Chúng ta thường xuyên gặp phải những khoảnh khắc như thế này, càng lo lắng điều gì thì lại càng xảy ra điều đó. Đặc biệt là khi đối diện với một vài nhiệm vụ quan trọng hoặc những sự việc trọng đại, ông trời dường như cứ thích trêu ngươi chúng ta, chúng ta càng sợ sai sót thì sai sót lại càng dễ xảy ra.
Các bạn độc giả hãy thử nghĩ kỹ lại xem, khi hôm nay bạn có một cuộc họp vô cùng quan trọng, trong đầu luôn tự nhắc nhở bản thân rằng tuyệt đối không được đi làm muộn, thì hôm đó kiểu gì cũng sẽ xảy ra hiện tượng tắc đường; khi tuần sau là bạn đã phải chuẩn bị thi cuối kỳ, nghĩ trong đầu rằng tuyệt đối không được ốm trước khi hoàn thành kỳ thi thì y như rằng, trước khi thi vài ngày sẽ đột nhiên đổ bệnh.
Đây chính là “ghét của nào, trời trao của ấy”. Trong định luật Murphy, điều này được gọi là: bạn càng sợ điều gì xảy ra, điều đó lại càng có khả năng xảy ra.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ThisIsEngineering/Pexels. |
Tuyển thủ súng hơi nổi tiếng người Mỹ Matthew Emmons chính là ví dụ điển hình của định luật này.
Tại thế vận hội Athens năm 2004, tuyển thủ người Mỹ Matthew Emmons đang có thành tích vô cùng xuất sắc với 9 phát súng đầu Định luật Murphy tiên, mọi người đều nghĩ rằng, chỉ cần anh ấy giữ vững phong độ như thế là có thể nắm chắc huy chương vàng trong tay.
Thế nhưng, điều không mong muốn lại xảy ra vào đúng lúc này. Matthew Emmons bất ngờ bắn phát súng thứ mười chệch sang bia bên cạnh, hơn nữa, còn là vòng 10.6 và đánh mất chiếc huy chương vàng Olympics như thế. Bốn năm sau, tại thế vận hội Bắc Kinh, Matthew Emmons tiếp tục lặp lại bi kịch tương tự.
Khi đang nằm trong số hai cái tên dẫn đầu tại vòng áp chót, thì đến phát súng cuối cùng, anh ấy lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng, chỉ bắn được đến vòng 4.4 và một lần nữa dâng huy chương vàng Olympics cho đối thủ.
Đương nhiên, bi kịch vẫn chưa vì thế mà kết thúc, vào thế vận hội 2012 tại London, Emmons lại một lần nữa mắc sai lầm ở phát súng cuối cùng, đem chiếc huy chương bạc tưởng như đã nằm gọn trong tay tặng cho đối thủ người Hàn Quốc.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford - Mỹ phát hiện ra rằng: Một hình ảnh tưởng tượng nào đó trong não bộ của con người có thể tác động mạnh mẽ lên hệ thống thần kinh của người đó, đem tình huống mà bản thân đang giả định biến thành tình huống thực tế, đồng thời có xu hướng hiện thực hóa giả định đó.
Ví dụ, Matthew Emmons trong ví dụ trên, trước khi nổ súng, anh ấy luôn lo lắng bản thân không thể tạo ra thành tích tốt, vậy là anh ấy liên tục nhắc nhở bản thân không được bắn lệch, lúc này, bộ não của anh ấy sẽ tự nhiên hình thành một hình ảnh vô cùng rõ ràng về việc anh ấy bắn trượt. Kết quả cuối cùng giống như trò đùa mà định luật Murphy tạo ra vậy, đạn bắn ra sẽ bay lệch khỏi bia đích.
Từ đó có thể thấy, khi xử lý những việc trọng đại mang tính chất quan trọng, cần phải biết thả lỏng bản thân, đừng quá nghiêm trọng hóa kết quả thất bại, đừng đặt bản thân vào trạng thái lo lắng. Hãy thay đổi tâm thế, nghĩ rằng cho dù có thất bại một lần thì cũng chẳng sao cả, cùng lắm là làm lại từ đầu. Có như thế mới có thể chiến thắng được tâm lý, rũ bỏ được “lời nguyền” của định luật Murphy.
Một thanh niên người Mỹ tên là Mackey, xuất thân bần hàn, chưa từng học đại học, đã đến Boston với sự dũng cảm hơn người.
Ở Boston, cậu làm quen được một người bạn tên là Halton, hai người đã hợp tác mở một cửa hàng vải. Sau đó, Mackey đem lòng yêu em gái của Halton nhưng bị Halton phản đối. Bởi vì, trong mắt của Halton, Mackey chẳng có bản lĩnh gì cả, không xứng đáng với em gái của anh ta. Cuối cùng, Mackey đành dẫn theo em gái của Halton rời khỏi cửa hàng vải, bắt đầu lại cuộc sống của hai người.
Sau khi kết hôn, Mackey tự mình mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh kim chỉ và cúc áo. Vốn tưởng có thể kiếm được một khoản kha khá, kết quả là việc kinh doanh vô cùng thảm hại. Từ lần thất bại này, Mackey học được một điều rằng, không những phải tính toán đến nhu cầu của khách hàng mà còn phải tính toán đến tính khả thi để khách hàng thực hiện hành vi mua hàng: Làm gì có ai chấp nhận đi một quãng đường rất xa chỉ để mua một cái cúc áo?
Sau lần đó, một Mackey không cam tâm chấp nhận thất bại đã lần lượt mở hai cửa hàng vải nhưng cuối cùng vẫn đều phải đóng cửa. Tuy nhiên, từ những thất bại này, anh ta cũng đã hiểu ra rất nhiều điều. Ví dụ như, làm kinh doanh phải biết xử lý ổn thỏa mọi công đoạn trong quá trình từ nhập hàng đến tiêu thụ hay bất kể một chiến lược kinh doanh nào cũng đều phải kết hợp với hoàn cảnh môi trường cụ thể thì mới có thể phát huy tác dụng... Cái giá của sự trưởng thành lúc nào cũng rất đau đớn. Sau vài lần vấp váp, Mackey gần như đã tiêu sạch số tiền tích góp của mình.
Đúng vào lúc này, Halton - người năm xưa từng khinh thường anh ta không có bản lĩnh đã chủ động tìm đến, đồng thời tự nguyện cung cấp vốn để anh ta có thể làm lại từ đầu. Halton cho rằng, mặc dù những năm qua Mackey đã trải qua không ít thất bại, nhưng anh ta cũng đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm từ những thất bại đó, đã khôn ngoan hơn rất nhiều, bản lĩnh hơn rất nhiều. Bây giờ, Mackey đã trở thành một người cộng sự lý tưởng rồi.
Với sự giúp đỡ của Halton, Mackey lại tiếp tục mở những cửa tiệm của mình, và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau đó đã mở ra thêm nhiều chi nhánh. Mười năm sau, việc kinh doanh của Mackey phát triển hơn hàng chục lần, trở thành một trong những công ty bán lẻ lớn nhất thế giới.