Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diễn tỉnh - Đường mưu sinh của nghệ sĩ hài đất Bắc

Nhiều nghệ sĩ hài miền Bắc chọn việc diễn tỉnh để cải thiện “miếng cơm manh áo” trong bối cảnh game show, truyền hình thực tế và các dự án điện ảnh chủ yếu diễn ra tại miền Nam.

Cách đây không lâu, MC Thành Trung gây tranh cãi khi bày tỏ sự ngưỡng mộ về sức thu hút của Trường Giang bằng cách so sánh mức độ đón nhận của khán giả miền Nam và miền Bắc đối với hài kịch.

Thành Trung cho biết trong khi sân khấu miền Nam sáng đèn thì các nhà hát miền Bắc lại không thu hút được khán giả. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không có những tụ điểm ngoài trời như Sài Gòn. Do vậy, anh em nghệ sĩ miền Bắc chỉ có cách diễn tỉnh.

Phát ngôn so sánh mức độ đón nhận của khán giả hai miền đối với nghệ thuật hài của Thành Trung bị không ít người phản đối. Trong cuộc trao đổi Zing.vn, các nghệ sĩ hài miền Bắc khẳng định công chúng ở đâu cũng yêu mến nghệ sĩ, do vậy không nên lấy những hạn chế của nơi này để tôn vinh nơi khác.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ đồng tình với một quan điểm của Thành Trung qua việc nhấn mạnh “diễn tỉnh đúng là con đường mưu sinh cốt yếu của diễn viên hài miền Bắc”. Nhờ tình cảm của bà con nhân dân các địa phương, nhiều nghệ sĩ có cuộc sống đủ đầy và dư dả hơn.

dien tinh nghe si hai anh 1
Khán giả địa phương quây kín sân khấu xem Quang Tèo biểu diễn. Ảnh: NVCC.

Diễn tỉnh từ tối đến đêm, không từ chối nơi nào

NSƯT Tiến Quang, nghệ danh Quang Tèo, giải thích không thuộc địa bàn Hà Nội thì gọi là diễn tỉnh. Diễn tỉnh là đi khắp mọi nơi, từ những tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đến những địa phương xa hơn như Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí lên cả khu vực miền núi như Phú Thọ, Tuyên Quang.

“Hôm nay diễn nơi này, mai lại diễn nơi khác. Diễn quanh năm, ngày tháng, tỉnh nào cần là chúng tôi có mặt, chẳng từ chối địa phương nào. Diễn tỉnh đa phần là diễn tối, do vậy, ban ngày hoạt động tự do, thích làm gì thì làm. Cuối ngày lên đường, 20h đến nơi, diễn đến đêm thì về” - Quang Tèo hào hứng nói.

Đồng tình với chia sẻ của “đại gia chân đất”, Hiệp Gà bảo xa đến mấy cũng phải diễn tối vì thời gian ban ngày, bà con còn phải đi làm. Một tháng, “Gia Cát Dự” diễn khoảng 25-28 buổi, trở thành một trong những nghệ sĩ hài miền Bắc chạy show nhiều nhất trong năm qua.

“Tôi không nhận được nhiều lời mời từ truyền hình, phim ảnh. Năm 2016, tôi chỉ tham gia một vai trong Chôn nhời 4, còn lại thời gian chủ yếu, tôi dành đi diễn tỉnh phục vụ bà con. Tôi diễn khắp nơi, bầu show gọi là đi. Đa phần là đi cùng một lái xe nữa nhưng nếu hôm nào không có, tôi sẵn sàng đi một mình” - nam nghệ sĩ chia sẻ.

Khán giả thôn quê rất nồng nhiệt và tình cảm

Là nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trong thị trường hài miền Bắc, Trà My cho biết diễn tỉnh tưởng khổ cực nhưng thực ra rất vui vì không nơi nào tình cảm và đón tiếp nghệ sĩ nồng nhiệt như khán giả thôn quê.

“Tôi nhớ một lần diễn ở Nghệ An cùng nghệ sĩ Văn Hiệp, đang diễn thì sân khấu sập. Khán giả không những không bỏ về mà còn hợp sức lại để gồng sân khấu lên cho chúng tôi tiếp tục biểu diễn. Sau đêm diễn đó, tôi đã khóc vì không thể quên được khoảnh khắc xúc động” - Trà My nhớ lại.

