Khi Nhật Bản bước vào giờ nghỉ giải lao trước Tây Ban Nha với tỷ số 0 - 1 ở vòng bảng của World Cup, huấn luyện viên Hajime Moriyasu biết chính xác mình cần phải làm gì. Ông đã thay thế cầu thủ ra sân sớm hơn nhiều so với thời điểm thường được khuyên trong bóng đá.
Và đối với Moriyasu, đó là một công thức hiệu quả. Sau khi những cầu thủ dự bị ghi cả hai bàn thắng trong cuộc lội ngược dòng của Nhật Bản trước Đức, họ đã giúp “Samurai Blue” tiếp tục vượt qua một gã khổng lồ châu Âu khác, lần này là Tây Ban Nha.
Trong mùa World Cup năm nay, Nhật Bản đã giành được hai chiến thắng trong cuộc lội ngược dòng hoành tráng bằng cách thay người sớm và thường xuyên. Trong cả hai trận đấu đó, huấn luyện viên Moriyasu đều có những sự thay đổi người đầu tiên ở hiệp một.
Và mặc dù Nhật Bản đã bị loại khỏi World Cup 2022 ở Vòng 16 đội, các đội trong số 8 quốc gia cuối cùng còn lại có thể noi theo chiến lược của ông Moriyasu. Đó là bởi đây là kỳ World Cup có nhiều lượt thay người hơn bao giờ hết.
Takumi Minamino của đội Nhật Bản vào sân thay cho Ritsu Doan. Ảnh: Reuters. |
Luật thay người mới
Một trong những thay đổi vẫn còn kéo dài từ đại dịch Covid-19 cho đến nay, bên cạnh các nhà hàng cung cấp cocktail mang đi, là số lượng cầu thủ được phép thay ra ở mỗi trận đấu.
3 lượt thay người mỗi trận từng là tiêu chuẩn của môn bóng đá. Nhưng kể từ những ngày đầu Covid-19 bùng phát, khi các nhà tổ chức cố gắng duy trì giải đấu, con số này đã tăng lên.
Theo Independent, giải Ngoại hạng Anh đã đồng ý tăng số số cầu thủ được thay người trong mỗi trận đấu từ 3 lên 5 kể từ mùa giải 2022/23.
Ở Qatar năm nay, FIFA đã thay đổi 2 điều luật bao gồm số lượng cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển (từ 23 lên 26 cầu thủ) và số lượng cầu thủ được phép thay ra ở mỗi trận đấu.
Cụ thể, các đội bóng sẽ có thể thay 5 người ở mỗi trận đấu tại World Cup 2022 thay vì 3 người như trước đây. Về mặt bản chất, mỗi huấn luyện viên vẫn chỉ được thay 3 cầu thủ của mình trong một trận đấu, nhưng họ có quyền thay thêm 2 người trong giờ giải lao giữa hai hiệp đấu.
Đây là kỳ World Cup đầu tiên mà huấn luyện viên được phép thay người 5 lần. Kết quả là các đội thay người nhiều hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, Wall Street Journal đánh giá một số đội vẫn còn quá thận trọng.
Những năm gần đây đã có khá nhiều nghiên cứu giải thích tại sao các đội nên thay cầu thủ tích cực hơn. Theo đó, nếu đội bị xếp sau trong trận đấu bắt đầu thay đổi chiến thuật, đưa các cầu thủ dự bị vào sân sớm hơn, thì họ có nhiều khả năng lội ngược dòng hơn.
Bởi các cầu thủ này có nhiều năng lượng hơn. Các phân tích nâng cao hơn thậm chí còn chỉ ra rằng các cầu thủ dự bị di chuyển trên sân nhiều hơn, thực hiện nhiều cú sút hơn và có khả năng phòng ngự tốt hơn.
Cristiano Ronaldo, Vitinha và Ricardo Horta của đội Bồ Đào Nha chuẩn bị vào sân thay người. Ảnh: Reuters. |
Nhưng dựa trên thời điểm thực tế mà những đội tuyển cho cầu thủ vào và ra sân, các huấn luyện viên có xu hướng chưa tận dụng triệt để cơ hội này.
“Quan điểm chung (của các đội bóng) đang quá bảo thủ”, Bret Myers, giáo sư tại Trường Kinh doanh Villanova, người đã nghiên cứu về chủ đề này, nói.
Trong nghiên cứu của mình, ông cho biết thêm khi các đội bị dẫn trước, “rõ ràng là nhiều huấn luyện viên đã mất quá nhiều thời gian để thay người”.
Tại kỳ World Cup đầu tiên mà huấn luyện viên được phép thay người 5 lần, cơ hội lội ngược dòng là rất lớn.
