Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện thoại nhái tung hoành ở Việt Nam

Giống y hệt sản phẩm nổi tiếng, nhiều tính năng và giá bèo là các yếu tố giúp điện thoại Trung Quốc làm nhái hàng hiệu vẫn tồn tại trên thị trường Việt Nam.

iPhone 4S nhái tại một cửa hàng “di động” trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM 

Điện thoại nhái được giới buôn bán lẻ và người dùng sử dụng gọi tên những sản phẩm hàng nhái, không thương hiệu hoặc thương hiệu “lạ hoắc” xuất xứ từ Trung Quốc. 

Với sự bùng nổ điện thoại di động tại Việt Nam những năm gần đây, đã có lúc người ta tưởng như điện thoại nhái sẽ biến mất, nhưng chính sự ham rẻ của nhiều người dùng đã khiến chúng vẫn còn đất sống.

Hàng nhái gắn mác hàng xách tay

Cầm trên tay chiếc điện thoại iPhone 4S như trong hình chụp, thật khó để bất kỳ người dùng nào có thể phân biệt được đó là sản phẩm thật hay giả nếu chỉ nhìn bề ngoài.

Nếu cộng thêm sự tác động từ người bán: “Chỉ một vài vết trầy xước không đáng kể, anh mua em dán lại phát là mới ngay”, người mua nếu không đủ am hiểu sẽ dễ dàng tin.

Đó là chiếc iPhone 4S nhái gần như hoàn hảo so với sản phẩm thật của Apple, nhưng giá bán chỉ có 1,1 triệu đồng và còn có thể rẻ hơn nếu biết cách thương lượng.

Dạo quanh các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ ở trục đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Hùng Vương (Q.5), Khu công nghiệp Tân Bình và các điểm bán hàng “di động” trên đường Nguyễn Kiệm, chúng tôi nhận thấy iPhone là chiếc điện thoại được làm nhái và bày bán nhiều nhất.

Giá bán dao động từ 1 - 2 triệu đồng tùy... sự am hiểu của người mua. Nếu người mua không rành, người bán có thể “chém gió” và làm giá cao.

Bề ngoài những chiếc iPhone nhái đều có thiết kế như sản phẩm chính hãng thật, nhưng khi sử dụng sẽ thấy màn hình hiển thị chất lượng hình ảnh kém, không sắc nét, cảm ứng rất chậm, hay bị “treo” giữa chừng, các nút bấm cơ cũng kém hiệu quả...

Bên cạnh iPhone, các smartphone của Samsung cũng bị làm nhái và bày bán rất nhiều như dòng Galaxy 3, 4, 5 với giá bán dao động chỉ 2-3,5 triệu đồng. HTC và Nokia cũng có rất nhiều sản phẩm bị làm nhái với giá bán chưa đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra còn có rất nhiều mẫu mã điện thoại từ có thương hiệu lạ đến không có nhãn mác thương hiệu nào. Những chiếc điện thoại này được giới thiệu rất nhiều tính năng giải trí tương tự các smartphone xịn nhất hiện nay nhưng giá bán lại rất rẻ.

Đặc biệt, nếu tìm kiếm trên mạng, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp hằng hà sa số các website rao bán điện thoại nhái.

Tại nhiều website có đăng rao bán điện thoại iPhone 5S Đài Loan với giá 2,9 triệu đồng, phiên bản chạy hệ điều hành Android lại có giá 2,6 triệu đồng, Samsung Galaxy S5 có giá 2,7 triệu đồng, Galaxy S4 có giá 2,2 triệu đồng.

Thậm chí, chiếc iPhone 6 mà Hãng Apple vừa mới ra mắt với giá dự kiến về Việt Nam trên dưới 20 triệu đồng tùy cấu hình, nhưng ở website này rao bán chỉ 3,5 triệu đồng với lời quảng cáo “hàng xách tay Singapore 100% mới”, hay chiếc iPhone 6 Plus phiên bản quốc tế nhưng chỉ có giá nhỉnh hơn 3 triệu đồng...

Mua qua mạng dễ đụng hàng nhái

Theo quan sát của chúng tôi, số lượng cửa hàng bán điện thoại nhái đã giảm rất nhiều so với cách đây vài năm. Những sản phẩm điện thoại nhái giá rẻ giờ chủ yếu chỉ xuất hiện ở các cửa hàng vùng ven, nơi có các khu công nghiệp, hoặc các cửa hàng “di động” trên các vỉa hè.

Anh Nghĩa - chủ một cửa hàng điện thoại ở Q.8, TP.HCM - cho biết: “Giờ điện thoại có thương hiệu giá rẻ của Việt Nam như FPT mobile, Mobiistar, Qmobile đã xuất hiện rất nhiều. Sản phẩm ngày càng chất lượng và càng rẻ.

Trong khi đa số người dùng đã có những hiểu biết nhất định về smartphone nên việc buôn bán điện thoại nhái không còn lời như ngày xưa nữa. Hầu hết cửa hàng giờ chuyển sang bán các sản phẩm có thương hiệu đàng hoàng, dễ giữ chân khách và dễ làm ăn hơn.

Những người bán điện thoại nhái giờ chủ yếu bán trên mạng”.

Còn theo Hải - giám đốc một công ty điện tử thường xuyên phân phối điện thoại Trung Quốc giá rẻ, hiện giờ hầu như không còn cảnh các nhà buôn Việt Nam lặn lội sang Trung Quốc gom hàng giá rẻ về bán lại nữa.

Thay vào đó, họ chỉ cần ngồi nhà liên hệ qua email với phía bên kia, lập tức họ sẽ nhận được các thông tin về hình ảnh, cấu hình các mẫu điện thoại với mức giá mong muốn. Khi ưng ý mẫu mã nào, hai bên chỉ cần thương lượng giá cho “vừa lòng nhau” và tiền, hàng sẽ được trao đổi nhanh chóng.

Công ty Hải hiện đang kinh doanh theo phương thức này nhưng đối tượng bán lại hàng của Hải chủ yếu là các tỉnh lẻ, nơi người dân vẫn còn thích điện thoại giá rẻ nhiều tính năng và không quan tâm lắm đến chất lượng.

Đại diện một hãng điện thoại thương hiệu Việt phân tích: hiện giờ những sản phẩm smartphone giá rẻ nhưng chất lượng, có thương hiệu đàng hoàng đã xuất hiện rất nhiều. Người mua vừa được hưởng nhiều ưu đãi từ các chương trình khuyến mãi, lại có thêm các chế độ bảo hành, chăm sóc nên họ đã không còn phụ thuộc vào điện thoại nhái nếu xét về mặt tài chính.

Cũng vì vậy điện thoại nhái giờ chủ yếu chuyển sang rao bán trên mạng để những người bán vừa có thể giảm chi phí thuê mặt bằng cửa hàng vừa dễ dàng quảng cáo qua mặt người mua.

Qua các website hay diễn đàn mạng, người mua dễ bị dụ dỗ bởi hình ảnh và những lời quảng bá hết sức hào nhoáng của sản phẩm kèm theo giá siêu rẻ.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo bán hàng qua mạng ngày càng xuất hiện nhiều thời gian gần đây, đặc biệt là trò lừa bán các sản phẩm điện tử như điện thoại di động.

Người mua thấy quảng cáo hấp dẫn nên đặt hàng và trả tiền, nhưng khi nhận được sản phẩm chỉ là hàng nhái, hàng hư hỏng.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, điện thoại nhái với đặc trưng giá rẻ nên chất lượng thường rất kém.

Vì giá rẻ nên chúng được lắp ráp từ những linh kiện dỏm, độ bền kém, mau hư hỏng và đặc biệt có thể chứa những hóa chất độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng cũng như gây ô nhiễm môi trường.

Một số vụ nổ điện thoại gây thương tích cho người dùng điện thoại nhái thời gian gần đây là lời cảnh báo đáng lưu tâm.

Điện thoại rẻ đương nhiên sử dụng pin dỏm, chất lượng kém, chỉ cần một sự chập mạch (hoặc nhanh xuống cấp) cũng có thể gây nổ pin, cháy máy điện thoại, làm thương vong trực tiếp đến người sử dụng.

Nhận diện điện thoại nhái

Điện thoại nhái hiện nay dù đã được chế tạo rất sắc sảo, rất giống hàng thật nhưng người dùng vẫn có thể phân biệt được.

Theo kinh nghiệm của những người làm trong ngành điện thoại, trước khi mua một mẫu điện thoại nào đó có giá bán tại cửa hàng rẻ hơn nhiều lần so với giá trong các siêu thị, người dùng nên đến siêu thị dùng thử máy trước để có cảm nhận chính xác: cảm giác cầm, cảm ứng, giao diện, màu sắc, tốc độ xử lý...

Sau đó ra cửa hàng xài lại mẫu điện thoại đó để cảm nhận sự khác biệt. Một điều rất dễ nhận thấy là những chiếc điện thoại nhái đều có giao diện và độ sắc màu không thể nào bằng với các máy chính hãng.

Nếu không có điều kiện xài thử máy chính hãng trước, khi mua người dùng nên chú ý kiểm tra những chi tiết sau: chất lượng màn hình hiển thị của máy giả rất kém; camera chụp hình rất tệ, đường viền xung quanh ống kính không đều, không đồng tâm; nét vẽ chữ, số trên bàn phím không thẳng hàng và không đều; tem máy rất sơ sài, thậm chí không ghi nơi sản xuất...

Mẹo tránh mua phải iPhone 5 'nhái' giá 6 triệu

Theo nhiều người dùng, việc thiếu thông tin, ham rẻ là nguyên nhân khiến nhiều người bị lừa mua những chiếc iPhone nhái.

http://nhipsongso.tuoitre.vn/tin/20140921/dien-thoai-nhai-tung-hoanh/648436.html

Theo Đức Thiện/Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm