Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện giật chết người, chết trâu, cháy nhà

Mặc dù hàng năm số tiền đầu tư cho an toàn lao động (ATLĐ) của Côngty Điện lực Hà Tĩnh rất lớn, nhưng tình trạng mất an toàn vẫn diễn ra gây tổn thất về người và tài sản người dân.

Chết người, thiệt hại tài sản

Khoảng 8h30 ngày 18/10, anh Nguyễn Trọng Giáp (31 tuổi, trú xã Cẩm Thành huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nhân viên điện lực TP Hà Tĩnh sửa chữa mất điện cho khách hàng thuộc trạm biến áp phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). 

Khi sữa chữa xong, anh Giáp tháo găng tay để từ cột điện xuống thang thì bất ngờ tay vướng vào đoạn dây rò rỉ và bị điện giật. Lập tức, anh Lê Thái Hòe - nhân viên điện lực đi sửa chữa cùng - đã chạy đi ngắt điện rồi sơ cứu cho anh Giáp ngay tại chỗ. 

Anh Giáp nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu nhưng không qua khỏi, tử vong vào khoảng 14h cùng ngày.

Nhân viên Nguyễn Trọng Giáp bị điện giật ngày 18/10 được đưa vào Bệnh viện Hà Tĩnh cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Ông Trương Văn Chương - GĐ Điện lực TP Hà Tĩnh cho biết, hôm xảy ra tai nạn trùng vào thời điểm tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức Đại hội Đảng bộ. Ngay khi nhận được thông tin, ông đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh động viên gia đình và y bác sĩ tập trung cứu chữa, nhưng do bị tai nạn nặng, anh Giáp không qua khỏi. 

Sau sự việc, ông cùng cán bộ, nhân viên cơ quan tới gia đình anh Giáp ở xã Cẩm Thành để cùng lo tang lễ. Hoàn cảnh của gia đình anh Giáp rất khó khăn, anh là con trai duy nhất trong gia đình. Vợ anh là giáo viên hợp đồng nghỉ sinh nên thất nghiệp. 

Mọi sinh hoạt gia đình trông chờ vào đồng lương của anh Giáp. Anh mất khi còn trẻ để lại đau thương, mất mát rất lớn, gánh nặng rất lớn cho gia đình, vợ, con.

Về việc sửa chữa nhưng không cắt điện khiến thợ điện bị nạn, ông Chương giải thích do sửa chữa điện cho một khách hàng, theo quy định không ngắt điện vì ảnh hưởng đến các hộ khác. Tai nạn có phần chủ quan, sơ suất của nạn nhân, nếu như xuống đất an toàn rồi mới tháo găng tay thì đã không xảy ra tai nạn đáng tiếc như thế.

Liên quan đến vụ TNLĐ nói trên, chi nhánh điện lực TP Hà Tĩnh có 7 người phải viết kiểm điểm. Trong đó, ông Trương Văn Chương viết kiểm điểm tự nhận hình thức cảnh cáo. Tới đây, Tập đoàn Điện lực sẽ cùng với Công ty Điện lực tỉnh Hà Tĩnh họp để đưa ra kết quả xử lý cuối cùng với 7 người liên quan.

Trong thời điểm đang chờ xử lý trách nhiệm vụ TNLĐ ở điện lực TP Hà Tĩnh thì sáng 2/11, khi ông Trần Xuân Mại (53 tuổi, trú xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà, Hà Tĩnh) lùa trâu ra đồng bất ngờ con trâu nằm chổng vó chết ngay cạnh trạm điện của Chi nhánh Điện lực Thạch Hà. 

Khi trâu bất ngờ lăn đùng ra, ông Mại không hiểu chuyện gì định lao ra để cứu trâu, may có người ngăn kịp thời vì cho rằng trạm điện rò rỉ giật chết trâu.

Điện lực Thạch Hà đã thỏa thuận hỗ trợ cho gia đình ông Mại 35 triệu đồng. Ông Mại và nhiều người dân khác cho biết, họ rất hoang mang khi sắp tới ra ruộng cày nhỡ chẳng may cột điện và trạm điện bị rò rỉ thì chết cả người chứ chẳng phải chỉ trâu. 

Ông Nguyễn Thanh Hoa - GĐ Điện lực Thạch Hà - xác nhận, có sự việc trên và cho biết đang chỉ đạo sửa chữa sự cố rò rỉ điện. Để an toàn, Chi nhánh điện lực Thạch Hà sẽ cho kiểm tra lại tất cả các trạm biến áp, cột điện mà đơn vị quản lý, tránh tai nạn tương tự xảy ra.

Ngày 2/11, trạm điện ở xã Thạch Vĩnh này rò rỉ đã giật chết con trâu của ông Mại. 

Trước đó, ngày 10/10, UBND xã Thạch Hải (Thạch Hà) chặt tỉa cây phòng chống bão nhưng chủ quan không cắt điện. Khi cây đổ đè lên lưới điện thuộc quản lý của Điện lực Thạch Hà khiến hơn 100 hộ dân thôn Bắc Hải bị chập điện cháy, hư hỏng tivi, tủ lạnh, quạt, bóng đèn... Sự việc khiến người dân rất bức xúc. Sau đó, xã Thạch Hải đã phối hợp với Điện lực Thạch Hà cử nhân viên kỹ thuật và bỏ kinh phí sửa chữa tài sản cho dân.

Đầu tư lớn nhất, nhưng chưa an toàn

Ông Phan Văn Anh - Trưởng Phòng Thanh tra An toàn lao động Công ty Điện lực Hà Tĩnh - thông tin, năm 2015 công ty chưa xảy ra vụ TNLĐ nào (chưa thống kê vụ tai nạn ở Điện lực TP Hà Tĩnh ngày 18/10). Năm 2014 xảy ra 2 vụ nhưng không có người chết. Năm 2013 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết, 1 người bị thương. Số liệu thống kê nói trên chỉ tính các vụ TNLĐ về người của công ty, thuộc lưới điện quản lý của công ty, không tính tai nạn về điện trong dân. 

Về công tác ATLĐ, công ty thực hiện đúng theo quy định. Ngoài trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, công ty còn đẩy mạnh tuyên truyền ý thức đảm bảo VSATLĐ, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng pano, áp phích...

Phát quang cây cối nhưng chủ quan không ngắt điện khiến hơn 100 hộ dân ở Thạch Hải (Thạch Hà) bị chập cháy tivi, tủ lạnh, quạt, bóng đèn.

Theo ông Anh, Hà Tĩnh là tỉnh được đầu tư kinh phí cho công tác ATLĐ cao nhất trong các tỉnh thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Như năm 2014 là 5,5 tỷ đồng; năm 2015 này là 4,5 tỷ đồng; kế hoạch cho năm 2016 là khoảng 5,5 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi vì sao được đầu tư lớn như thế, nhưng vấn đề ATLĐ của Công ty Điện lực Hà Tĩnh vẫn chưa tốt, ông Anh cho biết, công ty đã đẩy tuyên truyền ý thức chấp hành ATLĐ trong cán bộ, nhân viên, thắt chặt kỷ luật, tăng cường giám sát xử lý kỷ luật khi có vi phạm. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành kỷ luật của một số cá nhân chưa tốt, Công ty đang đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện kỷ luật nghiêm để việc đảm bảo an toàn tốt hơn.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/dan-bat-an-voi-dien-luc-ha-tinh-dien-giat-chet-nguoi-chet-trau-chay-nha-393846.bld

Theo Trần Tuấn / Lao Động

Bạn có thể quan tâm