Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điện một giá, càng dùng nhiều càng có lợi?

Theo đề xuất mới của Bộ Công Thương, người dùng nhiều điện sẽ có phần lợi hơn nếu tính tiền theo điện một giá, còn dùng ít sẽ có lợi nếu tính theo bậc thang.

dien mot gia anh 1

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, trong đó có đề xuất người tiêu dùng được lựa chọn tính tiền điện một giá, hoặc theo bậc thang.

Chuyên gia cho rằng khách hàng khi chọn phương án nào cũng sẽ có mặt ưu và nhược điểm. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào nhu cầu sử dụng của mình mà chọn cách tính giá sao cho hợp lý.

Tiền điện phải trả như thế nào?

Bộ Công Thương đưa ra 2 đề xuất cách tính giá điện mới. Phương án 1, vẫn giữ nguyên cách tính bậc thang như hiện tại, nhưng giảm một bậc, kéo giãn độ chia các bậc.

Hiện tại, số bậc tính giá sử dụng là 6 (0-50 kWh, 51-100 kWh, 101-200 kWh, 201-300 kWh, 301-400 kWh, từ 401 kWh trở lên). Nhược điểm là người tiêu dùng chỉ cần tăng công suất sử dụng từ 300 lên 500 kWh mỗi tháng sẽ phải chịu mức giá cao hơn bình thường nhiều. Chỉ cần sử dụng vượt 401 kWh mỗi tháng, khách hàng phải chịu mức giá điện khung cao nhất.

Tuy nhiên, ưu điểm của cách tính này là bậc 1 và bậc 2, được bán dưới giá bán lẻ điện bình quân (92% và 95%). Các bậc từ 3 đến 6 được tính giá lần lượt bằng 110%, 138%, 154%, 159% so với giá bán lẻ điện bình quân. Điều này sẽ đảm bảo các chính sách an sinh, xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo.

Khắc phục việc có quá nhiều bậc thang và độ chia bậc giá quá nhỏ, phương án 1 được đề xuất giảm số bậc, kéo giãn độ chia. Có 5 bậc được đề xuất: Dưới 100 kWh, 101-200 kWh, 201-400 kWh, 401-700 kWh và từ 701 kWh trở lên. Tương ứng các mức giá là 90%, 108%, 141%, 160% và 168% so với giá bán lẻ điện bình quân. Như vậy, chỉ có bậc 1 được tính giá dưới mức bình quân, các bậc còn lại bán giá cao hơn hiện tại.


Các bậc thang tính giá hiện tại Giá bán so với giá bán lẻ điện bình quân Đề xuất bậc thang theo phương án 1 Giá bán so với giá bán lẻ điện bình quân
Bậc 1Dưới 50 kWh 92% Dưới 100 kWh 90%
Bậc 251-100 kWh 95% 101-200 kWh 108%
Bậc 3101-200 kWh 110% 201-400 kWh 141%
Bậc 4201-300 kWh 138% 401-700 kWh 160%
Bậc 5301-400 kWh 154% Từ 701 kWh trở lên 168%
Bậc 6Từ 401 kWh trở lên159%

Ví dụ, một hộ gia đình dùng 600 kWh mỗi tháng, nếu tính theo cách hiện tại, mỗi tháng sẽ phải trả tiền ở cả 6 bậc giá, tổng số tiền là 1.494.000 đồng (giả sử mức giá bán lẻ điện bình quân tính như hiện tại là 1.864,44 đồng/kWh). Nếu theo cách tính bậc tháng mới, số tiền phải trả ở 4 bậc đầu tiên, nhưng tổng số tiền là 1.491.000 đồng, gần tương đương cách tính cũ.

Một hộ gia đình khác, tăng mức sử dụng từ 350 kWh lên 500 kWh, thì số tiền phải trả tăng từ 767.000 đồng lên 1.192.000 đồng (theo cách tính cũ). Nếu theo đề xuất mới, số tiền tăng từ 763.000 lên 1.193.000 đồng.

Như vậy, dù có cải tiến biểu giá điện, cách tính mới theo phương án 1 cũng được thiết kế tương đồng so với cách tính hiện tại, số tiền phải trả sẽ không chênh lệch giữa 2 cách. Ngoài ra, theo phương án 1, người tiêu dùng không được lựa chọn điện một giá.

Điện một giá có rẻ?

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của đề xuất lần này là phương án 2, với việc khách hàng có thể tự lựa chọn cách tính tiền điện cho mình. Theo đó, khách hàng có thể chọn theo bậc thang hoặc tính điện một giá. Riêng phương án 2, Bộ Công Thương có 2 đề xuất khác nhau.

dien mot gia anh 2

Biểu giá bán lẻ điện mới được kỳ vọng khắc phục nhiều hạn chế của cách tính giá hiện tại. Ảnh: Huy Hải.

Phương án 2A, Bộ Công Thương trình 5 bậc giá, tương tự cách chia như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Phương án 2B, Bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là: 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

PHƯƠNG ÁN 2A PHƯƠNG ÁN 2B
Tính giá theo bậc thang Điện một giá Tính giá theo bậc thang Điện một giá
Dưới 100 kWh90%145% giá bán lẻ điện bình quânDưới 100 kWh90%155% giá bán lẻ điện bình quân
101-200 kWh108%101-200 kWh108%
201-400 kWh141%201-400 kWh141%
401-700 kWh160%401-700 kWh160%
Từ 701 kWh trở lên274%Từ 701 kWh trở lên185%

Theo phương án 2A, giả sử một hộ gia đình dùng 99 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 166.000 đồng (theo bậc thang) và 267.000 đồng (nếu chọn điện một giá). Như vậy, người dùng ít sẽ được hưởng lợi rất nhiều (chênh lệch gần 100.000 đồng) nếu chọn điện theo bậc thang.

Tương tự, với hộ gia đình dùng 200 kWh mỗi tháng, mức trả cho điện bậc thang là 370.000 đồng, còn trả điện một giá là 540.000 đồng. Như vậy, dùng điện một giá đắt hơn tới 170.000 đồng.

Cũng theo phương án 2A, giả sử một hộ gia đình dùng 800 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 2.300.000 đồng (tính theo bậc thang) và 2.162.000 đồng (nếu tính theo điện một giá). Như vậy, điện một giá giúp tiền điện phải trả giảm khoảng 140.000 đồng.

Trong khi đó, với phương án 2B, khách hàng sử dụng nhiều điện, nếu áp một giá lại phải trả khá đắt, khi tính bằng 1,55 lần mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong khi đó, mức tính bậc cao nhất là 1,85 lần, thấp hơn nhiều mức 2,74 lần của phương án 2A.

Giả sử một hộ dùng 800 kWh mỗi tháng, nếu tính theo điện một giá phương án 2B thì phải trả 2.311.000 đồng, nhưng nếu trả theo bậc thang là 2.134.000 đồng. Như vậy, dùng điện bậc thang giúp tiết kiệm khoảng 180.000 đồng.

Giả sử mức sử dụng của hộ gia đình PHƯƠNG ÁN 2A PHƯƠNG ÁN 2B
Theo bậc thang Điện một giá Theo bậc thang Điện một giá
100 kWh 167.800 đồng 270.000 đồng 167.800 đồng 288.000 đồng
200 kWh 369.000 đồng 540.000 đồng 369.000 đồng 577.000 đồng
300 kWh 632.000 đồng 811.000 đồng 632.000 đồng 866.000 đồng
400 kWh 895.000 đồng 1.081.000 đồng 895.000 đồng 1.156.000 đồng
600 kWh1.491.000 đồng1.622.000 đồng1.491.000 đồng1.734.000 đồng
800 kWh2.300.000 đồng2.162.000 đồng2.134.000 đồng2.312.000 đồng

Tùy vào mức sử dụng mà lựa chọn

Theo TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện, phần lớn là người có khả năng chi trả tốt thì nên dùng điện hợp lý. Dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn.

PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng phương án 2 mà Bộ Công Thương đưa ra lần đầu tiên đã giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn trong việc tính giá điện của mình.

Ông cho rằng mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm. Ví dụ phương án điện bậc thang sẽ giúp người có thu nhập thấp, dùng ít điện được hưởng lợi. Ngoài ra sẽ khuyến khích người dùng nhiều điện tiết kiệm điện hơn bằng cách điều chỉnh bằng giá đắt.

Với phương án điện một giá, ưu điểm là dễ tính toán, dễ theo dõi, nhưng không có sự phân biệt người dùng ít và nhiều. Điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu khí... những nguồn này đang có nguy cơ cạn kiệt. Những tài nguyên này không vô hạn nên cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm.

Về chuyện dùng phương án nào lợi hơn, ông Long cho rằng người tiêu dùng có thể căn cứ mức sử dụng của gia đình mình để chọn dùng điện một giá hay theo bậc thang. Ông cho rằng những hộ gia đình dùng ít điện sẽ có lợi hơn khi dùng điện bậc thang.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có 4,03 triệu hộ gia đình dùng dưới 50 kWh/tháng, 5,72 triệu hộ dùng 51-100 kWh/tháng, 10,06 hộ dùng 101-200 kWh/tháng, 3,38 triệu hộ dùng 201-300 kWh/tháng, 1,27 triệu hộ dùng 301-400 kWh/tháng. Có khoảng 1,5 triệu hộ dùng trên 400 kWh/tháng, con số này chiếm khoảng 7% tổng khách hàng dùng điện sinh hoạt.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm