Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi về kết quả kiểm tra việc hóa đơn tiền điện tăng cao vừa qua. Ông Hải cho biết một trong những phương án khắc phục là việc sửa biểu giá điện trong thời gian tới.
Trong đó, ngoài các phương án giá điện bậc thang, Bộ Công Thương đã bổ sung thêm phương án điện một giá. Việc lấy ý kiến sẽ được triển khai tiếp trong tháng 8. Sau đó đến quý III, Bộ sẽ trình Thủ tướng.
“Bộ Công Thương cũng sẽ trình thêm đề xuất để khách hàng có thể được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện cho sinh hoạt. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, sẽ ban hành biểu giá mới từ đầu năm 2021”, ông Hải nói.
Như vậy, Bộ này sẽ trình nhiều phương án tính giá điện trong kỳ sửa biểu giá cuối năm nay. Thủ tướng sẽ quyết định cuối cùng việc tính giá điện theo cách nào.
Trước đó, về biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương chủ trương giảm số bậc thang giá điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Trong đó sẽ nâng mức tiêu thụ bậc 1 lên tới 100 kWh. Điều chỉnh các bậc thang từ 201 kWh đến 400 kWh thành một bậc; bổ sung bậc thang giá điện trên 700 kWh/tháng cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân.
Trong khi đó, nếu chọn một giá có thể tính theo giá điện bình quân.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng áp dụng giá điện một giá sẽ tính giá đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm. Vị này cũng cho rằng điện một giá sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Ngoài ra, khi thực hiện một giá sẽ phải kéo các mức giá hiện ở các bậc thang có giá thấp hơn giá bình quân tăng lên bằng mức giá bình quân, đồng thời cũng phải kéo các mức giá có giá cao hơn giá bình quân xuống bằng mức giá bình quân.