Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều bí ẩn trong hệ Mặt Trời

Sự tồn tại của vành đai Kuiper, bụi sao chổi, sự bất thường của “Pioneer”… cho đến nay vẫn là những điều bí ẩn trong hệ Mặt Trời.

Bộ sách Bí ẩn mãi mãi là bí ẩn nêu những điều mà khoa học chưa lý giải được về các hiện tượng trong hệ Mặt Trời.

Tại sao bầu khí quyển xung quanh Mặt Trời lại nóng hơn bề mặt của nó?

Đó là câu hỏi gây nhiều tranh cãi giữa các nhà vật lý học nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết thúc trong suốt hơn 50 năm qua. Những quan sát ban đầu hào quang Mặt Trời bằng kính quang phổ đã tiết lộ: Không khí xung quanh Mặt Trời nóng hơn quyển sáng. Trên thực tế, sức nóng này ngang ngửa với nhiệt độ đo được ở tâm Mặt Trời.

Tại sao lại như vậy? Điều này được giải thích như sau: Nếu bạn bật một bóng đèn điện lên, không khí xung quanh bóng đèn đó không thể nóng hơn cái bóng đèn; bạn càng lại gần nguồn tỏa nhiệt, bạn càng cảm thấy nóng hơn, chứ không lạnh hơn.

Quầng sáng của Mặt Trời có nhiệt độ khoảng 5.726°C, trong khi đó thể plasma phía trên quyển sáng hàng nghìn km có nhiệt độ 999.726°C. Dường như mọi định luật vật lý đều bị phá vỡ.

Tuy nhiên, các nhà vật lý học nghiên cứu về Mặt Trời đang dần tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bí ẩn này. Nhờ có công nghệ và kỹ thuật quan sát hiện đại, bầu khí quyển xung quanh Mặt Trời sẽ sớm được giải đáp cặn kẽ trong một tương lai không xa.

Một lý giải tạm thời cho hiện tượng nói trên, đó là sự kết hợp của các hiệu ứng từ trong bầu khí quyển xung quanh Mặt Trời.

Bi an mai mai la bi an anh 1

Quỹ đạo của sao chổi khác biệt so với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời. Nguồn: wondriumdaily.

Bụi sao Chổi

Sao Chổi là một tảng thiên thạch gần giống một tiểu hành tinh nhưng không cấu tạo nhiều từ đất đá, mà chủ yếu là băng, quay xung quanh Mặt Trời thường theo một quỹ đạo hình ellip rất dẹt.

Quỹ đạo của sao chổi khác biệt so với các vật thể khác trong Hệ Mặt Trời ở chỗ chúng không nằm gần mặt phẳng hoàng đạo mà phân bố ngẫu nhiên toàn không gian. Nhiều sao chổi có viễn điểm nằm ở vùng gọi là đám mây Oort.

Đây là nơi xuất phát của các sao chổi, một vùng hình vỏ cầu, gồm các vật chất để lại từ lúc hệ Mặt Trời mới bắt đầu hình thành. Vật chất ở đây nằm quá xa nên chịu rất ít lực hấp dẫn từ trung tâm, đã không rơi vào đĩa tiền Mặt Trời, để trở thành Mặt Trời và các hành tinh.

Tại đây, nhiệt độ cũng rất thấp khiến các chất như carbonic, mêtan và nước đều bị đóng băng. Thỉnh thoảng, một vài va chạm hay nhiễu loạn quỹ đạo đưa một số mảnh vật chất bay vào trung tâm.

Khi lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi và đuôi khí, trông giống như tên gọi của chúng, có hình cái chổi.

Việc phân tích các mẫu vật vô giá của sao chổi Vild-2 thu được năm 2006 cho thấy, sao Chổi có nhiều thành phần phức tạp hơn so với dự đoán. Một khám phá mới gây bất ngờ đối với các nhà khoa học là việc phần lớn các chất đều là các vật liệu lạnh từ vùng rìa của hệ Mặt Trời, nhưng tới gần 10% được hình thành trong điều kiện nhiệt độ cao.

