"CPTPP là hiệp định đáng cân nhắc sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam" - Ngân hàng Thế giới nhận định.
Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chính thức rút khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Số phận của hiệp định thương mại đầy tham vọng này trở nên mờ mịt hơn với nhiều những đồn đoán - chủ yếu là sự tan rã của 11 nước thành viên còn lại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi đó còn nhận định: “TPP sẽ chả còn ý nghĩa gì nữa nếu không có Mỹ.”
Thế nhưng hơn một năm kể từ khi Mỹ “bỏ cuộc chơi”, tại APEC Việt Nam 2017, Nhật Bản và 10 nước thành viên còn lại đã hoàn tất quá trình tái đàm phán và cho ra một thỏa thuận làm hài lòng thành viên: TPP-11, tháng 11/2017 được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3 tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters |
7 năm, 40 vòng đàm phán, thành viên tham gia “người thoái lui, người vắng mặt trong đàm phán”, hiệp định thương mại được cho là trắc trở và khó đoán nhất lịch sử này cuối cùng cũng đã có kết quả “viên mãn”. Thỏa thuận giữa 11 nước thành viên đã được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua (rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam).
Và hơn hết, CPTPP được coi là thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, việc làm và mức sống tương lai.
“Hiệp định CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường,” ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định trong báo cáo "Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định TPP: Trường hợp Việt Nam" được công bố vào ngày 9/3 tại Hà Nội.
“Quan trọng nhất là nó (Hiệp định CPTPP-PV) sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau,” ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.
Việt Nam vẫn hưởng lợi từ CPTPP dù không có Mỹ
“Việt Nam là quốc gia có thể được lợi nhiều nhất từ TPP,” rất nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy khi TPP vẫn còn đang trong quá trình đàm phán thời tổng thống Mỹ Barrack Obama còn đương nhiệm.
Thiếu cường quốc Hoa Kỳ, quy mô cũng như sức hấp dẫn của CPTPP có phần khiêm tốn hơn “tiền thân” TPP, nhưng không vì thế mà những lợi ích hiệp định thương mại này mang lại cho Việt Nam bị giảm thiểu.
“CPTPP là hiệp định đáng cân nhắc sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam, cho dù không có Mỹ”, WB khẳng định.
Theo tính toán của tổ chức tín dụng này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với sự trợ giúp của CPTPP đến năm 2030 sẽ tăng ít nhất là 1,1% so với năm 2010.
“Đó là tính toán dựa trên những giả định khiêm tốn,” ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nói. “Còn nếu trong điều kiện kích thích năng suất thì tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 của Việt Nam có thể tăng tới 3,5%.”
Trao đổi với Zing.vn, Ông Peter Petri, trưởng khoa Tài chính quốc tế, Đại học Kinh doanh quốc tế Brandeis, cho biết TPP-11 có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các nước thành viên. Cụ thể, hiệp định này sẽ nâng mức tăng trưởng kinh tế của các thành viên thêm 1% mỗi năm. Cơ quan nghiên cứu của giáo sư Petri đưa ra tính toán TPP-11 giúp các nước thành viên thu được khoảng 147 tỷ USD nhờ hoạt động thương mại và đầu tư.
Đương nhiên, với quy mô gần 9 tỷ USD so với hơn 25,5 tỷ USD của TPP, theo số liệu của Reuters, khả năng tăng sản lượng và xuất khẩu của CPTPP có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, với CPTPP, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ đa dạng và đồng đều hơn thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ như hiệp định TPP. Hay nói cách khác, CPTPP góp phần vào chuyển hướng và tạo lập thương mại của Việt Nam.
“Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nền kinh tế đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá.
Cũng như các hiệp định thương mại khác, khi ký kết, CPTPP được kỳ vọng sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào. Dự đoán sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và hàng da.
Tuy nhiên, kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO cho thấy Việt Nam gặp khó trong việc tận dụng ngay lập tức lợi ích của hội nhập để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn. Việc này do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao do chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường xá, điện, cảng biển và dịch vụ hậu cần vẫn còn yếu kém.
Thêm nữa, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn sẽ đi kèm theo chi phí. Do vậy WB khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.
Thu nhập của lao động có kỹ năng gia tăng
Không chỉ trên phương diện kinh tế, gia nhập CPTPP sẽ giúp cải thiện tình hình xã hội của Việt Nam. "Hiệp định thương mại tạo ra nhiều cơ hội nhất ở những ngành mà người nghèo hiện làm việc nhiều nhất sẽ dẫn đến mức tăng lợi ích tương đối lớn nhất cho người nghèo", WB nhận định.
Theo cơ quan này, kết quả giảm nghèo sẽ tích cực, dù ở mức khiêm tốn. Thế nhưng, so với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký trước đó, TPP-11 có phần toàn diện hơn.
"Tính đến các năm 2025 và 2030, CPTPP sẽ giúp thoát nghèo với mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày tương ứng cho 0,9 và 0,6 triệu người", báo cáo phân tích.
Nhìn chung, báo cáo WB chỉ ra, mọi nhóm thu nhập sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc tốp 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất. Hiệp định tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho lao động có kỹ năng. Do đó, những người ở các nhóm cao trong phân phối thu nhập được hưởng lợi nhiều hơn so với nhóm thu nhập thấp.
Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ hiệp định.
CPTPP: Công cụ thúc đẩy sự minh bạch, hoàn thiện thể chế
“Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường”, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm hiệp định được ký kết.
“CPTPP cũng giúp Việt Nam hoàn thiện cải cách thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh,” ông nói thêm đồng thời nhấn mạnh sự chủ động của Việt Nam khi thực thi cam kết trong hội nhập.
Các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cũng có chung suy nghĩ với ông Trần Tuấn Anh.
“Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam,” ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét.
Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết hiệp định CPTPP, ngày 8/3/2018, tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters |
Moody’s cho rằng việc giảm các hàng rào thương mại và phi thương mại theo CPTPP phụ thuộc vào các cải cách nhất định ở mỗi nước. Do đó, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước.
“Chúng tôi kỳ vọng các nỗ lực cải cách hiện nay sẽ tăng cường tính cạnh tranh và tăng đầu tư, và củng cố chất lượng thể chế trong thời gian tới tại các quốc gia thành viên. Các nước có trình độ quản trị và tính cạnh tranh tương đối thấp như Peru, Việt Nam, Mexico và Brunei sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, Moody’s nhận xét.
Cụ thể, tại Việt Nam, việc ký kết CPTPP và việc kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu cho thấy tính hiệu quả của chính phủ tăng lên, và sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và thu hút thêm FDI.
11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.
Rạng sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định này.