Tôi nhớ lại buổi ăn mừng đó vào hai mươi hai năm sau, đầu tháng 1/2015, khi Thượng nghị sĩ Boxer đăng một đoạn video về cuộc trò chuyện của bà ấy với đứa cháu lớn nhất của mình, Zach.
Bà ấy nói về những vấn đề mình quan tâm, đấu tranh trong hơn ba thập kỉ tại Quốc hội - tầng lớp trung lưu vững mạnh, quyền lựa chọn của phụ nữ, môi trường, quyền công dân, quyền con người - và nhấn mạnh rằng bà ấy sẽ không từ bỏ. Nhưng, theo như những gì bà ấy nói với Zach, bà ấy muốn trở về nhà ở California. Vì vậy, bà ấy sẽ không ra tái tranh cử.
Còn gần hai năm nữa mới đến tháng 11/2016, nhưng tôi phải đưa ra một quyết định. Tôi có nên ra tranh cử để kế nhiệm thượng nghị sĩ Boxer không? Đây sẽ là cơ hội để đưa các vấn đề mà chúng tôi đang giải quyết tại văn phòng tổng chưởng lý California ra cho cả nước được thấy.
Trở thành thượng nghị sĩ Mỹ cũng đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi công việc mà tôi đang làm - đấu tranh cho những gia đình gặp khó khăn do lương không tăng, chi phí nhà ở tăng cao và cơ hội bị thu hẹp; cho những người bị giam cầm trong một hệ thống tư pháp hình sự yếu kém; cho những sinh viên bị những kẻ cho vay nặng lãi bóc lột và phải gồng mình vì học phí tăng vọt; cho các nạn nhân của những vụ lừa đảo và những kẻ tội phạm tài chính; cho cộng đồng nhập cư, cho phụ nữ, cho người lớn tuổi.
Tôi biết điều quan trọng là tiếng nói của ai được cất lên tại nơi mà các chính sách và các mối ưu tiên của quốc gia được đặt ra.
Tôi tuyên bố ra ứng cử vào ngày 13/1/2015. Cuối cùng, 33 người khác cũng vậy. Với Doug (chồng của bà Kamala), đây là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên mà anh ấy tham gia nên anh ấy phải tập quen với việc mọi động thái đều sẽ bị chú ý.
Bà Kamala Harris. Nguồn: Reuters. |
Chúng tôi vẫn còn phá lên cười về lần mà một phóng viên hỏi tôi xem ai sẽ đóng vai tôi trong một bộ phim về cuộc đời tôi. Tôi lảng tránh - nói rằng tôi không biết. Doug không thận trọng bằng tôi. Anh ấy đã trả lời câu hỏi và kết quả là bài báo viết anh ấy “rất vui” khi nghĩ đến việc Bradley Cooper sẽ đóng vai mình.
Tôi tiến hành tranh cử hệt như những người khác, gặp gỡ nhiều người nhất có thể, cẩn thận lắng nghe những điều mà họ quan tâm, vạch ra một kế hoạch hành động để giải quyết chúng. Khi chiến dịch bắt đầu, tôi cùng đội ngũ của mình đi quanh tiểu bang trên thứ mà chúng tôi gọi là xe buýt Kamoji, vì bức tranh khổng lồ biếm họa biểu tượng cảm xúc về tôi được vẽ trên cửa sau.
Bởi vì luật “bỏ phiếu bao quát” độc đáo của California, cuối cùng tôi lại bước vào đợt đua phụ với đối thủ cũng là đảng viên đảng Dân chủ giống tôi, Loretta Sanchez, một thành viên lâu năm trong Quốc hội. Cô ấy là một đối thủ cứng rắn, kiên quyết và luôn chiến đấu đến cùng.
Tôi thật sự may mắn khi tập hợp được một vài người giỏi nhất trong lĩnh vực này vào đội ngũ của mình - người quản lý chiến dịch xuất sắc, Juan Rodriguez, các cố vấn chiến lược lâu năm của tôi là Sean Clegg, Ace Smith, cùng Ellie Caple, và một nhóm nhân viên cùng tình nguyện viên cực kì tận tâm.