Khó có thể biết được, 10% này có nguồn gốc từ đâu, nếu sao Chổi không đi vào khu vực bên trong của hệ Mặt Trời.

Vành đai Kuiper

Vành đai Kuiper là các vật thể của hệ Mặt Trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương tinh khoảng 30 AU (đơn vị thiên văn) tới 44 AU từ phía Mặt Trời, quỹ đạo nằm gần với mặt phẳng hoàng đạo.

Vành đai Kuiper gồm những mảnh vỡ, giống với vành đai các tiểu hành tinh, nhưng được tạo thành chủ yếu từ băng và rộng lớn hơn, đồng thời nằm ở vị trí xa hơn khoảng giữa 30 AU và 50 AU từ Mặt Trời, tức là bắt đầu từ Hải Vương tinh trở ra. Vùng này được cho là nơi khởi nguồn của những sao chổi ngắn hạn, như sao chổi Halley.

Vành đai Kuiper có một khoảng trống rất rõ ràng. Ở khoảng cách 49 AU đến Mặt Trời, số lượng các vật thể được quan sát thấy giảm sút rõ rệt, tạo nên “Vách đá Kuiper” và hiện vẫn chưa biết nguyên nhân của nó.

Một số người cho rằng một thứ gì đó phải tồn tại ở phía ngoài vành đai và đủ lớn tới mức quét sạch mọi mảnh vỡ còn lại, có lẽ lớn như Trái đất hay Hỏa tinh. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi.

Lý giải cho điều này, có giả thuyết cho rằng, một thiên thạch rất lớn có kích thước gần bằng Trái đất hoặc Hỏa tinh đã bay vào vùng vành đai Kuiper rồi “va chạm” với tất cả các hành tinh đang đứng ở đó. Cho đến nay, giả thuyết này vẫn tỏ ra thiếu thuyết phục vì không có bằng chứng cụ thể. Câu hỏi về sự tồn tại của vành đai Kuiper vẫn còn nằm trong bóng tối.

Sự bất thường của “Pioneer”

Tàu vũ trụ “Pioneer 10” và “Pioneer 11” được coi là hai trong số các con tàu vũ trụ nổi tiếng nhất thế giới. Được phóng vào năm 1972, Pioneer 10 là tàu vũ trụ đầu tiên lên đường khám phá vùng ngoài của vũ trụ, và cũng là con tàu đầu tiên vượt qua vành đai tiểu hành tinh quanh Mặt Trời.

Tuy nhiên, trong cả hai lần phóng, các nhà khoa học đều nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ: Pioneer 10 và Pioneer 11 đều đi lệch so với hành trình. Việc đi lệch này không quá lớn so với cách tính của thiên văn (gần 368 nghìn km sau khi thực hiện hành trình khoảng 10 triệu km).

Trong lần đầu tiên và lần thứ hai cũng đều bay lệch giống nhau. Các nhà khoa học đã thật sự gặp khó khăn khi đưa ra lời giải thích cho vấn đề này.

Đám mây Oort

Đám mây Oort được hiểu là một đám mây bụi khí, sao chổi và vẫn thạch khổng lồ, có tên chính xác là Đám mây Tinh vân Oort, bao quanh Hệ Mặt Trời với đường kính 1 năm ánh sáng.

Nó gồm có hai phần: đám mây phía trong và đám mây phía ngoài cách Mặt Trời khoảng 30.000 đến 50.000 AU. Theo giả thuyết, các sao chổi được hình thành tại đây, và 50% số sao chổi trong Hệ Mặt Trời được tạo thành từ đám mây phía trong.

Mặc dù sự tồn tại của đám mây Oort vẫn chưa được khẳng định, thế nhưng có rất nhiều sự kiện gián tiếp chỉ ra sự có mặt của nó trong hệ Mặt Trời.

Nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY