Trong vài năm trở lại đây, thị trường hầu như không còn smartphone với thiết kế khác biệt. Một phần nguyên nhân bởi nhu cầu thị trường hiện tại đã thay đổi, mặt khác, các ứng dụng, phần mềm hầu như đã được tối ưu hóa cho màn hình rộng, có thể thoải mái sử dụng không cần bàn phím.
Cuộc chiến ở nhóm này, đặc biệt ở khúc giá tầm trung ngày càng khốc liệt, các nhà sản xuất Samsung, Oppo, Sony không giấu ý định hướng đến nhóm người dùng trẻ, dễ làm quen với cái mới.
Trong khi đó, tồn tại nhóm người dùng lớn tuổi hơn, còn ngần ngại với cái mới. Với họ, rất khó kiếm những thiết bị đủ dễ dàng để làm quen những tính năng mới, cùng lúc có thao tác sử dụng quen thuộc. Thống kê của Forbes, gần 60% người dùng Việt Nam vẫn còn dùng điện thoại cơ bản.
"Lượng người dùng điện thoại cơ bản ở Việt Nam rất lớn, họ có nhu cầu dùng tính năng nghe gọi chất lượng cao, lẫn tính năng smartphone cơ bản, đây là thị trường tiềm năng, có thể khai thác được", ông Kaoru Masuda , CEO và Chủ tịch FreeTel nói với Zing.vn.
Hãng điện thoại Nhật Bản vừa tung ra sản phẩm điện thoại nắp gập trong nhóm tầm trung. So sánh về cấu hình, sản phẩm này không quá nổi bật trong phân khúc vốn đã quá khốc liệt.
Ông Kaoru Masuda đặt nhiều kỳ vọng vào gần 60% người dùng có tiềm năng chuyển sang smartphone tại Việt Nam.
|
Tuy vậy, việc ghi dấu được tên tuổi thương hiệu vào gần 60% người dùng mới sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn, khi họ tung ra các smartphone khác về sau.
Xét về mặt thương hiệu, đây mới chính là vai trò chính của những model nắp gập, như chính đại diện của hãng cũng cho biết không đặt nặng con số bán ra của thiết bị này. Theo ông Masuda, lợi thế cạnh tranh của họ là chất lượng, thiết kế Nhật Bản và giá thành hợp lý. Hãng này có đội ngũ kỹ sư 40 năm kinh nghiệm đầu quân chịu trách nhiệm quản lý, giám sát sản phẩm.
"Phân khúc dưới 6 triệu tại Việt Nam rất khốc liệt. Vì thế, chúng tôi muốn đi theo chiến lược xây dựng niềm tin, yếu tố tinh thần để mang lại sự ổn định lâu dài, thâm nhập từ từ vào thị trường. Bên cạnh những sản phẩm cho thị trường ngách, hãng còn có các thiết bị smartphone khác cho những nhu cầu sử dụng khác nhau", ông Masuda cho biết.
Tất nhiên, đến cuối cùng, sự sống còn của một thương hiệu vẫn dựa vào chất lượng sản phẩm cũng như chiến lược duy trì hình ảnh thương hiệu đó. Người dùng điện thoại cơ bản thường "ít thay đổi" thiết bị hơn, nhưng không có nghĩa các hãng có thể lơ là việc nâng cấp sản phẩm.
"Việt Nam là thị trường rất quan trọng với chúng tôi, và dựa vào phản ứng khác hàng, hãng sẽ có chiến lược làm mới, nâng cấp các dòng sản phẩm của mình", ông Masuda kết luận.