Con gái đỡ đầu của tôi, Helena, cũng nằm trong số đó. Con bé bắt đầu làm một tập san, phỏng vấn các nhân viên và ghi lại những nỗ lực của chúng tôi. Đội ngũ của chúng tôi đã đồng hành cùng nhau trong suốt hành trình và tôi không thể làm được điều này nếu không có họ.
Chiến dịch trong suốt hai năm đó trôi qua vừa nhanh vừa chậm. Nhưng ngay cả khi tôi tập trung vào tiểu bang của mình, vào chiến dịch tranh cử và công việc trước mắt, một điều gì đó có tính thù địch và đáng lo ngại đang tiêm nhiễm cuộc bầu cử tổng thống.
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa đang biến thành một cuộc đua đầy hỗn loạn - nhằm để xả cơn tức giận, để đổ lỗi, và để thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa bài ngoại.
Người chiến thắng đã vượt qua mọi ranh giới của sự đứng đắn và chính trực - khi khoe khoang về việc tấn công tình dục phụ nữ; chế giễu người khuyết tật; ủng hộ nạn phân biệt chủng tộc; khắc họa xấu xí hình ảnh của người nhập cư; công kích những anh hùng chiến tranh và gia đình liệt sĩ; kích động sự thù địch, thậm chí là thù ghét, đối với báo chí.
Kết quả là, Đêm bầu cử 2016 không phải một đêm để hò reo chúc mừng. Đây không phải là kết thúc của một cuộc tranh cử mà rõ ràng là một cuộc chiến vừa mới bắt đầu. Dẫn lời của Coretta Scott King, tôi nhắc người tham gia nhớ rằng mọi thế hệ đều phải đấu tranh và giành lấy tự do.
Tôi nói, “Bản chất của cuộc đấu tranh vì dân quyền, vì công lý và bình đẳng này là dù chúng ta có đạt được bất kì lợi ích nào đi chăng nữa thì những lợi ích đó sẽ không tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác. Hiểu được điều đó rồi thì cũng đừng tuyệt vọng. Đừng cảm thấy choáng ngợp. Đừng bỏ cuộc khi bây giờ là lúc ta phải đứng lên và đấu tranh cho chính mình".
Khi tôi trò chuyện với những người ủng hộ mình vào đêm đó, tôi không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi biết điều này: chúng tôi cần phải giữ vững tinh thần và sát cánh cùng nhau.
Vào thứ năm, ngày 10/11, chưa đầy bốn mươi tám giờ sau cuộc bầu cử, tôi đã đến thăm trụ sở Liên minh Quyền Di dân của Los Angeles (CHIRLA).
CHIRLA là một trong những tổ chức ủng hộ quyền của người nhập cư lâu đời nhất ở Los Angeles. Tổ chức được thành lập vào năm 1986, sau khi Tổng thống Reagan, một cựu thống đốc bang California, kí Đạo luật Cải cách và Kiểm soát Di trú, trong đó, cùng với những điều luật khác, đã hợp pháp hóa những người nhập cư không có giấy tờ vào Hoa Kỳ trước năm 1982.
Nhiệm vụ ban đầu của CHIRLA là thông báo cho người nhập cư biết về quá trình nộp đơn xin tư cách pháp nhân và biết về quyền được làm việc của họ. Nơi này đã đào tạo ra các nhà tổ chức cộng đồng, thách thức các luật cấm người nhập cư như Dự luật 187 của California, một dự luật cấm người nhập cư không có giấy tờ hưởng các dịch vụ công không khẩn cấp.
Cuối cùng, tổ chức này đã đạt đến tầm quốc gia thông qua việc xây dựng các liên minh trên khắp đất nước. Đó là nơi đầu tiên tôi muốn chính thức đến trò chuyện với tư cách là thượng nghị sĩ đắc cử.