Theo CNBC, một số sự kiện trong tuần qua đã đánh dấu bước ngoặt ở ba lĩnh vực xét nghiệm, điều trị và vaccine chống Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu.
Hôm 3/5, xét nghiệm kháng thể của Roche được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Xét nghiệm được thiết kể để xác định bệnh nhân nhiễm virus corona và phát triển kháng thể chống lại nó. Roche sẽ cung cấp hàng chục triệu bộ xét nghiệm từ tháng này.
“Không giống xét nghiệm phân tử, xét nghiệm kháng thể có thể nhân rộng dễ dàng hơn nhiều từ góc nhìn kỹ thuật, cộng với rất nhiều công cụ và nền tảng đã được cài đặt ngoài kia”, CNBC dẫn lời CEO Roche Severin Schwa khẳng định.
Hôm 1/5, thuốc kháng Covid-19 Remdesivir của Gilead cũng được FDA cấp phép sử dụng. Điều này cho phép thuốc được sử dụng rộng rãi hơn đối với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Mỹ.
Hồi tuần trước, hàng loạt công ty công bố kết hợp sản xuất vaccine. Như vậy, ngoài phát triển vaccine, việc sản xuất và phân phối rộng rãi cũng không kém phần quan trọng.
Nhiều công ty kết hợp để phát triển và sản xuất vaccine chống Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Moderna đã công bố một thỏa thuận sản xuất 10 năm với Lonza để sản xuất 1 tỷ liều vaccine mỗi năm. “Dựa trên dữ liệu danh mục vaccine của Moderna tính đến nay, chúng tôi rất lạc quan về kết quả ban đầu của vaccine Covid-19. Sự hợp tác với Lonza có thể hỗ trợ Moderna tiếp tục nỗ lực sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu toàn cầu”, Goldman Sachs nhận định
Công ty tiết lộ một thử nghiệm giai đoạn ba có thể bắt đầu vào mùa thu năm nay.
Hồi tuần trước, AstraZeneca và Đại học Oxford cũng công bố một thỏa thuận phát triển và phân phối vaccine toàn cầu. Theo kế hoạch, 100 triệu liều vaccine sẽ được sản xuất vào cuối năm nay. Đội ngũ Oxford đặt mục tiêu đưa vaccine vào sử dụng trong tháng 9.
“Sự hợp tác này kết hợp chuyên môn tầm cỡ thế giới của Đại học Oxford và khả năng phát triển, sản xuất và phân phối toàn cầu của AstraZeneca”, Pascal Soriot, CEO của AstraZeneca, khẳng định.
Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng lên kế hoạch sản xuất 60 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo CNBC, một chuyên gia dịch tễ học Mỹ tỏ ra nghi ngờ về thời điểm có thể sử dụng vaccine. Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng ngay cả khi chứng minh được tính an toàn và hiệu quả của vaccine, vẫn có những thách thức đáng kể đối với việc sản xuất và phân phối cho 8 tỷ người trên thế giới.
Hiện, có ít nhất 89 loại vaccine virus corona đang được phát triển, theo WHO. Các chuyên gia dự đoán sẽ mất từ 12 đến 18 tháng để phân phối một loại vaccine được cho là an toàn ra thị trường.