Tiếp theo sau Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là người kế tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Mở màn, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, kỳ họp Quốc hội khóa 8 Bộ nhận được 21 chất vấn của 19 đại biểu. Các kiến nghị đã được Bộ cơ bản tập trung giải quyết và thực hiện.
Trong kỳ chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về những vấn đề quan trọng như phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh nhu cầu hội nhập lớn. Vấn đề nghiên cứu, xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, trách nhiệm quản lý Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến điện năng...
Suy giảm xuất nhập khẩu đáng lo ngại
Đặt vấn đề về tình hình suy giảm hoạt động xuất khẩu đáng lo ngại nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thậm chí có mặt hàng ứ đọng, đổ bỏ, đại biểu Huỳnh Văn Tĩnh (Tiền Giang) còn nêu thực trạng hàng gian, giả, vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan làm ảnh hưởng đến thu nhập, sản xuất của người dân, cũng như giá vật tư nông nghiệp sản xuất tăng cao làm cho thu nhập của nông dân suy giảm.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận 5 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu một số hàng hóa trong đó nông sản có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nói chung chỉ tăng 7,8%, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt được như mục tiêu Chính phủ đề ra 10%, là do nông sản gạo, thủy sản có giá thấp hơn, và xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 50% so với năm trước. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính như Nhật, EU đang có tình trạng tỷ giá thấp.Tuy nhiên, ông Hoàng lại cho rằng suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm "chỉ mang tính nhất thời".
Bàn về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội đầu ra cho những sản phẩm nông sản VN.
CPI tháng 4/2015 tăng chủ yếu do hai yếu tố: giá xăng dầu và giá điện. |
“Liên quan đến đàm phán các hiệp định thương mại, chúng tôi nhận thức sâu sắc, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chỉ đóng góp 18% GDP nhưng giữ vai trò tác động đến 70% người dân. Chính vì vậy, ngành công thương khi đàm phán các hiệp định bao giờ cũng đặt vấn đề đối tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng này. Và phần lớn các đối tác chấp nhận mở cửa đối với những sản phẩm này với thuế suất 0% hoặc thấp nhất có thể”, Bộ trưởng Hoàng thông tin.
Chẳng hạn với mặt hàng gạo, Bộ trưởng Hoàng cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký được các hiệp định và biên bản thảo thuận với 8 nước giúp tiêu thụ tổng khối lượng 5,5 triệu tấn/năm. "Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta tiêu thụ gạo ổn định trong dài hạn", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng làm gì khi điện tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá?
Bức xúc về tình hình giá điện tăng vô tội vạ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói thẳng: Điện là mặt hàng rất kỳ lạ "Chỉ biết tăng giá, tăng giá rồi tăng giá". "Việc tăng giá đáng lẽ ra người dân được lợi, nhưng bao giờ lý thuyết này mới đúng, thưa Bộ trưởng?", ông Cương hỏi.
Dù xác nhận "điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa hết sức đặc biệt", và liên quan đến phần lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, nhưng Bộ trưởng Hoàng lại nói "việc thực hiện về cơ chế giá vừa có theo cơ chế giá thị trường và có sự quản lý của nhà nước".
Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận: "Mỗi khi đứng trước lần điều chỉnh giá điện, chúng tôi hết sức băn khoăn" và cho rằng, trong tính toán "đã rất cẩn trọng để đảm bảo điều chỉnh giá điện theo đúng lộ trình của thị trường đồng thời giảm ảnh hưởng tác động đến người dân“. Bộ trưởng Hoàng cũng khẳng định "chúng ta làm điều chỉnh (giá - PV) tương đối tốt".
Theo giải trình của Bộ trưởng Hoàng, từ tháng 8/2013 điều chỉnh giá thì đến tháng 3/2015 mới điều chỉnh lại. Việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương của chính phủ, đưa giá điện về theo đúng giá thị trường và dựa vào nhiều yếu tố tỷ giá, nguyên liệu hay kết cấu nguyên liệu thay đổi… Giải trình về việc tăng giá điện, Bộ trưởng nói, "Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao cho bộ Công thương phối hợp bộ Tài chính xem xét".
Theo đó, ngành điện có 3 phương án tăng giá điện: 7,5% 8,5% và 9,5 % và các cơ quan liên quan đã nghe ngành điện báo cáo.
"Lần điều chỉnh vừa rồi rất đặc biệt là có ý kiến của cả 4 bộ theo hướng đồng ý. Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014 giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Hoàng nói.
Xăng dầu đang đi đúng hướng?
Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho hay, mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo nghị định 83, "Nhưng giá xăng dầu đang đi đúng hướng. Với cách điều hành này, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn để đảm bảo không tăng giá quá mạnh. “Tôi đồng tình ý kến của đại biểu, sự biến động của hai mặt hàng này tác động đến đời sống doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Hoàng phân trần.
Giải pháp cho giá xăng dầu, giá điện và câu hỏi cho giá xăng, giá điện bao giờ chuyển theo cơ chế thị trường người dân vẫn đang chờ lời hứa thực hiện của Bộ trưởng Hoàng trong năm 2016.