H.Y. Group, tập đoàn nhập khẩu điện thoại Nokia tại Israel cho biết doanh số các mẫu điện thoại cơ bản tại nước này tăng 200% trong tuần trước. Theo The Times of Israel, lý do đến từ sự lo lắng của người dân Israel về khả năng bị theo dõi trên smartphone.
Trước đó, báo Calcalist cáo buộc cảnh sát Israel dùng phần mềm gián điệp Pegasus của NSO Group để theo dõi người dân và một số quan chức cấp cao.
Dù không trích dẫn nguồn hay bằng chứng, báo này đưa tin Pegasus được triển khai mà không có quy trình rà soát tư pháp bắt buộc với các quan chức chính phủ, thị trưởng, nhà hoạt động, nhà báo, thành viên gia đình và cố vấn cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Nhiều người Israel mua điện thoại cơ bản do sợ bị cài phần mềm gián điệp. Ảnh: Flash90. |
Theo dữ liệu của H.Y. Group, hơn 4.000 mẫu điện thoại cơ bản của Nokia đã được bán trong 3 ngày, từ 7-9/2. Trước đó, doanh số các model tương tự rơi vào 1.000-2.000 thiết bị mỗi tuần.
"Dữ liệu cho thấy doanh số điện thoại đời cũ tăng dần", Liav Ron, quản lý thương hiệu Nokia tại H.Y. Group cho biết. So với smartphone, điện thoại cơ bản có khả năng truy cập Internet hạn chế, không hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Telegram, kể cả trình duyệt web. Do đó, chúng ít bị xâm nhập và theo dõi.
"Nhìn chung, điện thoại phổ thông đời cũ không phải smartphone, chẳng có Facebook hay Instagram nên không có nhiều dữ liệu để thu thập. Bạn có thể mua các dòng điện thoại cơ bản cài sẵn WhatsApp nhưng với đa số thiết bị, chúng chỉ có thể nghe gọi và nhắn tin", Ron cho biết khi được hỏi về độ an toàn của điện thoại cơ bản.
Trên Twitter, Bộ trưởng Tài chính Israel, Avigdor Liberman đăng ảnh chụp chiếc điện thoại cơ bản của ông. "Trong nhiều năm, mọi người hỏi tôi làm việc ra sao mà không có smartphone. Giờ thì ai cũng biết tôi quản lý rất tốt", ông Liberman cho biết.
Tại Israel, các mẫu điện thoại cơ bản với khả năng nghe gọi, nhắn tin SMS có giá khoảng 30 USD. Không chỉ những người đề cao tính bảo mật, chúng còn được ưa chuộng bởi người già vốn khó làm quen với smartphone.
NSO Group là doanh nghiệp được tách ra từ Unit 8200, đơn vị chuyên phát triển những startup công nghệ của quân đội Israel. Tại Israel, các phần mềm như Pegasus được coi như giải pháp công nghệ quốc phòng, do đó mọi giao dịch phải thông qua Bộ quốc phòng Israel. Trước đó, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Israel về NSO Group.
Bộ trưởng Tài chính Israel "khoe" chiếc điện thoại cơ bản của Nokia trên Twitter. Ảnh: Avigdor Liberman. |
Trước đó vào 8/2, Reuters đưa tin một lỗ hổng phần mềm từ Apple tiếp tục bị NSO Group khai thác, cho phép xâm nhập vào iPhone của người dùng trong nhiều năm. QuaDream, một doanh nghiệp Israel nhỏ cũng phát triển công cụ tương tự, giúp tấn công smartphone theo đơn hàng từ các chính phủ.
Apple đã khởi kiện NSO Group vào tháng 11/2021 với cáo buộc vi phạm thỏa thuận dịch vụ và điều khoản người dùng. Trong đơn kiện, Táo khuyết khẳng định công ty đã nỗ lực và thành công trong việc chống lại nhiều vụ tấn công.
NSO Group cũng bị chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa vào danh sách đen do có hành động "đi ngược lại an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ". Nước này cho rằng NSO Group đã cung cấp phần mềm gián điệp cho nhiều quốc gia, nhắm tới điện thoại của các nhà hoạt động, có quan điểm đối lập chính quyền.