Sau khi được các đại biểu Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7/2015.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 5 điều của Luật hiện hành, bổ sung 1 điều.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao quyết định thăng quân hàm cấp tướng. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sĩ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng.
Cấp bậc quân hàm được quy định để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình, thời gian giữ chức vụ dài hơn thời chiến, tiết kiệm được nguồn nhân lực và ngân sách đào tạo, thuận lợi trong bố trí, sử dụng sĩ quan.
Luật Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 quy định rõ, thời hạn xét thăng quân hàm cấp tướng đối với sĩ quan tại ngũ tối thiểu là 4 năm đối với các trường hợp sau: Đại tá lên thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên thượng tướng, Đô đốc Hải quân; thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên đại tướng.
Sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc đại tá lên thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57 tuổi, trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.
Trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan: Thủ tướng trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân. Đối với sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan: trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước do Bộ trưởng Quốc phòng quy định.
Luật quy định bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt. Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan công an được thăng hàm vượt bậc
Luật Công an nhân dân năm 2014 so với Luật công an nhân dân (CAND) năm 2005 không thay đổi về số chương nhưng tăng 2 điều về thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm và quy định về điều khoản chuyển tiếp.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tặng hoa chúc mừng các cán bộ thăng cấp bậc hàm cấp tướng. Ảnh: Công an nhân dân. |
Luật quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (kể cả chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương).
Luật quy định rõ về cấp bậc hàm cao nhất trong CAND, quy định tại điều 24. Theo đó, cấp bậc hàm cao nhất trong CAND là Bộ trưởng Bộ Công an, có trần cấp bậc hàm đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất thượng tướng quy định đối với Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng không quá sáu thượng tướng).
Giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM là trung tướng. Cục trưởng 6 cục gồm An ninh mạng; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có trần cấp bậc hàm là trung tướng..
Các vị trí, chức vụ cấp phó có trần cấp bậc hàm thiếu tướng được quy định rõ số lượng. Luật cũng quy định cụ thể các chức vụ có trần cấp bậc hàm từ đại tá trở xuống.
Luật mới quy định Công an nhân dân gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã. Luật cũ chỉ quy định có 2 lực lượng là An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân.
Học sinh, sinh viên của các trường CAND khi tốt nghiệp được phong cấp bậc hàm như sau, trung cấp phong trung sĩ; cao đẳng phong thượng sĩ; đại học phong thiếu úy. Trường hợp tốt nghiệp loại xuất sắc được phong cao hơn một bậc. Như vậy.
Luật cũ chỉ quy định “Sinh viên tốt nghiệp đại học tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm thiếu uý; học sinh tốt nghiệp trung cấp tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm trung sĩ”. Luật không quy định việc thăng hàm vượt bậc trong trường hợp tốt nghiệp xuất sắc.