Một binh sĩ Ukraina trên đường tới miền đông đất nước. Ảnh: Getty Images |
17/7: Chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền đông Ukraina, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn tử nạn. Một cố vấn bộ Nội vụ Ukraina tuyên bố máy bay bị bắn hạ bởi BUK, một hệ thống tên lửa đất đối không, xuất phát từ khu vực do quân đội ly khai kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả điều tra chính thức của thảm họa này vẫn chưa được công bố.
24/7: Mỹ cáo buộc Nga bắn tên lửa qua biên giới Ukraina, tuy nhiên từ chối đưa ra bằng chứng cụ thể. Phát ngôn viên miêu tả đó là một "hành động quân sự leo thang". Cùng ngày, chính phủ liên minh Ukraina sụp đổ. Thủ tướng Ukraina, ông Arseniy Yatsenyuk, cũng tuyên bố từ chức, kéo theo sự rút lui của hai đảng Svoboda và UDAR.
29/7: Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng Nga, trước những cáo buộc liên quan tới việc Nga cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraina.
Trong một diễn biến khác, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Hủy bỏ Vũ khí Hạt nhân Tầm trung và Tầm ngắn 1987, vì đã thử nghiệm một tên lửa hành trình trái với các điều khoản trong hiệp ước.
1/8: Các nguồn tin tình báo Mỹ và NATO xác nhận rằng quân đội Ukraina đã sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công thành trì của quân nổi dậy ở miền đông đất nước. Lực lượng ly khai cũng cáo buộc Kiev đã dùng phốt pho trắng, một loại vũ khí hóa học, để tham chiến.
4/8: Hàng trăm binh sĩ Ukraina cùng xe tăng, máy bay chiến đấu cùng di chuyển về phía biên giới với Nga. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina tuyên bố, chiến dịch quân sự sẽ kết thúc vào tháng 9.
Binh sĩ Ukraina bắn pháo về phía phe ly khai tại Pervomaysk hôm 2/8. Ảnh: CNN |
16/8: Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về tình hình viện trợ nhân đạo ở Đông Ukraina, đồng thời bày tỏ hy vọng xung đột ở nước láng giềng Đông Âu sớm chấm dứt.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời người người phát ngôn Andriy Lysenko của quân đội Ukraina cho hay, các lực lượng của Kiev đã phát hiện một đội xe thiết giáp của Nga vượt qua biên giới hai nước trong đêm. "Chúng tôi đã thực hiện những hành động thích hợp và một phần của nó (đội thiết giáp) không tồn tại nữa", ông Lysenko nói.
Tuy nhiên, chính phủ Nga bác bỏ việc quân đội của họ tiến vào lãnh thổ Ukraina. Moscow gọi thông tin của Kiev là "một sự tưởng tượng", đồng thời cáo buộc Ukraina tìm cách phá hoại hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ tới khu vực chiến sự ở phía đông nước láng giềng.
"Không đơn vị quân sự nào của Nga vượt qua biên giới Nga - Ukraina dù là giữa ban ngày hay trong đêm", RIA Novosti dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
17/8: 16 xe tải trong đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo quy mô lớn của Nga đã rời điểm dừng chân ở phía tây đất nước và hướng về biên giới với Ukraina.
18/8: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội đàm với người đồng cấp Ukraina, Pavlo Klimkin, tại Berlin, Đức nhằm tìm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Ukraina. Hai bên nhất trí một số giải pháp nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraina, bao gồm một lệnh ngừng bắn.
22/8: Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, cho biết liên minh quân sự này đã thấy sự tăng cường đáng báo động của lực lượng trên bộ và trên không của Nga, "bao gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân và các khẩu pháo" tới khu vực ly khai ở miền đông Ukraina.
Cùng ngày, đoàn 280 xe chở đồ cứu trợ của Nga đã đơn phương tiến vào lãnh thổ Ukraina mà không cần sự cho phép của Kiev. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đoàn xe viện trợ của Nga đã về nước hôm 23/8.
25/8: Lính biên phòng Ukraina đụng độ với một đoàn khoảng 50 xe bọc thép vượt qua biên giới Nga gần khu vực Novoazovsk. Cũng trong hôm 25/8, quân đội Ukraina đã bắt 10 lính dù Nga ở gần làng Dzerkalne. Ngôi làng nằm cách biên giới hai nước khoảng 20-30 km và nằm cách Donetsk, thành trì của phe ly khai Ukraina, khoảng 50 km.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko quyết định sẽ giải tán Quốc hội và ấn định tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 26/10. Tổng thống nhắc lại sự kiện hôm 24/7, khi liên minh đa số ủng hộ Chính phủ tại Quốc hội bị buộc tan rã. Sau một tháng, liên minh mới không được hình thành nên theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội.
Cùng ngày, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố kế hoạch cử đoàn xe viện trợ thứ hai tới miền đông Ukraina.
27/8: Tổng thống Putin và người đồng cấp Poroshenko có cuộc hội đàm tại Minsk, Belarus. Theo ông Putin, cả hai bên đều hướng tới biện pháp đàm phán hòa bình để hạ nhiệt căng thẳng tại miền đông của Ukraina. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng hy vọng, phương Tây sẽ tôn trọng các biện pháp mà Nga đang thực hiện để bảo vệ nền kinh tế nước này.
28/8: Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã hủy chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức họp khẩn sau khi nhận tin báo về tình hình căng thẳng leo thang ở miền đông đất nước. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh phe ly khai đã chiếm thành phố ven biển Novoazovski và tấn công thành phố cảng chiến lược Mariupol ở phía nam.
Cùng ngày, các phóng viên của hãng thông tấn Reuters cho biết, họ đã nhìn thấy một đoàn xe bọc thép đang tiến tới ngôi làng Krasnodarovka, chỉ cách biên giới Ukraina khoảng 3 km. Đoàn xe gồm hai xe bọc thép chở quân, 6 xe tải và một xe ủi quân sự.
Trong một diễn biến khác, Kiev và Washington đồng thời cáo buộc quân đội Nga đã bắt đầu tham chiến ở miền đông Ukraina. Đáp lại thông tin này, phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitry Peskov, đã lên tiếng bác bỏ và cho biết, phương Tây từng nhiều lần đưa ra các cáo buộc tương tự và Nga luôn khẳng định thông tin đó không phù hợp với thực tế.