Một nghiên cứu gần đây cho biết sự riêng tư của người dùng đang bị đe dọa khi Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành trích xuất thông tin từ “siêu dữ liệu” của điện thoại.
Theo tin tức rò rỉ có được, NSA hiện đang lưu trữ hàng triệu băng ghi âm hàng triệu cuộc gọi của người dân Mỹ. Ảnh: The Guardian. |
Hàng loạt cuộc gọi có thể bị cơ quan chính phủ nghe lén và ghi âm. Điều này rõ ràng là mối đe dọa đối với sự riêng tư của người dùng di động. Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định danh tính cũng như bí mật trong cuộc sống hàng ngày của một người có thể thực hiện thông qua việc trích xuất dữ liệu từ những cuộc gọi người đó thực hiện.
Không cần đến nội dung cuộc gọi hay tin nhắn, chỉ cần có “siêu dữ liệu”, các nhà khoa học đến từ Đại học Stanford – Mỹ có thể cung cấp tên của các cá nhân, địa chỉ nơi họ sinh sống cũng như thông tin những người họ quen biết. Tuy nhiên đó chưa phải là giới hạn sau cùng.
Những dữ liệu trên còn cho phép họ có được những thông tin nhạy cảm của một cá nhân bất kỳ. Người này sở hữu một khẩu súng trường hay người kia được bác sĩ chẩn đoán có nhịp tim bất ổn. Hoặc người nào đang mang bầu, người nào bị bệnh đa xơ cứng, thậm chí cá nhân nào đang có ý định trồng cần sa....Tất cả đều có thể bị phát hiện.
Khi kết hợp sử dụng những thông tin được công khai trên Google hay Facebook, các siêu dữ liệu này còn cho biết số điện thoại gọi đến, gọi đi cũng như thời điểm và thời gian gọi. Giá trị của những siêu dữ liệu này từng được Stewart Baker - cựu cố vấn của Cơ quan An ninh Mỹ nhận định: “Siêu dữ liệu có thể cho bạn biết tất tần tật về cuộc sống của một ai đó".
Patrick Mutchler, nhà nghiên cứu bảo mật máy tính tại Đại học Stanford, cho biết: “Trong khi sức mạnh của siêu dữ liệu đang được tận dụng bởi những người am hiểu về chúng, thì phần đông người dân vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về thứ tài sản vô hình này. Điều này gây ra không ít khó khăn cho những người phản đối việc thu thập siêu dữ liệu của Chính phủ. Ngày nay những bằng chứng chúng ta có được đã rõ ràng hơn rất nhiều.”
Điện thoại cục gach dễ dàng bị trích xuất tuy nhiên người dùng chưa nhận ra mỗi nguy hiểm này. Ảnh: Technobuffalo. |
Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, 823 người đã đồng ý để các nhà khoa học thu thập siêu dữ liệu từ điện thoại của họ thông qua một ứng dụng trên Android. App này đồng thời cho phép nhóm nghiên cứu truy cập thông tin từ tài khoản Facebook của những người tham gia thử nghiệm. Khối lượng siêu dữ liệu họ thu thập được gồm hơn 250.000 cuộc gọi và 1,2 triệu văn bản.
Các nhà phân tích được sử dụng hệ thống thu thập siêu dữ liệu của NSA để kiểm tra dữ liệu thông qua ba bước nhảy. Cuộc gọi của cá nhân có dữ liệu được trích xuất đến người khác là một bước. Từ điện thoại của người đó đến người khác là hai bước. Các hồ sơ có sẵn cho các nhà phân tích có thể kéo dài đén 5 năm. Tuy nhiên, phạm vi này được giới hạn lại trong hai bước và 18 tháng.
Chỉ với siêu dữ liệu có được từ duy nhất một số điện thoại, các nhà phân tích của NSA có thể cho ra sản phẩm thông tin cá nhân của hàng chục triệu người. Cơn “ác mộng” này đã bị thu hẹp đáng kể sau khi những hạn chế bắt buộc được áp dụng. Dù vậy, lượng thông tin NSA có thể lấy từ siêu dữ liệu vẫn ở ngưỡng “trên trời” với 25.000 người.
Trên tạp chí của Viện Khoa học Hàn lâm Mỹ (National Academy of Engineering), Mutchler chia sẻ về quãng thời gian ông làm việc cùng sinh viên của mình nghiên cứu. Chỉ với nguồn kinh phí eo hẹp ban đầu, họ đã tìm thấy giá trị từ việc sử dụng thông tin từ các cá nhân. Qua tìm kiếm, nhà nghiên cứu này đã xác minh được danh tính của 82% người dùng.
Tương tự, những cái tên của các công ty cũng như địa chỉ trụ sở của chúng. Xác suất chính xác lên tới 90%. Mutchler tin rằng những sai sót xảy ra xuất phát từ việc người dùng không chịu cập nhật trạng thái trên Facebook khi họ chuyển nhà để học đại học hay khi kiếm được một công việc mới.
Kết hợp với mạng xã hội, dữ liệu thu thập từ người dùng có thể bị phân tích chính xác trên 90%. |
Lãnh địa riêng tư của mỗi cá nhân ngày càng bị đào xới sâu hơn khi các nhà nghiên cứu sử dụng máy tính để phân tích mô hình các cuộc gọi. Họ có thể xác định trong số những người tình nguyện tham gia nghiên cứu, họ đang độc thân hay có gia đình, người đó có đang phải cạnh tranh với ai không?...
Nhóm nghiên cứu tiếp tục đào sâu hơn tới những thông tin nhạy cảm. Họ thu thập thông tin chi tiết các cuộc gọi đến và đi của các tổ chức bao gồm cả các bệnh viện, nhà thuốc, các nhóm tôn giáo, dịch vụ pháp lý, các nhà bán lẻ vũ khí, các công ty sửa chữa, thậm chí các cơ sở buôn bán cần sa và tình dục. Từ đó, phác họa nên bức tranh về cuộc sống của bất cứ ai.
Mutler khẳng định : “Tất cả những điều trên đều có thể thực hiện với hai sinh viên đại học cùng nguồn tài chính hạn chế”. Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ thấu đáo trước khi triển khai các chương trình giám sát hàng loạt. Đồng thời, ông nhận định: “Để cân bằng giữa an ninh quốc gia và tự do dân sự, việc hoạch định chính sách trong tương lai cần phải được cố vấn bởi các ngành khoa học có liên quan".