Anh Nguyễn Hữu Đang (Bình Thạnh, TP.HCM) tự nhận mình là một fan ruột của Nokia hơn chục năm nay. Tuy nhiên, chiếc di động hiện anh đang dùng là iPhone 5S. Anh Đang sử dụng chiếc di động Nokia cuối cùng là N8, "gần đây tôi có mua Lumia 1020 để chụp ảnh, nhưng nó không phải là máy chính và thi thoảng đi du lịch mới mang theo".
Bộ sưu tập di động của anh Đang tới gần 20 model khác nhau của Nokia. "Một nửa trong số này là của bố tôi. Cả hai bố con đều dùng Nokia từ khi Mobifone mới có mạng di động. Chúng tôi không bán sau khi dùng, mà cất làm kỷ niệm, như một vật gắn bó với mình trong khoảng thời gian nào đó", anh Đang chia sẻ.
Cầm chiếc Nokia 8210 trên tay, anh Đang cho biết, thiết bị này gắn với anh suốt thời gian sinh viên. "Nó không phải là điện thoại đầu tiên tôi có, nhưng 'con máy' này được ba tặng khi tôi đỗ Đại học Kinh tế. Giờ nó vẫn tốt, nghe gọi được, lớp sơn bên ngoài chỉ có vài vết xước nhỏ". Theo anh Đang, không chỉ mình, nhiều bạn bè thuộc lớp 7x đời cuối, Nokia là một phần ký ức sâu đậm. "Chúng tôi lớn lên và trưởng thành theo tiếng chuông Nokia. Những model huyền thoại của họ cũng gắn với kỷ niệm trong học tập cho đến khi đi xin việc".
Nokia 3310 là chiếc điện thoại phổ biến nhất đầu những năm 2000. |
Anh Bảo Trung, 33 tuổi nhớ lại về thời điểm huy hoàng của điện thoại Nokia tại Việt Nam, “chiếc Nokia đầu tiên là tôi dùng là 3310. Máy ra mắt năm 2000 nhưng phải tới năm 2002 tôi mới được tiếp cận. Thời điểm đó, nó được gọi là cục gạch. Nhiều lần bị rơi, máy có thể bị tung ra thành nhiều mảnh (vỏ, pin, ruột…) xong có thể nhặt và lắp ráp lại, hoạt động bình thường".
Anh Trung cho biết, khi đó tiêu chí một chiếc điện thoại tốt rất khác so với hiện tại, đó là nhỏ, pin trâu, rung mạnh. Khái niệm hệ điều hành hay màn hình cảm ứng hoàn toàn không có.
“Những năm 2002 - 2003, Nokia 8310 bắt đầu xuất hiện trên thị trường và được xếp vào loại sang chảnh. Khi vào quán café, muốn chơi trội, chỉ cần đặt máy lên bàn thi rung, chuông. Thời điểm này máy Nokia 8910 (tám chín mười) là máy xa xỉ, chỉ người giàu mới có tiền mua. Nếu để nhẩm tính lại, tôi không thể nhớ mình đã dùng bao nhiêu máy Nokia” – anh Trung nhớ lại.
Trong khi đó, những người trẻ hơn lại tiếp cận với những model khác của Nokia. Văn Thân, sinh viên năm cuối một trường Đại học ở Hà Nội cho biết, những chiếc máy như Nokia 1110i hay 1200 gắn liền với thời cuối cấp 3 và suốt những năm đại học như một công cụ không thể thiếu. “Ngoài việc dùng làm phương tiện liên lạc với gia đình, mấy chiếc máy Nokia còn là thiết bị giải trí gần gũi nhất". Thân hồi tưởng, "cả đám bạn ngồi chơi ‘rắn” (game Snake 2) để phân chia đẳng cấp hay cắm tai nghe bật đài FM nghe cả tối”. Theo anh: “với những anh chị 8X đời cuối hay 9X đời đầu như mình, nhạc chuông Nokia Tune hay âm thanh tin nhắn liên tục đã trở thành một phần của cuộc sống”.
Hiện tại, Thân vẫn đang sử dụng một chiếc Lumia 520 sau khi đi làm để đáp ứng các yêu cầu như lướt web, kiểm tra mail. “Smartphone hiện nay giống một thiết bị đa phương tiện hơn là một chiếc điện thoại thuần túy. Nó hay, nó nhiều tính năng như không mang lại nhiều kỷ niệm đẹp như điện thoại cục gạch ngày xưa”.
Những mẫu di động huyền thoại từ Nokia. |
Theo anh Hoàng Thái – một người kinh doanh điện thoại gần trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – những chiếc Nokia giá rẻ cũng gắn liền với thời điểm làm ăn phát đạt nhất của anh. Có những ngày, cửa hàng được vài chục chiếc Nokia, cả cũ lẫn mới. “Thời điểm những năm 2004 – 2007, di động Nokia chiếm 90% doanh số cửa hàng. Sinh viên, người lao động từ các tỉnh lên Hà Nội chỉ ưa chuộng mỗi Nokia. Đem một chiếc Samsung màn hình màu ra gạ khách mua với giá tương đương, họ nhất quyết không chọn mà chỉ cần Nokia cục gạch”.
Anh Thái hiện đã chuyển sang kinh doanh smartphone và các dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, anh vẫn liên tục săn lùng những sản phẩm như Nokia 1110, 1110i, 3310 còn tốt để bỏ mối quen là những người thích chơi đồ cổ hoặc dân sưu tập hoặc đôi khi giữ lại để ngắm và sử dụng luôn.
Bộ phận sản xuất và dịch vụ di động của Nokia vừa được chuyển giao cho Microsoft. Theo thỏa thuận, hãng phần mềm Mỹ vẫn được sử dụng thương hiệu Nokia trong 10 năm tới, trên các dòng điện thoại phổ thông. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" phần mềm Mỹ đang tìm kiếm một cái tên mới để thay thế. Tại Việt Nam, văn phòng Nokia cũng đã đổi tên và gia nhập Microsoft.
Theo anh Đang, thương hiệu Nokia nếu biến mất thực sự đáng tiếc. "Nhiều người Việt sẽ buồn vì điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn thay đổi, và bạn phải chấp nhận thực tế, nếu như không muốn mình cũ", anh nói.