Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng nói thuế môi trường ít ảnh hưởng đến giá xăng!

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, so giữa giảm thuế nhập khẩu với tăng thuế môi trường, vừa qua xăng tăng 162 đồng trên tổng số giá xăng 20.400 đồng/lít, tức chỉ 0,8% là không đáng kể.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/5 về giá xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định tuy có tác động của thuế môi trường đối với giá xăng nhưng không đáng kể, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về các số liệu chứng minh.

Ông Vũ Huy Hoàng nói: "Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ đầu tháng 11/2014, với nguyên tắc là bám sát thị trường thế giới, đồng thời có tính đến các yếu tố làm sao giảm thiểu tối đa tác động bất lợi cho sản xuất, cho người dân.

Chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập và cam kết với các nước ASEAN, thuế nhập khẩu đối với xăng dầu sẽ phải giảm dần.

Chính vì vậy vừa rồi Bộ Tài chính đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống còn 20%, thuế nhập khẩu dầu diesel từ 35% xuống còn 20% và bây giờ còn 13%. Thuế nhập khẩu đối với sản phẩm khác cũng giảm.

Và ngược lại cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, của Chính phủ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Đối với một số sản phẩm khác cũng có điều chỉnh, có loại từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít, có loại từ 500 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít...

Thời điểm thuế môi trường đối với xăng dầu có hiệu lực là từ ngày 1/5/2015.

Đối với đợt điều chỉnh vừa rồi chúng tôi đã tính toán nếu so giữa việc giảm thuế nhập khẩu với tăng thuế môi trường của xăng dầu, riêng mặt hàng xăng tăng 162 đồng trên tổng số giá xăng 20.400 đồng/lít, tức chỉ 0,8% là không đáng kể.

Trong khi đó, tính toán giữa thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut thì thời điểm hiện tại giảm hơn trước. Dầu diesel giảm 2.300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut đều giảm từ 500 đồng đến hơn 1.000 đồng/lít/kg.

Như vậy, rõ ràng là giữa việc chúng ta giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, tại thời điểm hiện tại giá giảm hơn so với trước đây. Đây là con số mà tôi xin chịu trách nhiệm".

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

- Trong nửa tháng qua giá xăng dầu trong nước đã tăng tới hai lần với biên độ khá cao. Lần trước là gần 2.000 đồng/lít và gần nhất là trên 1.000 đồng/lít. Phải chăng điều hành với các mức tăng cao như vậy là giật cục, nếu để doanh nghiệp tự quyết thì có thể các lần tăng sẽ được hài hòa hơn?

- Nếu để doanh nghiệp tự quyết trong bối cảnh hiện nay chúng ta không kiểm soát được, trừ mấy “ông” xăng dầu lớn.

Chúng ta có 25 đầu mối doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu những “ông” đó có lợi thì mới kinh doanh, còn khi giá giảm không kinh doanh nữa, lúc đó sẽ đứt nguồn, rất nguy hiểm. Cho nên vẫn phải có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là điều tiết về mặt chính sách xã hội như quỹ bình ổn, bà con ngư dân đi đánh bắt xa được hỗ trợ giá...

Vui buồn cùng giá xăng

Phải mất gần 4 năm, người tiêu dùng mới được thấy giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít. Tuy vậy, chỉ sau nửa năm, giá nhiên liệu này lại trở về mốc cũ.

- Vậy về lâu dài chủ trương điều hành giá xăng dầu như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Về lâu dài bám sát cơ chế thị trường nhưng phải có định hướng XHCN. Chúng ta khác với các nước ở chỗ đó. Vấn đề là đừng để chênh lệch quá nhiều với thị trường thế giới. Ví dụ giá xăng của Campuchia bây giờ là 22.000 đồng/lít, giá xăng của Lào là 21.500 đồng/lít, của ta tương đương của Trung Quốc, như vậy là ta vẫn chênh với Lào và Campuchia.

- Bộ trưởng trả lời sao trước thắc mắc của dư luận là giá xăng trong nước thường tăng vào thời điểm giá dầu thế giới giảm?

- Không phải. Thời điểm 15 ngày theo Nghị định 83, có ngày tăng, có ngày giảm nhưng tổng số là tăng. Nghĩa là người ta tính giá trung bình của 15 ngày, lấy giá trung bình của 15 ngày cận kề với thời điểm điều chỉnh (ngày 20/5) thì tính ra giá trung bình cao hơn giá hiện hành.

Nói giá xăng dầu thế giới thì phải nói giá sản phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore, vừa rồi có một số ý kiến nhầm lẫn với giá dầu thô là không  phải. Thông thường, giá sản phẩm xăng dầu cao hơn khoảng 30% so với giá dầu thô. Ví dụ giá dầu thô 60 USD/thùng thì giá sản phẩm xăng dầu khoảng 80 USD/thùng.

“Đứng trước việc tăng giá chúng tôi rất khó khăn”

Liên quan đến giá xăng dầu, từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi giá thế giới biến động theo chiều hướng tăng, giá trong nước tăng thì ý kiến có phần trái chiều.

Chúng tôi thấy rằng có lẽ công tác tuyên truyền giải thích của mình chưa được tốt, mặt khác trong nhận thức của một bộ phận người dân và của dư luận xã hội chưa thật sự thông suốt, có thể hiểu chưa hết.

Trên thực tế điều hành hiện nay thì cơ chế còn mới, nhất là theo nghị định 83, nhưng đã thực hiện công khai minh bạch theo nguyên tắc bám sát giá thị trường thế giới.

Cứ 15 ngày trước đó mà giá thị trường thế giới biến động thì mình biến động theo, họ giảm thì mình cũng giảm, họ tăng thì mình tăng. Chỉ có điều ta tăng khác với họ, ta có quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ví dụ vừa rồi đáng lẽ xã hội phải trả thêm 2.000 đồng/lít xăng nhưng tăng chỉ có 1.000 đồng, 1.000 đồng còn lại lấy từ quỹ bình ổn xăng dầu để bù vào.

Những người như chúng tôi trong ngành này mỗi khi đứng trước việc tăng giá thì rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng càng ngày cơ chế thị trường càng nhuần nhuyễn thì dư luận sẽ ủng hộ hơn.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại thảo luận tổ chiều 25/5

Giá xăng vượt 20.000 đồng/lít, cao nhất kể từ đầu năm

Từ 20h ngày 20/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm 1.200 đồng/lít. Giá dầu cũng tăng thêm 500 đồng, song áp dụng từ 0h ngày 21/5.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150526/bo-truong-noi-thue-moi-truong-it-anh-huong-den-gia-xang/752334.html

Theo V.V.Thành/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm