Nếu không tính các chuyến chuyên cơ phục vụ lãnh đạo, chuyến bay ngày 7/5 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Hà Nội đến San Francisco (Mỹ) là chuyến bay thẳng đầu tiên của một hãng hàng không Việt đến Mỹ.
Máy bay sau đó đã chở 343 hành khách Việt về nước trong ngày 8/5, dừng tiếp nhiên liệu 1 lần tại sân bay Anchorage (Alaska).
Bay đến Mỹ là hành trình dài và phức tạp nhất mà một hãng hàng không Việt Nam từng thực hiện. Quãng đường bay thẳng 2 chiều dài hơn 25.000 km. Công tác tổ chức chuyến bay này đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa Việt Nam và Mỹ.
Hành trình của chuyến bay VN1 từ Hà Nội đến San Francisco ngày 7/5. Ảnh: FlightRadar. |
Hành trình 33 giờ
Trao đổi với Zing, đại diện của hãng hàng không trên cho biết hãng từng thực hiện vài chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ để phục vụ lãnh đạo Đảng, Chính phủ hoặc tiếp nhận máy bay lắp ráp từ Mỹ về Việt Nam. Chuyến bay đi Mỹ đón công dân về nước lần này là chuyến chở lượng lớn hành khách đầu tiên trong lịch sử của hãng.
Toàn bộ hành trình từ lúc cất cánh tại Nội Bài, đến Mỹ và trở về Vân Đồn kéo dài hơn 33 giờ. Chuyến bay huy động phi hành đoàn gần 30 người - gấp đôi bình thường, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi của tổ bay.
Cơ trưởng của chuyến bay có hơn 26 năm kinh nghiệm (là phi công lão luyện nhất của hãng), đồng thời cũng là người lái Boeing 787-9 và Boeing 787-10 từ nơi lắp ráp ở Mỹ về Việt Nam vào các năm 2015, 2019.
Chiếc Boeing 787-10 số hiệu VN1 của Vietnam Airlines hạ cánh tại sân bay quốc tế San Francisco ngày 7/5. Ảnh: BNG. |
Một điều kiện quan trọng khác để bay thẳng đến Mỹ là phải có dòng máy bay đủ hiện đại. Lần này hãng đã sử dụng Boeing 787-10, chiếc Dreamliner vừa nhận bàn giao trong năm 2019 với kích thước lớn nhất trong gia đình 787, tầm bay gần 12.000 km.
Để đón hơn 300 người Việt từ Mỹ về Việt Nam, tổ bay lựa chọn đường bay xuyên qua Trung Quốc đại lục, vùng viễn đông Nga, sang Alaska rồi bay dọc thềm lục địa Bắc Mỹ để hạ cánh xuống San Francisco (Mỹ).
Nhà chức trách Mỹ, Trung Quốc, Nga và Canada đều có những yêu cầu khắt khe mà hãng bay phải đáp ứng. Hãng cũng đàm phán với các sân bay dự bị sẵn sàng mở cửa 24/7 nếu chuyến bay cần hạ cánh.
Đường bay mà hãng lựa chọn chưa phải đường ngắn nhất nhưng là đường bay mà phi công đã quen khai thác, thuận lợi về thời tiết, có sân bay dự bị dọc hành trình. Nhiều hãng hàng không của Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng lựa chọn đường bay này.
Triển vọng bay thương mại đến Mỹ
Để nhà chức trách Mỹ cấp phép cho chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam ngày 7/5, công tác xin cấp phép bay trải qua nhiều khâu, liên quan tới nhiều đơn vị, phải thực hiện trong nhiều ngày. Đó là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng trong nước.
Người Việt tại Mỹ về đến sân bay Vân Đồn chiều tối 8/5. Ảnh: Vdo. |
Bay thẳng Mỹ là đề tài không mới, đã được bàn nhiều, song lại luôn nghẽn ở bài toán kinh tế. Khó khăn lớn nhất khi mở đường bay thẳng sang Mỹ không phải mặt kỹ thuật, mà là thương mại. Bởi để bay sang Mỹ đảm bảo về yếu tố kinh tế, không quá lỗ, các hãng phải bù đắp từ một đường bay khác có lãi.
2 hãng bay lớn của Mỹ là United Airlines và Northwest từng có thời gian khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ và đều phải ngừng khai thác vì hiệu quả kinh tế không đạt.
Lúc 18h48 ngày 8/5, chuyến bay VN1 chở 343 hành khách đang sống và làm việc tại Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Hành khách đa phần là du học sinh, trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi), người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cơ quan ngoại giao đã hỗ trợ đưa công dân về nước trong bối cảnh Mỹ đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Hành khách đã được kiểm tra y tế trước khi lên chuyến bay, đeo khẩu trang y tế trong suốt hành trình và cách ly tập trung ngay khi về nước.