Tuy nhiên, các quy tắc mới chỉ cho thay thêm 2 người trong giờ giải lao giữa hai hiệp đấu. Nói cách khác, huấn luyện viên không thể hoán đổi từng người chơi ở 5 thời điểm khác nhau trong trận đấu. Họ có thể thực hiện 5 lần thay người nhưng chỉ trong 3 thời điểm khác nhau, để tránh trận đấu bị gián đoạn thời gian quá nhiều.
Điều này cũng dẫn đến một động lực rõ ràng cho các đội: Bắt đầu thay người khi nghỉ giải lao.
Ngoài những lợi thế thông thường có được từ một cầu thủ dự bị như đã đề cập trên, quy tắc mới còn giúp huấn luyện viên linh hoạt hơn để thực hiện nhiều thay đổi hơn mà họ thấy phù hợp sau hiệp đầu.
“Chắc chắn, nếu bạn là đội đang xếp sau trong trận đấu, điều đó sẽ rất có ý nghĩa”, ông Myers nói.
Vẫn còn quá "bảo thủ"
Một phân tích của Wall Street Journal cho thấy quy định mới đã thúc đẩy các đội thay người sớm hơn, nhưng chỉ một chút.
Trong vòng tứ kết 2018, thời gian trung bình một đội có lượt thay người đầu tiên là ở phút 63. Năm nay, có sự thay đổi nhỏ khi nó đến vào phút 59.
Tuy nhiên, khi xem xét các kiểu thay người của những đội bóng, Wall Street Journal đánh giá họ chưa tận dụng hết những gì quy định mới đem lại cho họ.
Cầu thủ của đội Morocco Walid Cheddira vào sân thay cho Selim Amallah. Ảnh: Reuters. |
Thứ nhất, các đội tuyển hiếm khi khai thác kẽ hở giữa giờ nghỉ giải lao. Tính đến hết vòng 16, chỉ có 29% số trận họ sử dụng ít nhất một lần thay người trong giờ nghỉ giải lao.
Các đội cũng thường không sử dụng tất cả phương án thay người có sẵn.
Tại thời điểm này của năm 2018, cầu thủ dự bị đã được sử dụng tối đa trong hầu hết trận đấu. Các huấn luyện viên chỉ không sử dụng quyền thay người thứ 3 trong 8,9% thời gian.
Ở kỳ World Cup này, con số đó đã tăng vọt. Tỷ lệ chưa sử dụng quyền thay người lần thứ 5 lên tới 35,4% trong số các trận đấu. Thậm chí đáng kinh ngạc hơn, nhiều huấn luyện viên còn quyết định không thay hai cầu thủ dự bị trong 10,6% thời gian.
Việc thay người sớm hơn và nhiều hơn không chỉ quan trọng hơn đối với các đội bóng xếp sau, một ngôi sao bóng đá cho rằng việc sử dụng đầy đủ quyền thay người thứ 5 cũng sẽ giúp ích cho đội đang dẫn trước trong trận đấu.
“5 quyền thay người giúp tăng khả năng phòng thủ tốt hơn trong những phút cuối trận”, cựu huấn luyện viên Arsenal, Arsene Wenger, người đứng đầu nhóm nghiên cứu kỹ thuật của FIFA, cho biết.
Một số người nhận định có khả năng các huấn luyện viên ngần ngại “đi sâu hơn" vào băng ghế dự bị vì họ sợ chất lượng đội bóng giảm sút.
Ngoài ra có một lời giải thích hợp lý khác. Đó là các chiến thuật thể thao thường nổi tiếng với sự chậm thích ứng.
Nhưng rõ ràng, luật thay người mới sẽ được áp dụng trong các trận đấu tiếp theo ở Qatar, và thậm chí là có thể trong nhiều giải khác.
Trong bối cảnh đó, các đội thông minh nhất sẽ tìm cách giải quyết vấn đề kém hiệu quả trước đối thủ của họ.
“Không ai muốn trở lại với con số 3”, ông Wenger nói.
Bên cạnh luật mới về số lượng cầu thủ được phép thay ra ở mỗi trận đấu, World Cup năm nay cũng có nhiều “lần đầu tiên”, theo CNN. Đây là World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông, và cũng là lần đầu tiên diễn ra vào giữa lịch bóng đá truyền thống của châu Âu.
FIFA quyết định dời World Cup khỏi thời điểm truyền thống vào tháng 7 và tháng 8 do thời tiết nóng bức ở Qatar trong những tháng đó. Do đó, hầu hết đội chỉ có hơn một tuần để chuẩn bị cho giải đấu hàng đầu của bóng đá quốc tế.
5 quyển sách hay về Qatar
Zing xin giới thiệu 5 quyển sách hay về Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022. Quốc gia chủ nhà Qatar có diện tích nhỏ bé nhưng thuộc nhóm giàu nhất thế giới. Có nhiều đặc điểm về chính trị, văn hóa, kinh tế của quốc gia này chưa được biết đến rộng rãi.