Bình luận
Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 kết thúc với nhiều bất ngờ. Những gương mặt từng giành HCV SEA Games trong nhiều kỳ liên tiếp như Dương Văn Thái hay Nguyễn Thị Huyền bị các đàn em vượt qua. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu vui của điền kinh Việt Nam khi có lớp kế cận, sẵn sàng lực lượng cho mục tiêu giữ vững ngôi số một tại SEA Games 31.
Cuộc lật đổ những nhà vô địch SEA Games
Dương Văn Thái, từng giành 8 HCV SEA Games, nhưng không một lần bước lên bục cao nhất tại giải vô địch quốc gia 2020 ở các cự ly 800 m và 1.500 m bởi sự xuất sắc của tài năng 20 tuổi Trần Văn Đảng, đoàn Hà Nội. Văn Đảng cho thấy đấu pháp hợp lý khi luôn theo sát Văn Thái, trước khi bứt lên ở vòng cuối bằng những bước chạy khỏe khoắn.
Sự tỏa sáng của Văn Đảng giúp điền kinh Việt Nam có thêm lực lượng kế cận ở các cự ly này. Trong suốt gần 10 năm qua, Dương Văn Thái cô độc và áp lực khi phải căng mình thi đấu, mang huy chương về cho Tổ quốc mà không có người đồng đội nào đủ sức tranh chấp huy chương để chia lửa. Trước thềm SEA Games 30, Thái từng chia sẻ mong muốn có "quân xanh" đủ chất lượng để sát cánh cùng, thì thành tích tập luyện mới tốt lên được.
Dù Văn Đảng hai lần vượt qua Văn Thái, thông số 4 phút 09 giây 94 để giành HCV 1.500 m nam là thấp nhất trong nhiều năm, bởi hầu hết nhà vô địch trước đều chạy dưới 4 phút.
Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh, chia sẻ với Zing: "Thái có kinh nghiệm thi đấu tốt, nhưng có thể đây là về chiến thuật. Các vận động viên trẻ luôn phải bám sát, vừa để học học, có thể vượt lên được nếu các anh sơ sảy dù chỉ một bước chân. Văn Đảng vượt Thái giành HCV, nhưng thành tích không phản ánh được rõ, bởi vì bản thân Thái từng chạy dưới 4 phút, mà tốt nhất là 3 phút 51 giây".
Trần Văn Đảng 2 lần thắng Dương Văn Thái. Ảnh: Thế Anh. |
Đường chạy 400 m nữ tại giải năm nay nhận được sự quan tâm lớn khi có sự cạnh tranh giữa Nguyễn Thị Huyền, nhà vô địch SEA Games 30, và Quách Thị Lan. Lan vừa trải qua chấn thương suốt năm 2019, nhưng đã thể hiện phong độ ấn tượng ở giải đấu quan trọng này. Cô gái quê Thanh Hóa hai lần thắng Huyền ở các nội dung 400 m (52 giây 46) và 400 m rào (55 giây 95). Các thông số này của Lan đều nằm trong top đầu châu Á.
Chiến thắng của Lan càng thêm ý nghĩa, bởi đây là lần đầu cô vượt được người đàn chị ở một giải đấu lớn. HLV Nguyễn Thị Bắc, người trực tiếp dẫn dắt Lan chia sẻ với Zing: "Đáng lẽ ra, thành tích thi đấu của Lan còn phải tốt hơn, nếu tâm lý ổn định, bởi Lan tập luyện rất tốt. Lan thường bị tâm lý khi gặp Huyền, bởi hầu như em ấy chưa bao giờ thắng Huyền. Chỉ mỗi cúp tốc độ vừa rồi, Huyền ốm nên Lan mới thắng, nhưng thông số không tốt. Còn để tranh chấp ở các giải lớn, quốc tế, Lan chưa bao giờ ăn được Huyền".
"Tại giải vô địch quốc gia, ở nội dung 400 m, nếu Lan bung sức luôn từ đầu, Huyền không thể bám sắt được. Tuy nhiên, chắc Lan vẫn bị ảnh hưởng một chút gì đó về tâm lý, đâm ra hơi hoảng sợ. Đến 400 m rào, Lan xác định phải bung luôn từ đầu, thì Huyền không thể nào theo bám được. Sức lực, mọi thứ, Lan tốt hơn Huyền rất nhiều, chỉ vì tâm lý khiến Lan hoảng sợ thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ sau giải này, Lan sẽ tự tin hơn".
Ngoài những cuộc lật đổ các nhà vô địch SEA Games, những gương mặt "vàng" như Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh vẫn thể hiện sự vượt trội khi lần lượt đem về 5 HCV và 4 HCV cho đoàn của mình. Trên đường chạy 100 m nữ, ngoài Tú Chinh giành HCV với thông số 11 giây 43, những người làm chuyên môn còn ấn tượng tới tài năng 17 tuổi Phùng Thị Huệ, khi đạt thành tích 11 giây 78.
Theo ông Thủy, Phùng Thị Huệ đã vượt được qua nhiều đàn chị như Lê Thị Mộng Tuyền, Nguyễn Thị Oanh để chứng tỏ khả năng. Đây là nguồn lực mà điền kinh Việt Nam có quyền hy vọng trong tương lai để bổ sung cho đội tuyển, hướng tới SEA Games 31.
Duy trì ngôi đầu SEA Games và mục tiêu Olympic
Chàng thanh niên dân tộc Thái trắng Ngần Ngọc Nghĩa gây tiếng vang lớn với việc phá kỷ lục 100 m nam của chính mình thiết lập năm 2018, khi đạt thông số 10 giây 40. Tiếp đó, anh giành HCV nội dung 200 m nam với thời gian 20 giây 92 và chỉ kém kỷ lục của Lê Trọng Hinh 3%. Dù vậy, thành tích của Nghĩa vẫn còn khoảng cách nhất định với nhóm đầu trong khu vực.
"Chúng ta có kỷ lục 100 m nam, nhưng ước mơ của vận động viên giành huy chương SEA Games ở nội dung này, chưa nói đến màu gì, vẫn còn khá xa. Việc lên ngôi vô địch nội dung 100 m nam tại SEA Games vẫn là thách thức với chính những người làm công tác huấn luyện cũng như VĐV Việt Nam, trong đó có Ngần Ngọc Nghĩa", ông Thủy cho biết.
Mục tiêu tại SEA Games 31 của điền kinh Việt Nam là giữ vững ngôi nhất toàn đoàn (giành từ 17-19 HCV). Theo ông Thủy, việc duy trì ở đây, là ngoài những vận động viên có kinh nghiệm, những vận động viên trẻ phải sẵn sàng để có thể thay thế bất cứ lúc nào. Lúc đó, những vận động viên trẻ phải nghĩ chính họ là những nhà vô địch, thì mới có quyền nghĩ về tấm HCV SEA Games.
"Trước mắt, đã là chỉ tiêu, những con số thường khô khan, nhưng đằng sau đó là quá trình chuẩn bị, những yếu tố, đòi hỏi để đáp ứng... như sân bãi. Đến giờ phút này, chúng ta có sân Mỹ Đình đáp ứng tiêu chuẩn, đó đã là nỗ lực của ngành TDTT, và chúng tôi hy vọng mọi trung tâm đều có sân điền kinh tốt, đó là nền tảng để các vận động viên đạt thành tích tốt. Chúng ta phải nỗ lực bằng mọi giá trong mọi điều kiện, cố gắng phát huy hết tinh thần, ý chí tập luyện", ông Thủy nhận định.
Quách Thị Lan đứng trước cơ hội giành vé dự Olympic. Ảnh: Thế Anh. |
Cùng với tham vọng giữ vững ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Olympic Tokyo năm tới. Đội tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4x400 m (Quách Thị Lan, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng và Trần Đình Sơn) đang đứng trước cơ hội lớn này, khi Liên đoàn Điền kinh Thế giới lấy 16 đội có thành tích tốt nhất.
"Trước khi giải diễn ra, chúng ta có hy vọng. Hiện nội dung 4x400 m hỗn hợp của chúng ta nằm trong top 16 thế giới. Từ nay đến ngày 5/7/2021, chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều khi các đối thủ có nhiều thời gian", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết.
HLV Nguyễn Thị Bắc, người dẫn dắt tổ 400 m, chia sẻ: "Qua giải vô địch quốc gia, thông số của 2 bạn nữ tốt hơn SEA Games năm ngoái, của 2 bạn nam tương đối ổn định. Nếu lúc này mà ghép vào, tôi nghĩ các VĐV sẽ nằm trong top 16".
Theo ông Hùng, ngoài đội tiếp sức hỗn hợp 4x400 m, Quách Thị Lan cũng đứng trước cơ hội giành vé tham dự khi đang đứng đầu châu Á và xếp thứ 19 thế giới. Dù vậy, các vận động viên sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi chuẩn Olympic có sự thay đổi khi dựa vào số điểm trên bảng xếp hạng tích lũy, dự càng nhiều giải sẽ có thêm nhiều điểm.