ĐIỀU 'BÌNH THƯỜNG MỚI' THỜI SỐNG CHUNG VỚI DỊCH COVID-19
Người dân cả nước bắt đầu trở lại với việc duy trì các hoạt động thiết yếu, xác định sống chung với dịch an toàn, bảo đảm vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ sức khỏe.
Nhịp sống mới trong nét cũ ở đô thị
18 ngày kể từ khi Việt Nam không còn phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, nhiều khu vực cách ly trên cả nước được dỡ bỏ, mức độ giãn cách xã hội được giảm dần. Giờ đây trên các tuyến phố ở Hà Nội đã lấp đầy xe cộ. Người dân ra đường nhiều hơn, khắp các công viên, hồ nước tấp nập người chơi thể thao, hay đơn giản là hít thở bầu không khí trong lành.
20h, Nguyễn Minh Thành cùng nhóm bạn hăng say tập luyện những điệu nhảy breakdance tại công viên Lenin. Đã hơn 100 ngày kể từ khi họ tạm chia tay nhau để thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch Covid-19.
Nhóm của Thành có khoảng 10 người, đủ mọi độ tuổi, nghành nghề, có người vẫn là học sinh sinh viên, có người đã đi làm nhưng tất cả đều có điểm chung đam mê môn breakdance. Vốn là bộ môn dành cho tập thể, cần không gian rộng để tập luyện, việc giãn cách xã hội khiến niềm đam mê của nhóm bạn trẻ phải trải qua hơn 100 ngày ngủ yên.
"Đã lâu lắm rồi em và các bạn trong nhóm mới có cảm giác mệt nhưng vui bởi hôm nay mọi người được gặp lại nhau và cùng nhảy. 5 năm làm quen với breakdance nhưng chưa bao giờ chúng em phải dừng tập lâu như thế, đến nỗi cơ thể cứ ì ra không còn linh hoạt như trước. Mọi người ai cũng phải mất vài buổi để khởi động", chàng trai 25 tuổi khẽ lau những giọt mồ hôi ướt đầm trên mặt nói.
Việc mở lại các quán, hàng thời hậu Covid-19 cũng mang màu sắc rất riêng biệt. Để thực hiện việc giữ an toàn cho thực khách, bào Đào Thị Thịnh (chủ quán phở trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội) đã cho lắp những tấm chắn bằng mica trên bàn ăn để hạn chế sự tiếp xúc giữa các khách hàng.
“Hơn nửa tháng nay, khi Hà Nội cho phép các cửa hàng ăn uống được mở nhưng tôi vẫn lo sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thấy một số quán ăn lắp tấm mica chắn giọt bắn và để giữ khoảng cách cho khách ngồi ăn đúng với quy định của thành phố đề ra nên tôi làm theo ngay. Hơn nữa quán cũng chỉ nhận lượng khách vừa phải để tránh tụ tập quá đông người", bà Thịnh chia sẻ.
Trên đường phố Hà Nội, những banner khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhắc nhở người dân không được chủ quan. Một số khu di tích, địa điểm tâm linh vẫn tạm đóng cửa. Người dân phố thị vốn có thói quen đi đền, chùa ngày rằm hay mùng một hàng tháng, nay chỉ có thể tạm đứng từ xa bái vọng.
'Được đi làm trở lại tôi vui như Tết'
Cứ đều đặn 5h hàng ngày, khi trời còn chưa hửng sáng cũng là lúc anh Nguyễn Văn Minh (lái xe Xí nghiệp xe buýt Hà Nội) bắt đầu làm việc. Sau gần một tháng nghỉ ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội, cảm xúc khi trở lại xí nghiệp được anh Minh và nhiều đồng nghiệp miêu tả là 'vui hơn Tết'.
26 năm làm nghề, 24 năm cầm vô lăng xe buýt, một tháng cách ly xã hội vừa qua phải ngồi trong nhà được anh Minh miêu tả là chưa từng xảy ra trong lịch sử. "Nhà tôi ở Giảng Võ, cách cơ quan hơn 6 km, có những hôm nhớ nghề, nhớ anh em quá đành đạp xe lên xí nghiệp chơi một chút rồi về", anh Minh nói.
"Nhưng giờ thì mọi chuyện ổn hơn rồi, từ 4/5 xe buýt sẽ chạy 100% công suất nhưng cũng không được chở quá 30 khách/chuyến. Để góp phần chống dịch, tôi cũng tự chế một bình nước rửa tay diệt khuẩn treo ở khoang, khách nào cần cứ dùng thoải mái".
Cùng chung ngành nghề vận chuyển hành khách, anh Nguyễn Văn Thiện (nhân viên đường sắt làm việc trên tàu Hà Nội - Hải Phòng) cũng rất phấn khởi khi sau thời gian nghỉ dịch dài nay lại được tiếp tục công việc phục vụ khách hàng, rong ruổi trên những chuyến tàu ngược xuôi hai thành phố.
"Nhân viên phục vụ tàu vốn vất vả thì thời dịch còn phải kiêm nhiệm việc xịt khử khuẩn cho khách, đeo khẩu trang trong nhiều giờ làm việc khiến đôi tai đau nhức nhưng mọi người đều vui vẻ vì họ hiểu rằng nỗ lực dù nhỏ của mỗi cá nhân sẽ góp phần vào thành công của cả đất nước trong công cuộc chống dịch", anh Thiện chia sẻ.
Cuộc sống mới - chủ động nhưng không chủ quan
Ngày 4/5, học sinh các trường THCS, THPT, trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM được đi học trở lại. Hào hứng là tâm trạng của cả thầy và trò trong sau một thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Ngày tựu trường năm nay không phải vào những ngày thu mát mẻ mà lại nhằm đúng dịp hoa phượng nở báo hiệu mùa hè về.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) đón học sinh của mình trở lại trường trong niềm vui vỡ òa. "Tôi nghĩ rằng hôm nay là ngày tựu trường lịch sử, nó còn đặc biệt hơn ngày 5/9 hàng năm mà trong lịch sử chưa bao giờ có".
Ngoài việc giảng dạy, các trường học giờ đây còn phải có thêm trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời điểm dịch Covid-19. Tất cả học sinh ra vào đều phải qua các khâu kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Gặp lại bạn bè sau một thời gian dài, nhiều học sinh cho biết rất vui khi được đến trường nhưng cũng chưa quen với việc phải hạn chế đùa nghịch, tụ tập thậm chí phải mang cả kính chống giọt bắn, găng tay trong lớp học.
Nguyễn Hoàng Việt (lớp 7G1) được cha mẹ trang bị mũ chống giọt bắn, khẩu trang, găng tay trong ngày đầu đi học trở lại. "Em rất vui khi hôm nay được đi học, cảm xúc rất khác so với việc mấy tháng qua chỉ nhìn thầy cô, bạn bè qua màn hình máy tính. Bố mẹ em cũng dặn dò không được tụ tập, la cà sau giờ học để tiếp tục phòng tránh dịch Covid-19".
Làm việc tại ngân hàng, một ngành nghề không được nghỉ trong cả mùa dịch, hàng ngày, Lê Thị Ngọc Dung (23 tuổi) vẫn thức dậy lúc 6h30 để chuẩn bị đi làm. Cô chứng kiến những ngày đường phố Hà Nội nhộn nhịp sau Tết đến những hôm vắng hoe rồi lại tấp nập trở lại những ngày gần đây.
Điểm khác biệt lớn nhất của một giao dịch viên ngân hàng như cô là phải đeo mặt nạ chống giọt bắn trong suốt 8 tiếng làm việc. Khó thở là cảm giác không thể tránh khỏi.
Những ngày cao điểm mùa dịch, cô cũng có chút lo lắng khi ngày ngày vẫn phải tiếp xúc với nhiều người lạ nhưng sau mỗi lần giao dịch, cô đều sử dụng dung dịch sát khuẩn khu vực làm việc hay các giấy tờ, tiền mặt từ khách hàng.
"Đến bây giờ thì việc đeo mặt nạ với mình trở nên bình thường. Dù bị hạn chế đôi chút trong lúc giao tiếp nhưng đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cho mình và những người xung quanh", Dung chia sẻ.
Việt Nam chưa công bố hết dịch, hiện thế giới cũng chưa tìm ra vắc xin để chống loại bệnh này nhưng Chính phủ đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội khi tình hình đang dần trở nên khả quan hơn. Những con đường không còn vắng lặng, những hàng quán bắt đầu mở cửa, trẻ em được đi học, người lớn được đi làm. Tất cả trở lại vòng quay như những ngày tháng trước đây nhưng với một sự thận trọng hơn. Bởi chẳng ai muốn sẽ phải quay lại cuộc sống những ngày cách ly ấy. Dù chỉ một ngày.