Cuối 2/2014, Pantech gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc giới thiệu chiếc Vega Iron chính hãng với bản ROM tiếng Việt. Động thái này được xem là bước ngoặt giúp hãng điện thoại Hàn Quốc tiếp cận tốt hơn với thị trường Việt Nam. Hơn một năm trôi qua, điện thoại Pantech ngày một vắng bóng, cả trên nhóm chính hãng lẫn xách tay.
Ở thị trường chính hãng, sau Vega Iron, hãng lần lượt giới thiệu những chiếc Vega Iron 2 hay Vega Secret Up nhưng điệp khúc quen thuộc của 3 sản phẩm này chỉ là “giảm giá”. Vega Iron 2 – mẫu smartphone cao cấp nhất của họ – từ mức giá 12,2 triệu (9/2014) giảm xuống 8,2 triệu đồng – ngang ngửa với một số model tầm trung.
Điện thoại Sky Pantech không còn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Thành Duy. |
Tương tự, Sky Pantech gần như vắng bóng ở nhóm xách tay trước những mẫu máy khoá mạng Nhật giá mềm. Những năm 2011 - 2012, điện thoại Sky Pantech thống trị thị trường máy xách tay. Điểm nổi bật của những sản phẩm này khi đó là mức giá rẻ hơn hẳn so với mặt bằng thị trường. “Điện thoại Sky qua sử dụng khi đó có sức hút không kém gì iPhone cũ hiện nay”, anh Trung Trí – dân buôn điện thoại xách tay - chia sẻ. Sang năm 2013, có thể coi chiếc Vega Iron (Sky A870) là điểm sáng lớn nhất trước khi thương hiệu này đánh mất sự yêu thích của người dùng.
Vega Iron được đánh giá cao nhờ thiết kế độc đáo với khung thép, viền màn hình mỏng tạo dấu ấn riêng so với các đối thủ. Tại Việt Nam, cộng đồng người sử dụng Vega Iron khá lớn, cũng là một trong những nhóm người dùng hoạt động sôi nổi nhất trên mạng xã hội Facebook. Đáng tiếc, chiếc Vega Iron 2 sau này không được đánh giá cao như vậy.
Pantech Vega Iron từng được chào bán giá 15 triệu đồng khi mới về Việt Nam. Máy được xem là đối thủ xứng tầm của chiếc Galaxy S4 từ Samsung. Ảnh: Duy Tín. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thương hiệu Pantech Vega dần vắng bóng tại Việt Nam. Trước tiên, bản thân Pantech không tạo được những sản phẩm đủ sức hút đối với người dùng. Trong bối cảnh, các ông lớn như Samsung, Sony, LG liên tục thay đổi mẫu mã, tung nhiều model ở nhiều tầm giá khác nhau để thu hút người dùng, Pantech tỏ ra lép vế hơn hẳn.
Trong vài năm qua, hãng điện thoại lớn thứ 3 (sau Samsung, LG) tại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn về tài chính và không ít lần đứng trước nguy cơ phải xin bảo hộ phá sản. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chiến lược ra mắt sản phẩm mới.
Nguyên nhân khác là do thị trường di động Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ gần đây. Ở nhóm giá rẻ - nơi những chiếc máy Sky đời cũ từng chiếm lĩnh thị trường – Nokia, Samsung, Asus tung ra hàng loạt các sản phẩm có giá bán dễ chịu. Người dùng dễ dàng bị thu hút bởi những sản phẩm chính hãng giá tốt này hơn những dòng máy xách tay trôi, chất lượng không đảm bảo.
Ở nhóm trung và cao cấp, người dùng sau một thời gian chuộng máy Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển sang máy khoá mạng Nhật. Những sản phẩm gần đây của Pantech như Vega LTE-A, Vega Secret Up, Secret Note hay Iron 2 đều có giá bán tốt nhưng số lượng máy bán ra khiêm tốn. Do đó, nhiều cửa hàng hiện bỏ qua dòng sản phẩm này để tập trung kinh doanh iPhone và một số máy khoá mạng Nhật giá mềm.
“Không thể so sánh với BlackBerry trước đây nhưng có vẻ như, máy Sky Pantech sẽ mất chỗ đứng trên thị trường, nhường chỗ cho những sản phẩm thức thời hơn”, anh Trí nhận định.