Bộ Chính trị khóa mới gồm 8 trường hợp tái cử và 10 người lần đầu tham gia, trong đó có 7 Bí thư Trung ương Đảng khóa XII. Đại diện nữ duy nhất là bà Trương Thị Mai.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bầu Bộ Chính trị gồm 18 người, trong đó 8 ủy viên tái cử và 10 người tham gia lần đầu.
So với khóa XII, số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm 1.
Bộ Chính trị khóa XIII có 10 gương mặt mới, bao gồm 7 người là Bí thư Trung ương Đảng khóa XII và 3 người khác là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, 6 người giữ vị trí này nhiệm kỳ thứ 2, một người ở nhiệm kỳ thứ 3 và một trường hợp lần thứ 6 liên tiếp tham gia Bộ Chính trị.
So với nhiệm kỳ trước, số lượng ủy viên Bộ Chính trị là nữ giảm từ 3 người còn 1.
3 ủy viên Trung ương khóa XIII lần đầu tham gia Bộ Chính trị gồm có Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Tài chính và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong 10 gương mặt mới của Bộ Chính trị khóa XIII có 2 đại diện quân đội là đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại khóa XII, đại diện duy nhất của quân đội ở Bộ Chính trị là đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng. Tại thời điểm được bầu vào Bộ Chính trị, ông Lịch giữ vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm bộ trưởng, trưởng ngành tham gia Bộ Chính trị khóa mới là Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Công Thương và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và 4 người là đứng đầu các ban của Đảng ở khóa XII gồm các trưởng ban Nội chính, Tổ chức, Dân vận và Tuyên giáo Trung ương.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là hai đại diện địa phương tham gia Bộ Chính trị. Tại khóa XII, người đứng đầu cơ quan đảng ở 2 thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị phân công sau khi hoàn thiện công tác nhân sự sau Đại hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954) là hai trường hợp đặc biệt tại Bộ Chính trị. Đây là lần thứ 3 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đại hội xem xét là trường hợp đặc biệt. Tại đại hội XII, ông Trọng cũng là "trường hợp đặc biệt lớn tuổi" được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI giới thiệu chức vụ Tổng bí thư "với mục đích kế thừa, tập hợp giữ vững ổn định chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng".
Ông Trọng và ông Phúc cũng là 2 trong số 8 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử tại đại hội khóa XIII.
Đây cũng là khóa thứ 6 ông Nguyễn Phú Trọng tham gia Bộ Chính trị. Lần đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu vào Bộ Chính trị là tại Đại hội Đảng khóa VIII, tháng 12/1997. Ông Trọng cũng vừa lần thứ 3 đắc cử vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong lịch sử phát triển của Đảng, một người khác từng giữ vị trí Tổng bí thư 3 khóa liên tiếp là ông Lê Duẩn, ở các khóa III, IV và V.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu được bầu vào Bộ Chính trị là năm 2011, tại Đại hội Đảng khóa XI. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 của ông tại Bộ Chính trị.
Tuổi trung bình của 18 ủy viên Bộ Chính trị là 62,5, trong đó người trẻ nhất là ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khóa XII. Ông Thưởng sinh năm 1970 và cũng là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong khóa XII. Tuổi trung bình của các ủy viên Bộ Chính trị khóa trước chưa tới 60.
Trong 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, 4 người khác được bầu ở độ tuổi dưới 60 tuổi là các ông Trần Tuấn Anh (sinh năm 1964), Trần Thanh Mẫn (1962), Trần Cẩm Tú (1961) và Đinh Tiến Dũng (1961).
Có 12 trường hợp trong độ tuổi 60-65, trong đó 5 người cùng sinh năm 1957 là các ông Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Nguyễn Văn Nên, Lương Cường, Nguyễn Xuân Thắng. 4 người cùng sinh năm 1958 là các ông Phạm Minh Chính, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai. Bà Mai cũng là ủy viên nữ duy nhất của Bộ Chính trị khóa XIII.
Hai người khác là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phan Văn Giang, sinh năm 1960 và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, sinh năm 1959. Trong đó ông Phan Văn Giang lần đầu được bầu vào Bộ Chính trị.
Trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị, có 3 người quê Nghệ An là các ông Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng.
Có 2 người cùng quê Quảng Ngãi là các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Tuấn Anh.
Một địa phương khác có 2 Ủy viên Bộ Chính trị là Nam Định, gồm Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và thượng tướng Phan Văn Giang.
11 ủy viên Bộ Chính trị còn lại đến từ các địa phương khác nhau là Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Hậu Giang, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Cùng với việc bầu Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Ban Bí thư khóa mới gồm một số ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 người được bầu tại hội nghị này.
Trong 5 gương mặt mới của Ban Bí thư, khối quân đội có thêm một đại diện là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa.
Có 2 người tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa thứ 3 liên tiếp là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Ông Nghĩa cùng Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng lần thứ 2 tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Lê Minh Hưng từng là lãnh đạo Ngân hàng Trung ương trẻ nhất Việt Nam, giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi 46 tuổi. Sinh năm 1970, ông cũng là người trẻ nhất trong Ban Bí thư và chỉ hơn Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất, ông Võ Văn Thưởng, 2 ngày tuổi.