Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dòng kênh 'chết' ở Sài Gòn đang hồi sinh

Kênh Tân Hoá - Lò Gốm nhiều năm được xem như đã "chết" vì bị thu hẹp, ô nhiễm nặng. Dự án cải tạo đang hoàn tất những công đoạn cuối để hồi sinh con kênh này.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài hơn 10 km chảy qua 4 quận Tân Bình, Tân Phú, quận 11 và quận 6. Nhiều năm nay, con kênh được coi như đã “chết” bởi luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng. Mỗi lần mưa lớn, nước trào ngược từ kênh lên gây ngập úng diện rộng ở phía tây thành phố.
Trong nhiều năm, người dân lấn chiếm xây nhà trái phép, vứt rác khiến kênh bị thu hẹp, ô nhiễm nặng. Thượng nguồn biến thành con rạch nhỏ, nước đen hôi thối quanh năm. Cuối năm 2011, TP HCM quyết định đầu tư cải tạo và làm đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. 

Dự án tập trung vào hai hạng mục chính là đặt cống hộp đoạn từ đường Âu Cơ (Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận 11) dài 3 km. Cải tạo, nạo vét 7,4 km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và làm mới 12 km đường. Trong ảnh: Dòng kênh thối biến thành con đường nhựa dài 3km với 4 làn xe được đưa vào sử dụng năm 2014. 

Con đường mới mang tên Kênh Tân Hoá đem lại cho người dân sống 2 bên dòng kênh nhiều lợi ích rõ rệt. Từ những ngôi nhà không số, phố không tên giờ sạch sẽ, khang trang, văn minh.
Theo Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP HCM, kênh sẽ được mở rộng, nắn dòng chảy, xây tường kè, đắp bờ kênh, nạo vét bùn và cải tạo rộng từ 6 đến 20 m. Trên toàn tuyến, 10 cầu được xây mới, chỉnh trang 4 khu cảnh quan với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập úng cho lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú.
Cầu vượt qua kênh có độ tĩnh không thông thuyền khá cao, phía trên dành cho xe hai bánh, phía dưới có cầu thang bộ cho người đi bộ qua kênh.
Một trong số 10 cầu vượt bắc qua có thiết kế hình vòm, đơn giản nằm trên địa bàn quận 6, phía gần thượng nguồn dòng kênh. 
Hai bên cầu có bậc tam cấp cho người đi bộ. Tuy nhiên, nhược điểm của cầu là thiết kế quá dốc khiến việc lên xuống khó khăn.
Vừa qua, UBND TP HCM đã giao cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn đặt tên cho hai tuyến đường chạy dọc kênh. Hai bên tuyến đường hiện đã được bố trí trồng cây xanh dọc hai bên nhằm tạo bóng mát và mỹ quan đô thị. 
Toàn tuyến có 4 công viên, khu cảnh quan nhằm tạo điểm nhấn và là nơi vui chơi, tập thể dục thể thao cho người dân.
Trong đó, công viên Phạm Văn Chí (quận 6) được xem là có quy mô lớn nhất đang hoàn tất những công đoạn cuối.
Các công nhân tất bật trồng cỏ, hoa, dọn dẹp để kịp đưa vào sử dụng vào ngày 5/4.
Trong cuộc họp ngày 13/3 chuẩn bị cho lễ khánh thành dự án kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, đây là dự án nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân, cũng như cải thiện môi trường đô thị. Do đó, việc dự án khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông Quân yêu cầu các đơn vị thi công, nhà thầu phải tổng vệ sinh công trình thật sạch sẽ trước dịp này.
Hiện, các đơn vị thi công đang khẩn trương, tăng giờ làm để đảm bảo tiến độ được giao. Trong ảnh: Những chiếc máy múc bùn, nạo vét kênh hoạt động không ngừng, tàu chuyên chở bùn đất đi đổ ra vào liên tục.
Công nhân lắp hệ thống chiếu sáng làm việc không ngừng để hoàn thành hạng mục của mình trước ngày khánh thành.

Tuy dự án vẫn chưa hoàn thiện nhưng điều kiện và môi trường sống của người dân định cư dọc hai bên bờ kênh đang dần được cải thiện một cách rõ rệt.

Ba cây cầu mới trên kênh Nhiêu Lộc nổi tiếng Sài Gòn

Với kiến trúc đẹp và khác biệt, các cây cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ bắc ngang kênh Nhiêu Lộc đã tạo nên vẻ hiện đại, hấp dẫn trong mắt người dân sinh sống ở TP.HCM.


Lê Quân

Bạn có thể quan tâm