Trong buổi giới thiệu sản phẩm Lumia 630 tại Hà Nội hôm 6/5, đại diện Nokia đã có nhiều chia sẻ thú vị về chiến lược của hãng tại Việt Nam sau khi gia nhập Microsoft.
Theo đó, Việt Nam được hướng đến là một trong những thị trường trọng điểm của Nokia, và đang nằm trong top 10 thị trường được Nokia lưu tâm đặc biệt. Do đó, các sản phẩm mới của hãng đều được ưu ái ra mắt và bán rất sớm tại Việt Nam.
Ông Vinod Muralidharam - Tổng giám đốc Microsoft Devices Việt Nam. |
Một ví dụ điển hình cho sự ưu ái của Nokia với thị trường Việt Nam là chiếc Lumia 630 vừa ra mắt. Người dùng Việt Nam sẽ là những người đầu tiên đón nhận những chiếc Lumia 630 bản thương mại từ cuối tuần này (thứ 7, ngày 9/5). Ngoài việc bán máy sớm, phần mềm dành cho Lumia 630 cũng được thiết kế tối ưu hóa cho Việt Nam trước tiên. Cụ thể, phiên bản Windows Phone 8.1 trên Lumia 630 đã hỗ trợ gõ tiếng Việt kiểu Telex hay VNI, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều ứng dụng thuần Việt như ATM Việt Nam, V-Dictionary hay VTV Plus.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng Nguyên - Giám đốc tiếp thị sản phẩm của Nokia (nay là Microsoft Devices) cho biết, Lumia 630 tại thị trường Việt Nam cũng là loạt sản phẩm duy nhất dùng bộ vỏ của chiếc 635 (bản 4G dành cho thị trường Mỹ) với cơ chế tự đổi màu trong các điều kiện ánh sáng khác nhau (ngoại trừ màu đen và trắng). Chi phí sản xuất bộ vỏ này cao hơn so với vỏ nhám thông thường trên sản phẩm dành cho thị trường khác.
Trong khi đó, ông Vinod Muralidharam - Tổng giám đốc Microsoft Devices Việt Nam - khẳng định, các chiến lược, sản phẩm của Nokia sẽ không có bất cứ thay đổi nào sau khi thuộc về Microsoft. Điều này đồng nghĩa với việc, người dùng Việt Nam có thể yên tâm về các chính sách giá, chế độ bảo hành cũng như chất lượng của các sản phẩm Nokia.
Đại diện Nokia chia sẻ, hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về việc Microsoft sẽ cho đổi tên các dòng smartphone mang thương hiệu Nokia cũ. Với các dòng điện thoại phổ thông, Microsoft có quyền giữ tên Nokia trên sản phẩm trong vòng 10 năm tới.
Cũng theo phía Nokia, hãng này đang nằm trong top 3 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất tại Việt Nam (tính cả điện thoại phổ thông). Riêng dòng điện thoại Windows Phone của hãng đã chiếm 26% thị phần, tính đến tháng 1/2014, tăng mạnh so với con số 16% của năm ngoái. Đây cũng là nền tảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.