Quang Tèo cười hạnh phúc miêu tả cảnh người dân địa phương đứng hai bên đường chờ nghệ sĩ đến mức ô tô không đi được. Khi nam diễn viên hài bước xuống xe, khán giả chạy ào đến ôm ấp, bắt tay và xin chụp hình kỷ niệm.

“Hạnh phúc lắm, nghề diễn cần gì hơn thế. Tôi được yêu thích nhờ những vai nông dân, chăn gà nuôi vịt nên rất thích biểu diễn ở những miền quê. Người dân ở đó dân dã, gần gũi và rất quý mến nghệ sĩ. Diễn ở những sân khấu hoành tráng, lộng lẫy khéo lại không được như thế” - nam NSƯT bộc bạch.

Trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây không lâu, “Vua hài đất Bắc” Xuân Hinh cũng công nhận tình cảm nồng hậu mà người dân địa phương dành cho nghệ sĩ mỗi lần đi diễn tỉnh.

"Nếu trước đây chỉ diễn khoảng 2 tiếng trong một đêm thì bây giờ phải dành thêm một tiếng vì khán giả xin chụp hình. Từ ngày sinh ra Facebook, ai cũng muốn chụp hình kỷ niệm với nghệ sĩ, do vậy, diễn xong không thể về ngay" -cây hài gạo cội cười giòn chia sẻ.

dien tinh nghe si hai anh 2
"Vua hài đất Bắc" Xuân Hinh chụp ảnh với các khán giả nhí trong một lần diễn tỉnh. Ảnh: NVCC.

Cát-xê thấp hơn phim, quảng cáo nhưng “năng nhặt chặt bị”

Khi đề cập đến vấn đề cát-xê diễn tỉnh, các nghệ sĩ hài miền Bắc đều không tiết lộ con số cụ thể vì quan niệm “mỗi diễn viên một khác, mỗi địa phương một khác, do vậy, rất khó để đưa ra một con số chung cho tất cả”.

“Nói chung là đủ sống, nếu chăm chỉ thì không khó để có cuộc sống đủ đầy. Tôi xây được nhà 5 tỷ, mua xe 3 tỷ cũng là nhờ diễn đám cưới và diễn tỉnh. Đi diễn quanh năm, không lúc nào được nghỉ nhưng nghề và khán giả không phụ mình” - Chiến Thắng tỏ ra hài lòng.

Khi phóng viên đặt câu hỏi so sánh cát-xê diễn tỉnh với đóng phim hài Tết hoặc quảng cáo, Chiến Thắng thắng thắn cho biết diễn tỉnh có thể thấp hơn nhưng “năng nhặt chặt bị”, "tích tiểu thành đại". 

"Hài Tết chỉ tham gia được một đến hai phim trong năm, quảng cáo cũng thế. Nhưng diễn tỉnh là công việc thường xuyên, do vậy mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho nghệ sĩ" - nam diễn viên sinh năm 1975 nói thêm.

Hiệp Gà có đồng quan điểm với Chiến Thắng nhưng nam diễn viên cũng tiết lộ chuyện bầu show nợ tiền cát-xê nên thu nhập không được cao như mọi người nghĩ hoặc so với các nghệ sĩ đồng nghiệp miền Bắc khác.

“Tôi diễn tỉnh nhiều, chắc mọi người đoán tôi có rất nhiều tiền. Nhưng thú thực, tôi cũng là người cho bầu show nợ tiền nhiều nhất miền Bắc. Số tiền đó dần dà uống bia trừ nợ thành ra tổng thu nhập của tôi không cao” - Hiệp Gà nói.

Nghệ sĩ tiếp tục tranh cãi nảy lửa về hài Nam - Bắc

Diễn viên Hiệp Gà cho rằng nhận xét hài miền Bắc "thô cứng" là phiến diện trong khi NSƯT Minh Hằng khẳng định đó là quan điểm chân thành và nghệ sĩ nên đón nhận để tiến bộ.

 

 





Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm