Người đàn ông sinh trưởng trong gia đình hòa thuận thường chọn người vợ có tính cách giống mẹ của mình. Ảnh: G.Đ. |
[...]
Trong chương trình tư vấn tâm lý qua radio cách đây ba năm, một cô bé lớp 12 gọi điện tới để tâm sự. Trong cuộc điện thoại kéo dài 15 phút, cô bé thổ lộ người mẹ thường xuyên tỏ thái độ không hài lòng mặc dù cô luôn nỗ lực. Năm cuối cấp nhiều áp lực thi cử nên cô cũng không muốn mẹ lo lắng, nhất là vì nhà cô chỉ còn hai mẹ con.
Có một lần, cô bé mệt nhoài thiếp đi trên bàn học lúc ba giờ sáng. Mẹ cô bé thấy và vẫn không ngừng oán thán. Sau đó cô chuyên viên của chương trình có hỏi một câu khiến tôi nhớ mãi: “Vậy mối quan hệ của bà và mẹ cháu ra sao?” Cô bé trả lời “Dạ, không tốt lắm, thưa cô. Bà cháu khi còn sống cũng hay phàn nàn giống như mẹ cháu đang làm với cháu vậy”.
Nghe đến đây, tôi đã hiểu lý do. Người bà luôn áp đặt cách dạy của mình lên người mẹ với trạng thái tâm lý luôn ức chế. Người mẹ lớn lên và sinh con, tiềm thức quay trở lại và lúc này người mẹ trở thành bản sao của người bà, còn người con là bản sao người mẹ ngày trước. Tôi cũng tự đặt câu hỏi: “Liệu sau này cô bé có giống mẹ mình hay không?”
Rất nhiều các bậc cha mẹ dạy con như thế này: “Điếc à? Nói mấy lần không nghe” hay “Mù à, thế cái gì trước mặt mày đây?” Họ bao biện rằng, như thế là nghiêm khắc, chỉ muốn tốt cho con. Cách chỉ dạy thế này sẽ tạo tâm lý phòng vệ ở con trẻ, khiến chúng không dám làm sai hoặc nếu mắc lỗi chúng sẽ giấu nhẹm, còn không may bị phát hiện thì sẽ chịu trận đòn.
Nếu sự tổn thương về cả tinh thần và thể xác diễn ra đủ lâu, chúng sẽ bị thu hút bởi những người hay tạo ra rắc rối hơn là những người tử tế. Bởi vì cha mẹ chúng có mang lại chút cảm giác tử tế nào đâu?
Có thể bạn có những đức tính được người khác ngưỡng mộ và yêu thích, nhưng chưa chắc những gì bạn đang có sẽ khiến người bạn theo đuổi cảm thấy rung động.
Vì bạn đang “bán” những gì mình có, chứ không phải những gì họ cần. Cũng giống như khi khởi nghiệp kinh doanh, muốn bán được hàng và tăng doanh số, bạn nên tìm hiểu nhu cầu thị trường là gì, thay vì tập trung vào những gì đang có sẵn, dù cho chúng tốt đến mức nào đi nữa.
Vậy thì tại sao lựa chọn của mỗi người không hề giống nhau? Tại sao người bạn của bạn thích những người có ngoại hình đẹp và khuyên bạn nên tìm đến những người như thế để kết hôn, trong khi bạn lại cho rằng đẹp mã chỉ để ngắm chứ tính cách mới là thứ bạn để ý nhất trong những lần gặp gỡ?
Nếu quan sát kỹ, có thể bạn sẽ thấy rằng một số người có xu hướng chọn đối tượng có nét tương đồng với cha/ mẹ mình.
Phức cảm Oedipus được Freud giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách Giải mộng xuất bản năm 1899 của ông. Freud đặt ra học thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục, mô tả cảm giác yêu thương của người khác giới với đứa trẻ. Theo đó, con trai có xu hướng gần gũi mẹ và con gái gần gũi với bố. Điều này không chỉ xuất hiện ở con người, mà người ta cho rằng động vật cũng có hành vi tương tự.
Một thuật ngữ khác giải thích vì sao con người có xu hướng chọn bạn đời giống thế hệ cha mẹ là Sexual Imprinting (dấu ấn giới tính). Trong video có tựa đề Marrying your mother, diễn giả đưa ra ví dụ chú gà trống Claudio ở sở thú London khi nhỏ bị những con gà trống bắt nạt, sau đó người ta đặt nó vào trong chuồng cừu.
Cuốn sách Hiểu tâm lý rành tâm ý của tác giả Huy Đức. Ảnh: S.B. |
Khi lớn lên, nó chỉ “giao du” với cừu, xa lánh những con gà cùng nòi và thậm chí còn cố gắng tiếp cận những con cừu cái. Thêm vào đó, để giải thích thêm cho hành vi này, anh ấy cũng đề cập loài chim có mào đỏ dài trên đầu. Nếu chim mẹ chăm sóc chim con (đực), khi lớn lên, những con chim con đó sẽ tìm những con chim cái cũng có mào đỏ dài trên đầu.
Dấu ấn giới tính sẽ dựa trên yếu tố "bạn đời phù hợp với tiêu chí chọn bạn đời của cha mẹ" hoặc "bạn đời giống cha mẹ". Dấu ấn giới tính biểu hiện rõ nét tùy theo bạn thuộc giới tính nào và ai là người ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất.
Ví dụ, nếu người con trai sinh ra có bố là người da trắng và mẹ là người da đen, người con trai sẽ “in” theo dấu ấn của mẹ, tức là anh ta sẽ thích hoặc ấn tượng với phụ nữ da đen hơn là da trắng. Hoặc, người con trai sinh ra trong gia đình có người mẹ nghiện thuốc lá, khói thuốc luôn bay ngập tràn căn phòng, anh ta sẽ thích những cô gái nổi loạn, thích chứng tỏ tính cách của mình qua những điếu thuốc lá.
Trong cuốn sách Men Chase Women Choose: Chuyện tình yêu bạn biết được bao nhiêu, tác giả giới thiệu về sự hấp dẫn liên quan đến người nuôi dưỡng khác giới với ví dụ: nếu cô con gái được một ông bố đầy thương yêu nuôi dạy, nhiều khả năng cô con gái sẽ chọn người bạn đời có nét tương đồng với bố mình. Thêm vào đó, nếu một cậu con trai được người mẹ thương yêu, anh ta cũng sẽ chọn người bạn gái khiến anh nhớ đến mẹ mình.
[...]