Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, bước đầu bọn cướp biển thừa nhận chúng không phải bị nạn do đi câu như lúc đầu. Khoảng 2 tuần trước ngày thực hiện vụ cướp (ngày 11/6), nhóm do tên Ruslan (61 tuổi, hộ khẩu tại Anambas, Natuna, Indonesia) cầm đầu và hơn chục đồng bọn, dùng một xuồng cao tốc trên tàu kéo không tên, ra khu vực biển Indonesia để phục.
Cảnh sát biển Việt Nam đang lấy lời khai của một tên cướp biển - Ảnh: Minh Tuấn |
Đến gần 21h ngày 11/6, khi phát hiện tàu Orkim Harmony (chở xăng) đi qua, 10 tên hạ xuồng cao tốc, bí mật tiếp cận phía sau, sử dụng cây tre dài có móc sắt để trèo lên tàu.
Tên Jonh cầm dao leo lên trước, Ruslan cầm súng theo sau. Hai tên dùng hung khí khống chế một thủy thủ tàu Orkim Harmony, rồi ra hiệu cho 6 tên khác leo lên. Chúng ép thủy thủ đưa lên buồng thuyền trưởng để khống chế vị này.
Chúng phá hủy, ném xuống biển thiết bị định vị vệ tinh và thông tin liên lạc. Đồng thời, buộc thuyền trưởng dùng loa, yêu cầu phục tùng mệnh lệnh của chúng, nếu không sẽ bị xử lý bằng dao, súng.
Chúng khống chế toàn bộ 22 thuyền viên (hai thợ máy ở buồng máy, hai ở phòng thuyền trưởng, 18 người còn lại ở phòng ăn), cướp hết tư trang, đồ dùng cá nhân của các thủy thủ như: điện thoại, tiền, máy tính xách tay, máy tính bảng…
Sau khi khống chế các thuyền viên tàu Orkim Harmony, chúng ra hiệu cho 2 tên còn lại điều khiển xuồng cao tốc trở lại tàu kéo, về Indonesia tìm mối tiêu thụ hàng vừa cướp được.
8 tên còn lại tiếp tục khống chế, yêu cầu thuyền trưởng điều khiển tàu đi lòng vòng từ ngày 11/6 đến 17/6 để tránh bị phát hiện, đợi người đến mua xăng.
Đến ngày 18/6, bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện, yêu cầu chúng điều khiển tàu về Malaysia. Nhóm này đồng ý, yêu cầu tàu của lực lượng chức năng giữ khoảng cách 8 - 9 hải lý.
Tuy nhiên, trong quá trình bị lực lượng chức năng Malaysia theo đuổi, khoảng 20h ngày 18/6, lợi dụng đêm tối, chúng hạ xuồng cứu sinh trên tàu Orkim Harmony để trốn chạy, ném toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu súng, 8 con dao xuống biển.
Trong quá trình trốn chạy, phát hiện Cảnh sát biển Việt Nam đang truy bắt, chúng điều khiển tàu vào đảo Thổ Chu lẩn trốn.
Cảnh sát biển đã sử dụng phương pháp khai thác mâu thuẫn trong lời khai, làm rõ nguồn gốc các đồ vật, phương tiện của 8 người nước ngoài gồm: 30 chiếc điện thoại di động, trang phục thủy thủ có nhãn hiệu Orkim, chiếc xuồng 8 người sử dụng cập đảo Thổ Chu...
Với nghiệp vụ đấu tranh, Cảnh sát biển Việt Nam buộc nhóm cướp phải thú nhận toàn bộ hành vi cướp tàu Orkim Harmony.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, song song việc đấu tranh với 8 tên cướp biển, đơn vị đã gửi ảnh chiếc xuồng chúng dùng để tẩu thoát khi đến đảo Thổ Chu và ảnh nhận dạng nhóm này cho Cảnh sát biển Malaysia để xác minh. Phía Malaysia đã xác nhận, chiếc xuồng thuộc tàu bị cướp, 8 người này chính là nhóm trực tiếp cướp chiếc tàu Orkim Harmony.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tiếp tục đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn của bọn cướp biển, đồng thời liên hệ với phía Malaysia cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Đây là vụ cướp có vũ trang, có tính chuyên nghiệp cao. Cướp rất manh động, bắn một thuyền viên bị thương, làm bị thương 11 người khác.
Vụ việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế về an ninh hàng hải ở khu vực biển ASEAN.
Tàu Orkim Harmony sau khi bị cướp đã được sơn lại, thay số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế - PV), tắt AIS (hệ thống nhận dạng tự động - PV) nên khó xác định, nhận dạng. Trong khi đó, mục tiêu luôn cơ động trên phạm vi rộng, việc tìm kiếm gặp khó khăn.
Tuy nhiên, chính sự quyết tâm cao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, triển khai lực lượng kịp thời, tổ chức lùng sục, truy tìm liên tục đã góp phần tạo áp lực buộc bọn cướp bỏ trốn khỏi tàu.
Ngay khi có thông tin và yêu cầu của Malaysia, Cảnh sát biển Việt Nam đã sử dụng lực lượng tham gia chống cướp biển, thể hiện trách nhiệm trước tình hình cướp biển đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, hành động này thể hiện Việt Nam tôn trọng, tuân thủ Hiệp định về chống cướp biển, cướp có vũ trang tại khu vực Châu Á mà Chính phủ đã ký kết tham gia”.