Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diện mạo mới của kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhìn từ trên cao

Tuyến kênh mới dài 10 km được hồi sinh, đem lại cuộc sống mới cho cả triệu người Sài Gòn. Nhìn từ trên cao, bộ mặt phía tây TP HCM thay đổi hoàn toàn sau dự án cải tạo.

Phạm vi dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm nằm trên địa bàn các quận 6, 11 và Tân Phú với tổng chiều dài 6,8 km. Trong ảnh là phần hạ nguồn của kênh thông dòng với kênh Tàu Hũ - Bến Nghé được cải tạo hoàn thành năm 2012.
Trước khi dự án thực hiện, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm không chỉ ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước mà còn lưu chứa một lượng rác thải rất lớn. Có nơi, người dân đi bộ trên rác ở giữa lòng kênh. 
Mặt kênh bị lấn chiếm bởi những dãy nhà lụp xụp, gây ngập úng diện rộng ở phía Tây thành phố. Khi được cải tạo, hình ảnh tuyến kênh đã hiện rõ và đẹp thơ mộng sau nhiều năm bị che khuất.
Nhiều nhà dân, công trình được xây mới làm cho khu vực này trở nên khang trang. 
Thượng nguồn tuyến kênh nằm bên Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Năm 2014, đoạn đường dài 3 km (từ đường Âu Cơ (Tân Phú) đến Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), đặt cống hộp thoát nước phía dưới đã được đưa vào sử dụng. Con đường mới mang tên Kênh Tân Hoá đã đem lại cho người dân sống 2 bên dòng kênh nhiều lợi ích rõ rệt.
Công viên Phạm Văn Chí (quận 6), một điểm nhấn cảnh quan đẹp và nổi bật trong số 4 công viên và tiểu cảnh của toàn tuyến.
Cầu Hậu Giang (quận 6), công trình có kiến trúc đẹp nhất trong số 12 cây cầu bắc qua kênh. 
Cầu Ông Buông 1 và 2 vừa được xây dựng mới nằm trên đoạn kênh uốn lượn Tân Hóa - Lò Gốm.
Nhiều cầu dành cho người đi bộ, xe hai bánh cũng được xây dựng mới, tạo điều kiện cho người dân hai bên kênh qua lại. 
Dọc 2 bên bờ kênh là bờ kè mái dốc với tổng chiều dài gần 8 km, cùng với hơn 11,5 km đường giao thông. Xe cộ lưu thông từ cửa ngõ phía tây nam dọc theo bờ kênh vào trung tâm TP sẽ được thuận lợi hơn.
Hiện, toàn bộ tuyến kênh đang được nạo vét thông thoáng, nguồn nước đã bớt ô nhiễm, mùi hôi cũng giảm nhiều.
Cây xanh, bụi hoa, thảm cỏ đang được trồng dọc theo 2 bên và bao phủ các khu tiểu đảo, công viên, trạm bơm...
Sau 3 năm triển khai, công trình đem lại niềm vui cho hơn một triệu dân trong khu vực trực tiếp hưởng lợi. Trong ảnh là máy tập thể dục được lắp đặt trong Công viên Phạm Văn Chí phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân quanh khu vực. 
Cảnh đông vui hai bên kênh vào sáng sớm và chiều tối.
Trẻ em bên bờ kênh đang hồi sinh.  
Cuộc sống nhiều thế hệ người dân từng chịu đựng sự ô nhiễm nay thay đổi hoàn toàn.
Không còn cảnh bịt mũi khi đi qua kênh. Đường phố, nhà cửa sạch đẹp khang trang, giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, dòng kênh thông thoáng, tình trạng ngập nước cũng được xóa bỏ.
Hình ảnh trái ngược với việc để trẻ tránh xa dòng kênh thối trước đây.

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP HCM, dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm thực hiện thi công mở rộng, nắn dòng chảy, xây tường kè, đắp bờ kênh, nạo vét bùn và cải tạo rộng từ 6 đến 20 m. Trên toàn tuyến, 12 cầu được xây mới, 11,5 km đường giao thông, chỉnh trang 4 khu cảnh quan với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng

Qua 3 năm triển khai thi công, dự án hoàn thành góp phần giảm ngập và mùi hôi thối, giảm thiểu ùn tắc giao thông và các tệ nạn xã hội. Đời sống người dân thay đổi rõ rệt, giá trị nhà đất tại khu vực này cũng tăng lên gấp 4 - 5 lần so với trước. 

Dự án đang tiếp tục kêu gọi người dân cùng tham gia công tác quản lý giữ gìn vệ sinh trong khu vực.
Ngày 5/4, dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm sẽ khánh thành để chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Dòng kênh 'chết' ở Sài Gòn đang hồi sinh

Kênh Tân Hoá - Lò Gốm nhiều năm được xem như đã "chết" vì bị thu hẹp, ô nhiễm nặng. Dự án cải tạo đang hoàn tất những công đoạn cuối để hồi sinh con kênh này.

Lê Quân - Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm