"Real Madrid đá để hòa 0-0. Tôi chưa từng thấy họ chơi phòng ngự đến thế. UEFA cần tìm cách thúc đẩy các đội khách tấn công và ghi bàn ở trận knock-out", cây bút Michael Cox của Zonal Marking bình luận sau trận chiến tại Parc des Princes.
Những gì Cox nói có lý. Real Madrid không tung ra nổi cú đá trúng đích nào trong 90 phút tại Parc des Princes. PSG dĩ nhiên không đủ mạnh lẫn sở hữu sự ưu việt về chiến thuật để cô lập hoàn toàn đội bóng Tây Ban Nha co mình đến vậy. Việc UEFA bỏ luật bàn thắng trên sân khách là lý do lớn cho bộ mặt phòng ngự lạ lùng của Real Madrid.
Hàng phòng ngự Real Madrid sụp đổ trước Mbappe đúng vào phút bù giờ cuối cùng. Ảnh: Reuters. |
Khi Real Madrid chơi phòng ngự
Việc đội quân của Carlo Ancelotti không tung ra nổi cú đá trúng đích nào khiến chênh lệch bàn thắng kỳ vọng (xG) giữa Real Madrid và PSG trở nên khác lạ so với tầm cỡ của 2 CLB này. Con số của Real là 0.13 trong khi PSG sở hữu xG lên tới 1.91.
Ở trận đấu cùng giờ, Sporting Lisbon sở hữu xG tương tự Real Madrid (0.12), còn Man City nhỉnh hơn PSG với xG 2.46. Trận cầu này kết thúc với thắng lợi 5-0 nghiêng về Man City. Nếu PSG tận dụng trọn vẹn các cơ hội và thi đấu vượt phong độ, Real Madrid hoàn toàn có thể bị đè bẹp.
Real Madrid đá để kiếm tỷ số hòa. Ảnh: Reuters. |
Không nhiều người kỳ vọng Real Madrid sẽ thể hiện lối chơi có phần bạc nhược kiểu này tại vòng knock-out Champions League.
Tấn công luôn là tôn chỉ của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Những biểu tượng lớn nhất của Real Madrid đều là các siêu sao tấn công (Ronaldo, Di Stefano, Raul Gonzalez...). Ngay cả những hậu vệ hay nhất lịch sử Real Madrid như Sergio Ramos, Fernando Hierro hay Roberto Carlos đều nổi tiếng với khả năng tấn công.
HLV trưởng của đội bóng này, Ancelotti, cũng không phải mẫu chiến lược gia tôn sùng bóng đá phòng ngự. AC Milan của nhà cầm quân người Italy trong giai đoạn đỉnh cao nổi tiếng bởi lối bóng đá tấn công uyển chuyển.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên tại Real Madrid, Ancelotti kích hoạt thành công cỗ máy tấn công Los Blancos khi giúp Ronaldo ghi 61 bàn/mùa, nhiều nhất sự nghiệp. Kỷ lục ghi bàn trong một mùa tại Champions League đến lúc này (Ronaldo, 17 bàn, mùa 2013/14) đến từ chính triều đại của nhà cầm người Italy.
Bởi vậy, khi Real Madrid chủ động phòng ngự kiếm trận hòa trước PSG, có lẽ chính CĐV trung thành của đội bóng này cũng đã bất ngờ. Đứng trên góc độ lý thuyết, Real có lý khi theo đuổi chiến lược này.
Việc UEFA bỏ luật bàn thắng trên sân khách khiến các CLB được chơi trên sân nhà ở trận lượt về có quyền được toan tính. Chỉ cần hòa trên sân đối phương, kết quả trận lượt đi trở nên vô giá trị. Hai lượt đấu knock-out về bản chất trở thành trận quyết đấu ở lượt về. Tư duy này tương đối có sức nặng giữa 2 CLB tương đồng về lực lượng như PSG và Real.
Với lợi thế sân nhà, sự cổ vũ của khán giả, cùng việc không cần lo bàn thắng của đối thủ có giá trị hơn, Real dĩ nhiên nắm lợi thế lớn ở trận lượt về. Trận cầu kiểu này sẽ mang giá trị thuần túy của bóng đá tấn công khi đội ghi nhiều bàn hơn sẽ thắng. "Los Blancos" với bản lĩnh nhà vua dĩ nhiên không sợ bất kỳ đối thủ nào tại châu Âu nếu kéo được trận đấu diễn ra theo kịch bản ấy.
Ý tưởng ban đầu của UEFA từ việc gỡ bỏ luật bàn thắng trên sân khách là gạt bỏ sự bất công đôi khi khá nghiệt ngã của luật này. Tuy nhiên, bất cập đầu tiên xuất hiện khi Real Madrid sẵn sàng từ bỏ tư duy tấn công truyền thống để co mình phòng ngự nhằm có được kết quả hòa cùng lợi thế lớn ở trận lượt về.
Nếu thay đổi luật để có những trận đấu cầu hòa giữa 2 đội bóng khổng lồ như Real và PSG, quá khó để xem đây là thành công của UEFA.
Khó tin hơn nữa là Real Madrid suýt đạt được mục đích trong lần hiếm hoi đi ngược lại tôn chỉ. Họ đã đứng vững tại Parc des Princes tới khi trận đấu còn 43 giây. Thibaut Courtois thậm chí cản thành công quả phạt đền của Lionel Messi.
Pha solo ghi bàn vào phút bù giờ cuối cùng của Mbappe là hoàn hảo, nhưng cũng làm dấy lên những câu hỏi về diện mạo của những trận đại chiến kiểu này trong tương lai: Liệu mọi đội khách ở trận lượt đi có thi đấu như Real Madrid hay không? Và vì sao phải nỗ lực ghi bàn trên sân khách khi chỉ cần đối thủ gỡ hoà, trận đấu về cơ bản sẽ trở nên vô giá trị?
Quan điểm sau đúng trong bóng đá: Phòng ngự chủ động luôn dễ hơn tấn công chủ động. Việc bỏ luật bàn thắng trên sân khách khiến việc "đá để hòa" trở thành kịch bản tối ưu nhất cho các đội khách ở lượt đi trong thể thức thi đấu knock-out.
Chủ động phòng ngự hay thậm chí phòng ngự cực đoan nhiều khả năng sẽ là đấu pháp được sử dụng rộng rãi, với người khơi mào (dù không thành công) là Real Madrid.
Benzema cùng Real Madrid sẽ phải tổng tấn công ở lượt về. Ảnh: Reuters. |
Kịch bản nào cho trận lượt về?
ESPN nhấn mạnh Real Madrid sẽ không có sự phục vụ của Casemiro và Ferland Mendy trong trận chiến tại Bernabeu vào rạng sáng 10/3 do đã nhận đủ thẻ vàng.
Đây rõ ràng là tổn thất lớn cho Real Madrid. Pha solo ghi bàn của Mbappe đúng phút bù giờ cuối cùng đã làm đổ bể kế hoạch đưa quy mô trận đấu về Bernabeu của thầy trò Ancelotti.
Tuy nhiên, xét về khả năng tấn công tại Bernabeu, Real Madrid có quyền ưỡn ngực so bì với PSG. Karim Benzema, Vinicius Jr không có nhiều đất diễn tại Parc des Princes vì đấu pháp của Ancelotti, nhưng câu chuyện tại Tây Ban Nha sẽ khác. Real phải lấy công bù thủ để san bằng lại cách biệt một bàn.
Tư duy tấn công này cùng sự trở lại của Sergio Ramos tại Bernabeu, của Messi với Tây Ban Nha rõ ràng sẽ biến trận chiến này trở nên khốc liệt và đáng xem hơn.
Lúc này, CĐV có lẽ nên cảm ơn Mbappe. Nếu không có pha solo ghi bàn của tiền đạo người Pháp chỉ 43 giây trước khi trận đấu kết thúc, giới mộ điệu sẽ phải chứng kiến một trận hòa 0-0 sặc mùi toan tính của Real Madrid trước PSG.
Không ai theo dõi bóng đá để chứng kiến một trận hòa. Thật may, đôi chân của Mbappe chứng minh bóng đá vẫn đẹp nhờ những khoảnh khắc vượt khỏi toan tính như thế.
Real Madrid không sút trúng đích lần nào trước PSG. Đồ họa: Minh Phúc. |