Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện thoại được phát minh như thế nào

Điện thoại hộp của Bell gắn một nam châm lớn hơn những loại khác, nên có độ nhạy tốt hơn. Bell đã trình diễn chiếc điện thoại này trước mặt nữ hoàng Victoria.

Chiếc điện thoại hoạt động được đầu tiên chứa acid. Có thể Bell gọi Watson vì ông đã làm đổ một ít acid. Tranh trong sách.

Alexander Graham Bell là một chuyên gia về quảng cáo. Những dụng cụ thí nghiệm thô sơ của ông đã trở thành những đồ vật tinh xảo bằng đồng thau bóng lộn, gỗ đắt tiền và ngà voi khi được đem trình diễn trước một người quan trọng như nữ hoàng Victoria.

Bell đã gây ấn tượng tốt với nữ hoàng khi họ gặp nhau vào năm 1878, mặc dù ông đã mắc lỗi chạm vào cánh tay của nữ hoàng khi chưa được phép để thu hút sự chú ý của bà vào một cuộc gọi đến.

Đó là ngày Lễ tình nhân năm 1876. Quả là một ngày tốt lành để nói với thế giới về một phát minh giúp mọi người liên lạc với nhau. Thật may khi Alexander Graham Bell đã không để mọi người chờ lâu hơn nữa.

Hai giờ sau khi ông gửi giấy tờ mô tả chiếc điện thoại của mình tới văn phòng Bằng sáng chế Mỹ, đối thủ của ông là Elisha Gray đã báo cho họ rằng ông ta cũng làm điều tương tự. Nhưng Bell đã tới sớm hơn. Thật khó cho Gray. Cả hai người đều có những ý tưởng giống nhau nhưng Bell có một lợi thế: ông biết nhiều hơn về khả năng nghe và nói.

Cha của Bell là giáo viên môn ngữ âm và từng phát minh ra cách giúp người khiếm thính nói được. Ông nội của Bell từng dạy các bài học về ngữ âm, vì vậy, khi Bell lớn lên ở Edinburgh, Scotland, ông đã thấm nhuần những ý niệm về nói và nghe. Ông thậm chí còn bắt con chó của mình nói chuyện bằng cách khiến nó gầm gừ rồi dùng tay điều khiển miệng của nó.

Gia đình Bell di cư đến Canada vào năm 1870. Sau đó, Bell đến Boston, Mỹ, nơi ông mở trường dạy học cho người khiếm thính. Ông cũng đã thử nghiệm một chiếc máy điện báo âm có khả năng gửi thông điệp dưới dạng các nốt nhạc. Bell nhận thấy rằng một dải sắt khi đặt gần một miếng nam châm điện sẽ mô phỏng các dao động của một dải sắt tương tự và miếng nam châm điện nối với nó bằng dây.

phat minh ra dien thoai anh 1

Bell đã trình diễn chiếc điện thoại này trước mặt nữ hoàng Victoria. Ảnh trong sách.

Ông nghĩ rằng có thể vận dụng nguyên lý này để truyền âm. Cùng thợ máy Thomas Watson, Bell cố gắng làm cho dòng điện mô phỏng được sóng âm thanh. Thiết kế ban đầu không đủ nhạy, vì vậy, Bell đã thử nhúng một cây kim vào acid. Cây kim được gắn vào một tờ giấy da căng trên khung, với một chiếc sừng dùng để tập trung âm thanh vào đó. Âm thanh làm rung mảnh giấy da, thay đổi điện trở chỗ cây kim tiếp xúc với acid, từ đó thay đổi dòng điện.

Ban đầu, điện thoại không hoạt động. Nhưng vào thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 1876, trong khi Bell đang loay hoay với đầu phát trong một căn phòng còn Watson thì làm việc với đầu thu ở căn phòng khác, Bell gọi to: “Anh Watson, đến đây, tôi cần anh”. Và Watson đã đến. Watson đã nghe những lời nói của Bell, người đầu tiên cất tiếng qua điện thoại.

Bằng sáng chế trước đó của Bell không bao gồm đầu phát bằng chất lỏng giúp truyền giọng nói, vì vậy, ông quay lại cải tiến thiết kế ban đầu. Đến năm 1877, ông thành lập công ty và tổ chức các buổi trình diễn. Bell giàu lên nhờ phát minh ra điện thoại. Ông đã sử dụng một phần tiền để giúp đỡ những người khiếm thính và một phần khác để xây một ngôi nhà ở Canada.

Ông đã thực hiện thêm một số phát minh và trở thành Chủ tịch Hội Địa lý Quốc gia, biến tạp chí của hội thành ấn phẩm mà chúng ta biết ngày nay. Nhưng Bell vẫn luôn được nhớ đến nhiều nhất vì đã xóa nhòa khoảng cách ngăn trở con người nói chuyện với nhau.

Đến năm 1877, điện thoại của Bell đã trở thành một cặp “ống nói” bằng gỗ giống hệt nhau, mỗi chiếc có một thanh nam châm, một cuộn dây và một đĩa sắt mỏng.

Bài quảng cáo của Bell năm 1877 cho thấy những chiếc điện thoại đời đầu đã được sử dụng. Hệ thống của Bell không có bộ khuếch đại, khiến các cuộc gọi từ xa bị khó nghe. Điều này đã được khắc phục nhờ sáng chế thanh carbon tạo ra âm thanh siêu nhỏ (microphone).

Khi điện thoại trở nên phổ biến hơn, các thành phố bắt đầu có những đường dây chằng chịt trên cao, vì vậy một số đường dây đã được làm ngầm. Cáp điện thoại ban đầu chứa nhiều dây giấy cách điện trong vỏ bọc bằng chì.

SÁCH HAY