Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện máy tìm đường sống

Không chỉ giảm giá sốc, các siêu thị điện máy còn đẩy mạnh nhiều kênh bán hàng khác và tăng cường dịch vụ hậu mãi nhưng vẫn không cải thiện được sự èo uột của thị trường.

Năm 2012, thị trường điện máy cực kỳ ảm đạm với mức tăng trưởng âm. Từ đầu năm 2013 đến nay, dù các doanh nghiệp (DN) nỗ lực kích cầu nhưng người tiêu dùng vẫn rất dè dặt trong chi tiêu. Tháng 9 vừa qua, sau khi các trung tâm điện máy tiếp tục tung “mưa” khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, doanh thu dù có tăng so với tháng bình thường nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng của DN.

“Đại gia” ngã ngựa

Từ năm 2011 trở lại đây, ngành điện máy rơi vào khủng hoảng và phải chứng kiến sự “ra đi” của nhiều thương hiệu lớn. Tháng 6/2011, WonderBuy chính thức khai tử với mức lỗ 52 tỉ đồng sau chưa đầy 1 năm hoạt động. Cuối năm 2012, đến lượt Best Carings và Thế giới số 24G (thuộc Nguyễn Kim) đóng cửa. Đầu tháng 9/2013, Home One lần lượt đóng cửa 3 siêu thị ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Đồng Nai (quận 10) và trung tâm Vincom A (quận 1, TP HCM). Tổng số vốn 200 tỷ đồng của đơn vị này trong 2 năm đã “tan theo mây khói”.

Đây chỉ là những DN lớn, có hệ thống cửa hàng và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài ra, hàng loạt cửa hàng điện máy nhỏ sau một thời gian khai trương tại các khu dân cư cũng đã âm thầm biến mất.

Thông báo giảm giá sốc nhiều mặt hàng điện máy được dán khắp các siêu thị điện máy, trung tâm mua sắm. Ảnh: Tấn Thạnh

Theo giới chuyên môn, việc các thương hiệu lớn “chết” là điều có thể dự báo trước bởi chi phí thuê mặt bằng quá cao. Mặt bằng càng hoành tráng thì giá càng đắt, trong khi doanh số tính trên mỗi mét vuông không đủ bù đắp chi phí. Nói cách khác, DN “chết” là do đầu tư vị trí kinh doanh không thuận lợi, tài chính không đủ mạnh, thiếu kinh nghiệm thị trường nên không đáp ứng được sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự ra đời của hàng loạt cửa hàng, siêu thị điện máy nhỏ ở các khu dân cư, các cửa hàng chính hãng của những thương hiệu lớn và sự cạnh tranh từ các siêu thị tổng hợp (Big C, Co.opmart, Lotte Mart… đều có khu vực dành riêng cho hàng điện máy, điện gia dụng) đã chia nhỏ thị trường.

Giảm giá sốc và hơn thế nữa 

Với những thương hiệu còn tồn tại trên thị trường, cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt và công cụ chủ yếu để thu hút khách vẫn là khuyến mãi giảm giá, hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Từ đầu năm đến nay, các hệ thống Thiên Hòa, Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Đệ Nhất Phan Khang... liên tục tung khuyến mãi “khủng”. Chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng, tích lũy điểm… được các trung tâm này triển khai hầu như đều đặn hằng tháng.

Những cửa hàng điện máy nhỏ cũng đua theo bằng các tờ rơi quảng cáo giảm giá “sốc” một số mặt hàng, tặng kèm quà và tấn công trực tiếp vào đối tượng khách hàng là người dân trong khu vực cửa hàng trú đóng. Thế nhưng, lượng người mua vẫn rất thưa thớt.

Siêu thị Điện máy Chợ Lớn ở chung cư Khánh Hội, quận 4, TP.HCM treo bảng khuyến mãi đến 50%. Trong đó, hàng loạt tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện cao cấp được “ép” giá xuống ngang các mặt hàng bình thường cùng loại.

Siêu thị Điện máy Thiên Hòa, sau chương trình khuyến mãi suốt tháng 9, nay tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi ồ ạt để kích cầu thị trường nhằm thu hút khách hàng. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, cho biết sức mua yếu buộc các nhà kinh doanh phải liên tục chạy chương trình để kích cầu.

“Người tiêu dùng hiện có quá nhiều lựa chọn và họ ưu tiên những điểm mua sắm có nhiều ưu đãi hơn. Hưởng ứng Tháng khuyến mãi của TP.HCM, trong tháng 9 vừa qua, Thiên Hòa chấp nhận cắt toàn bộ lợi nhuận để giảm giá gần 10.000 mã hàng. Tháng 10, hệ thống cũng trích một phần lãi gộp để thực hiện nhiều chương trình rút thăm trúng thưởng và các chính sách hỗ trợ khách hàng…”, ông Hậu cho biết.

Ngoài khuyến mãi giảm giá, mở rộng nhiều kênh bán hàng để thu hút khách, một số siêu thị điện máy còn phối hợp với các ngân hàng (HSBC, Vietcombank, ANZ, Sacombank) triển khai chương trình bán hàng trả góp lãi suất 0%. Song song đó, một số hệ thống siêu thị điện máy đóng cửa bớt các trung tâm lỗ và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn và Đệ Nhất Phan Khang đều ưu đãi giảm giá 3%-10% cho khách hàng mua sắm online và xem đây là một kênh quảng cáo khá hiệu quả, ít tốn kém...

Người tiêu dùng hưởng lợi

Theo giám đốc một hệ thống siêu thị điện máy ở TP HCM, muốn có được giá tốt, nhà bán lẻ phải cam kết về doanh số với các hãng, đồng nghĩa việc ôm một lượng lớn hàng và chịu áp lực lớn về vòng quay vốn, chi phí kho bãi, nhân sự... Tùy vào chiến lược của từng nhà bán lẻ mà họ sẽ có cam kết doanh số về dòng/chủng loại sản phẩm khác nhau, dẫn đến hiện tượng cùng một sản phẩm nhưng hệ thống này có giá rẻ hoặc đắt hơn hệ thống kia, hệ thống nào càng bán được nhiều hàng thì càng có nhiều cơ hội bán với giá tốt nhất cho khách.

Vì vậy, những DN quản trị kém, đầu tư vị trí kinh doanh không thuận lợi, tài chính không đủ mạnh và thiếu kinh nghiệm khi chọn phân phối sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng sẽ khó tồn tại. Hiện giá hầu hết các mặt hàng điện máy đã về sát giá gốc. Người tiêu dùng nếu chịu khó khảo sát giá giữa các hệ thống sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về giá.

 

Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm