Cũng giống như Nokia, thời kỳ hoàng kim của điện thoại Sony Ericsson – sản phẩm của liên doanh giữa Sony (Nhật Bản) và Ericsson (Thụy Điển) ra đời năm 2001, bắt đầu thoái trào khi Apple bắt đầu cho ra mắt iPhone vào năm 2007.
"Ông vua nhạc số" với thiết kế sang trọng và tính năng chụp ảnh đỉnh cao
Một số phiên bản đỉnh cao của Sony Ericsson. Ảnh: Techcrunch. |
Trước đó, vào những năm đầu thập niên 2000, Sony Ericsson được mệnh danh là “ông vua nhạc số”. Không chỉ có khả năng chơi nhạc đỉnh cao, điện thoại của Sony Ericsson còn gây ấn tượng với khả năng chụp ảnh tốt và thiết kế sang trọng. Sony Ericsson còn nằm trong top 40 thương hiệu đắt giá nhất thế giới lúc bấy giờ, qua mặt cả những tên tuổi lâu đời như Heinz hay Louis Vuitton.
Sau khi liên doanh ra đời, các dòng điện thoại thương hiệu Sony Ericsson nhanh chóng trở nên phổ biến khắp toàn cầu với nhiều sản phẩm được người dùng ưa thích.
Phiên bản đầu tiên mang tính đột phá cao là Sony Ericsson T68i ra đời năm 2001 gây ấn tượng khi là chiếc điện thoại di động màn hình đa sắc đầu tiên trên thị trường. Tiếp đó là loạt phiên bản giành được cảm tình của người dùng như Sony Ericsson T100, T610, T630, K750i….
Năm 2005, Sony Ericsson ra mắt dòng sản phẩm chơi nhạc chuyên nghiệp W800i. Thành công của dòng điện thoại này cũng là bệ phóng giúp thương hiệu Walkman của Sony thêm nổi tiếng.
2006 chính là năm đỉnh cao trong thời kỳ vàng son của Sony Ericsson với sự ra đời của dòng điện thoại CyberShot với tính năng chụp hình được nâng lên một tầm cao mới, thu hẹp khoảng cách với máy ảnh kỹ thuật số.
Vào giai đoạn hoàng kim, Sony Ericsson nắm giữ 9% thị phần điện thoại di động và là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 4 thế giới.
Bại trận trước lính mới mang thương hiệu "táo cắn dở"
Sony Ericsson là một trong những ông lớn điện thoại di động bị "giết chết" bởi iPhone. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, tới năm 2007, iPhone của Apple tấn công thị trường mở đầu cho sự suy thoái của thương hiệu Sony Ericsson.
Cũng giống như Motorola, BlackBerry và Nokia, Sony Ericsson không nhận ra nguy cơ đến từ thương hiệu “táo cắn dở”. “Vũ khí” chủ chốt của iPhone là hệ điều hành iPhone OS (iOS) được thiết kế cho màn hình cảm ứng, trong khi Sony Ericsson, cũng giống như Nokia, dù sau đó đã thử nhưng bất thành khi cố cải tiến lại hệ điều hành Symbian cho màn hình cảm ứng.
Khi đó, các phiên bản của Sony Ericsson vẫn có giá tương đối cao và điểm trừ là camera vẫn có độ phân giải của các dòng điện thoại mới không mấy cải tiến so với các đời trước. Các tính năng từng mang lại hào quang cho thương hiệu này nhanh chóng bị các đối thủ sao chép.
Thời điểm đó, thị trường cũng thay đổi chóng mặt, chuyển từ những chiếc điện thoại di động thông thường sang những dòng điện thoại đa tính năng như một chiếc máy tính thu nhỏ với nhiều ứng dụng hấp dẫn. Smartphone nhanh chóng từ một sản phẩm cao cấp thành sản phẩm đại trà nhưng Sony Ericsson đã không thể theo kịp với các đối thủ.
Sự chậm chạp trong việc bắt theo xu hướng smartphone và xu hướng công nghệ cải tiến không ngừng đã khiến người dùng dần ngoảnh mặt với các dòng điện thoại mang thương hiệu Sony Ericsson, đẩy công ty này vào cơn khủng hoảng tài chính.
Theo giới phân tích, Sony Ericsson chỉ tập trung vào các tầm trung mới nổi tăng trưởng nhanh để giảm phụ thuộc vào các thị trường châu Âu đã gần bão hoà, nhưng lại thiếu sản phẩm đột phá tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ - nơi chuộng giá thấp và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Năm 2008, Sony Ericsson bị LG vượt mặt, bước vào thời kỳ lợi nhuận sụt nghiêm trọng, đi từ chỗ lãi 1,12 tỷ euro vào năm 2007 đến lỗ gần 800 triệu euro năm 2009.
Chiến lược đi sai hướng
Năm 2009, công ty này phải cắt giảm hàng nghìn nhân sự và báo lỗ hơn 260 triệu USD trong quý đầu năm – quý thứ 4 liên tiếp.
Ông Hideki Komiyama, chủ tịch của Sony Ericsson từ tháng 11/2007
. Ảnh: Zimbo. |
Khi đó, ông Hideki Komiyama, chủ tịch của Sony Ericsson từ tháng 11/2007 – người từng làm tại Sony được 42 năm, nói: “Nếu chúng ta không thích ứng với các công nghệ mới và môi trường kinh doanh mới, chúng ta sẽ thua cuộc”.
Có vẻ công ty này đã thua cuộc bởi phản ứng dễ thấy nhất của ông Komiyama với những thách thức của công ty là cắt giảm chi phí.
Ông nổi tiếng với kế hoạch cắt giảm chi phí mạnh tay bằng cách sa thải 4.000 nhân viên – tương đương 30% nhân sự - tại Sony Ericsson nhằm giảm chi phí hoạt động năm khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2008. Ông cũng áp dụng quy trình ra quyết định tập trung nhằm chấm dứt cuộc chiến nội bộ.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, tất cả những thay đổi trong nội bộ của ông Komiyama trở nên vô nghĩa khi Sony Ericsson không tung ra được các dòng điện thoại mới và cải tiến về công nghệ ra thị trường.
Các dòng diện thoại sau đó tung ra thị trường của Sony Ericssion chạy trên nền tảng hệ điều hành được phát triển bởi các công ty khác. Việc phụ thuộc vào công nghệ của một bên thứ ba cũng là một trong những điểm yếu của công ty này.
Trước đó, Sony Ericssion đã từ bỏ nỗ lực phát triển giao diện đồ hoạ cho smartphone dựa trên phần mềm của hãng công nghệ Thuỵ Điển UIQ mà công ty mua lại vào năm 2016. Chủ tịch Komiyama thậm chí gọi UIQ là “màn đánh cược tồi tệ”. Nhiều nhà phân tích cho rằng Sony Ericssion đã không chú trọng việc phát triển hệ điều hành riêng mà dùng của các công ty khác – việc khiến chi phí tăng lên.
Vào quý 2/2011, thị phần của Sony Ericsson chỉ còn 2% và xếp thứ 11 trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại di động.
Thương hiệu Sony Ericsson dần vắng bóng trên thị trường và biến mất hoàn toàn vào tháng 2/2012 khi tập đoàn Sony mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson trong liên doanh với giá 1,5 tỷ USD và đổi tên công ty thành Sony Mobile Communications Inc. Các sản phẩm điện thoại sau đó chỉ mang thương hiệu Sony.
Sony Ericsson trở thành Sony Mobile Communications Inc. sau thương vụ thâu tóm cổ phần trị giá 1,5 tỷ USD. Ảnh: Wired. |
"Khi liên doanh được thành lập, công nghệ điện thoại di động còn cả khá đơn giản và công nghệ của Ericsson khi đó phù hợp với mục đích của Sony”, nhà phân tích Tim Charlton của Charlton Media nhận định. “Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Điện thoại đã cải tiến hơn nhiều và Sony cảm thấy Ericsson không mang lai nhiều giá trị nữa”.
Tuy nhiên, sau khi thâu tóm cổ phần của Ericsson trong liên minh, Sony vẫn lao vào cuộc cạnh tranh với dòng điện thoại Xperia trong khi các đối thủ khác gồm cả mới lẫn cũ liên tục tung ra những phiên bản mới cải tiến, đáp ứng thị hiếu của đông đảo tầng lớp người dùng. Chiến lược này đã khiến Sony bại trận thêm một lần nữa.