-I. Nồng độ trong máu của các hormone khác được sản xuất bởi tuyến yên như ACTH và TSH, cũng như các chất do chúng tiết ra như cortisone, cũng được đo.

Bên cạnh đó, một cách khác là kiểm tra kích thích STH. Bệnh nhân sau khi nhịn ăn được tiêm một chất kích thích tuyến yên tiết ra somatotropin (ví dụ: glucagon, insulin...). Sau đó, một mẫu máu sẽ được lấy nhiều lần trong khoảng thời gian đều đặn và phân tích để xem liệu hormone tăng trưởng đã được tiết ra hay chưa. Thông thường, giá trị dưới 7 ng/ml cho thấy sự thiếu hụt hormone tăng trưởng.

Nguyen nhan tre cham lon anh 2
Chiều cao một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên đạt được ảnh hưởng đáng kể bởi yếu tố di truyền từ cha mẹ. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Điều trị bệnh chậm phát triển do thiếu hormone tăng trưởng

Sự thiếu hụt hormone tăng trưởng được điều trị bằng việc sử dụng hormone tăng trưởng nhân tạo (chất tương tự somatotropin). Liệu pháp này thường được bắt đầu càng sớm càng tốt. Hormone phải được tiêm dưới da. Vì lượng thuốc phải luôn chính xác, bệnh nhân và phụ huynh cần được huấn luyện đặc biệt về cách sử dụng thuốc.

Ở trẻ em, liệu pháp thường được dừng lại khi quá trình tăng trưởng chiều cao hoàn thành hoặc không còn tình trạng thiếu hụt hormone này. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể phải tiêm hormone tăng trưởng suốt đời.

Ngoài ra, tác dụng của hormone tăng trưởng nhân tạo có thể rất khác nhau. Lý do cho điều này đến từ sự khác biệt di truyền trong thụ thể của hormone tăng trưởng. Trong một số trường hợp thiếu hụt hormone tăng trưởng, phẫu thuật cũng có thể cần thiết. Đặc biệt, khi các khối u não là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt hormone.

Những bệnh nhân bị thiếu hormone tăng trưởng không được điều trị bổ sung hormone GH thường có chiều cao cuối cùng (chiều cao khi trưởng thành) là:

- Nam: 134-146 cm

- Nữ: 128-134 cm

Khi điều trị bổ sung hormone tăng trưởng GH, chiều cao cuối cùng đã cải thiện với con số trung bình ghi nhận được:

- Nam: tăng 8,7-10,7 cm

- Nữ: 7,7- 9,5 cm

Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng lại không từ nguyên nhân thiếu hormone tăng trưởng GH, việc sử dụng hGH có thể không mang lại hiệu quả.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị với hormone tăng trưởng nhân tạo nhưng xác suất gặp phải tương đối thấp. Tuy nhiên, việc điều trị nên được kiểm tra chặt chẽ ít nhất mỗi tháng. Một thông số quan trọng là nồng độ IGF-1 trong máu cần nằm trong khoảng cho phép. Nếu điều trị không cho thấy hiệu quả đầy đủ sau một năm, có thể xem xét việc ngừng sử dụng.

Nên tầm soát việc phát triển của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự chậm phát triển của thai nhi. Các yếu tố chính là:

- Các bệnh mạn tính ở người mẹ, lạm dụng nicotin, rượu hoặc thuốc của người mẹ trong khi mang thai.

- Trẻ mắc phải các bệnh truyền nhiễm trước khi trẻ được sinh ra.

- Rối loạn vật chất di truyền của trẻ.

- Rối loạn chức năng của nhau thai.

Tốc độ tăng trưởng của những đứa trẻ bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục chậm lại ngay cả sau khi sinh. Do đó, khi trưởng thành, chúng có chiều cao dưới mức bình thường. Vì vậy, việc theo dõi quá trình phát triển của thai nhi cũng rất quan trọng để sớm xác định được nguyên nhân và có phương hướng điều trị kịp thời.

Các biện pháp khác giúp tăng chiều cao

Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng. Vì vậy, cha mẹ cần phải quan tâm đúng mức đến quá trình trao đổi chất và tiêu hóa. Cân bằng chế độ ăn uống hàng ngày và bổ sung các thực phẩm giàu canxi, sắt và vitamin D. Các sản phẩm sữa có thể đáp ứng nhu cầu bổ sung canxi. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành cũng đặc biệt giàu canxi, cũng như các loại rau xanh như cải xoăn, bông cải xanh hoặc rau thì là.

Vitamin D - kết hợp với canxi - đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển hóa xương. Nó làm tăng sử dụng canxi, một mặt làm tăng hấp thu canxi từ ruột vào máu, mặt khác làm giảm bài tiết chất khoáng qua thận. Vitamin D cũng kích thích các tế bào xương. Nó thúc đẩy sự kết hợp của canxi và photphat vào xương và góp phần vào việc tăng cường và ổn định của xương.

Nguyen nhan tre cham lon anh 3

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng. Ảnh: Pinterest.

Thiếu vitamin D kéo dài dẫn đến còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, xương trở nên mềm, biến dạng và cong. Ngoài ảnh hưởng đến hệ xương, còi xương còn ảnh hưởng đến sự phát triển của răng. Trẻ em bị còi xương có hàm răng rất xấu, thậm chí chúng còn bị rụng.

Ngoài ra, trẻ thiếu vitamin D thường có hệ miễn dịch kém. Sự phát triển cơ và chức năng của cơ cũng thường kém rõ rệt hơn so với những trẻ khỏe mạnh cùng tuổi. Trẻ sơ sinh bị còi xương thường bồn chồn và lo lắng, và dễ bị táo bón. Ở người lớn, thiếu vitamin D dẫn tới biến dạng khung xương và loãng xương. Ngoài ra, các cơn đau ở hông, đùi và lưng cũng thường xuất hiện.

Trẻ em trong 2 năm đầu đời có nhu cầu cao về vitamin D. Có hai lý do là sữa mẹ và thức ăn của trẻ đều không chứa đủ lượng vitamin cần thiết. Ngoài ra, trong 2 năm đầu đời, trẻ vẫn chưa có thể sản xuất vitamin D trong da. Vì vậy, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nên được bổ sung vitamin D dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ nhi khoa.

Cùng với tuổi tác, khả năng tổng hợp vitamin D giảm đi đáng kể. Do đó, việc sử dụng vitamin D cũng có thể hữu ích ở người lớn tuổi để tăng cường xương và cơ bắp.

Canxi rất quan trọng trong cơ thể để xây dựng xương, tóc và răng, hoạt động của cơ và thần kinh, đông máu và chống lại chứng viêm và dị ứng. Người lớn cần khoảng 1000 mg canxi mỗi ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như trẻ em đang lớn và thanh niên cần nhiều hơn một chút.

Nguyen nhan tre cham lon anh 4

TS.DS Tạ Thanh Sơn. Ảnh: NVCC.

Trên thị trường cũng có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là thuốc tăng chiều cao. Các sản phẩm này hầu hết có chứa các thành phần chất khoáng và vitamin như canxi, phốt phát, vitamin D..., giúp hỗ trợ cho quá trình phát triển của trẻ em.

Các sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh, chỉ đóng vai trò hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng nếu trẻ biếng ăn và không tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, cha mẹ không nên lạm dụng việc sử dụng các sản phẩm như vậy, cần sử dụng vừa phải và đúng liều lượng theo từng độ tuổi của trẻ.

Quá liều vitamin D làm tăng nồng độ canxi trong máu. Quá nhiều canxi sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có một số triệu chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trước hết là những thay đổi về tâm lý, mệt mỏi và làm việc kém hiệu quả, đôi khi cũng có những giai đoạn trầm cảm và các triệu chứng tương tự như sa sút trí tuệ.

Trong quá trình tiếp theo, bệnh nhân phải uống nước nhiều hơn và đi tiểu thường xuyên để hòa tan canxi. Buồn nôn, chán ăn, táo bón và giảm cân không rõ ràng cũng có thể là dấu hiệu của việc dư thừa vitamin D và tăng nồng độ canxi.

Khi lượng vitamin D và canxi tăng lên rất nhiều, canxi sẽ được lắng đọng trong các mạch máu và các cơ quan. Ngoài ra, điều này có thể biểu hiện ở bệnh cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, các vấn đề về khớp và gây suy thận. Canxi lắng đọng trên da gây ngứa dữ dội, khó chịu. Các vùng cơ bị yếu đi, đặc biệt là ở đùi, cũng là một tín hiệu cảnh báo của dư thừa canxi quá mức.

Vận động cơ thể

Việc cột sống phải chịu một tải trọng lớn và kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chiều cao. Vì vậy, bạn nên chọn những môn thể thao phù hợp cho trẻ em. Bơi lội giúp ích rất nhiều cho việc tăng trưởng chiều cao, nó cũng làm giảm căng thẳng cho lưng, tạo điều kiện thuận lợi quá trình tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, các môn thể thao như nhảy cao, hít xà đơn cũng rất hữu ích cho việc kích thích phát triển của xương.

Giấc ngủ lành mạnh

Giấc ngủ rất quan trọng cho cơ thể để nghỉ ngơi, phục hồi và phát triển. Trẻ em cần ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi ngày và nên đi ngủ trước 22h. Buổi đêm là lúc hormone tăng trưởng được sản xuất nhiều nhất.

TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức).

Căn bệnh mỗi trẻ sẽ mắc ít nhất một lần

Viêm tiểu phế quản cấp tính xảy ra quanh năm, rất hay gặp và dễ mắc lại ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời.

TS.DS Tạ Thanh Sơn

Bạn có thể quan tâm