Brussels, Bỉ trở thành trung tâm của hàng loạt các hoạt động ngoại giao trong ngày 24/3 - thời điểm đánh dấu tròn một tháng Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một loạt lãnh đạo các quốc gia khác đã tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh trong cùng một ngày để thảo luận về cách ứng phó với động thái của Nga, bao gồm cuộc họp của NATO, G7 và Hội đồng châu Âu, New York Times đưa tin.
NATO sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí cả vũ khí hạt nhân được cho là tâm điểm thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh. Tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh NATO là phiên họp giữa những người đồng cấp với ông Biden từ G7. Cuối cùng là cuộc họp của Hội đồng châu Âu.
Washington Post trích 3 nguồn tin cho biết chính quyền ông Biden và Liên minh châu Âu dự kiến công bố sáng kiến lớn nhằm chuyển các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến châu Âu - một động thái làm giảm sự phụ thuộc của khối vào khí đốt từ Nga.
Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin tổ chức một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Sputnik đưa tin.
"Những người tham gia cuộc họp đã trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của đất nước. Bộ trưởng Quốc phòng đã thông báo về tiến độ của hoạt động quân sự đặc biệt, cũng như nỗ lực của quân đội trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo, đảm bảo an ninh và khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Ông Peskov cho biết cuộc họp cũng đề cập tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các quan chức bày tỏ sự thất vọng trước "sự chậm chạp" của phía Ukraine trong việc tham gia vào quá trình đàm phán.
Ukraine có dấu hiệu phản công
Trên thực địa, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, nhận định Nga đang có dấu hiệu chuẩn bị cho các hoạt động phòng thủ.
Nhiều báo cáo và hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đào các vị trí phòng thủ và đặt mìn, và có thể sẽ không tiến hành các hoạt động tấn công quy mô lớn trong tương lai gần tại một số địa điểm trên khắp Ukraine.
Bên cạnh đó, Nga cũng tập trung tấn công nhiều hơn bằng không kích, pháo binh và tên lửa vào các thành phố của Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine thực hiện một vài cuộc phản công ở quy mô hạn chế để giảm bớt áp lực xung quanh Kyiv. Một tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội nước này vẫn chưa kiểm soát và bao vây được Kyiv.
Lực lượng của Moscow tiếp tục bị đẩy lùi trên chiến tuyến xung quanh thủ đô. Nga hiện cách trung tâm Kyiv khoảng 55 km về phía đông. Trong khi đó, họ đang chiếm các vị trí phòng thủ ở phía tây bắc, nhưng chưa tiến gần đến trung tâm thành phố dọc theo tuyến này, theo một quan chức Mỹ.
Cùng ngày, Hải quân Ukraine thông báo đã phá hủy thành công một tàu vận tải lớn của Nga ở cảng Berdyansk ở biển Azov, gần thành phố Mariupol đang bị bao vây nằm phía đông nam nước này.
"Tàu đổ bộ cỡ lớn Orsk của Hạm đội Biển Đen đã bị phá hủy ở cảng Berdyansk do Nga kiểm soát", Hải quân Ukraine viết trên mạng xã hội.
CNN chưa thể xác nhận tuyên bố của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa lên tiếng về vụ việc này. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các đám cháy lớn kèm theo những vụ nổ ở trong cảng.
Theo ISW, trong ngày 24/3, tiến trình kiểm soát thành phố cảng Mariupol vẫn còn chậm và khá khó khăn với Nga.
Khói bốc ra gần một cảng biển ở Berdyansk hôm 24/3 sau khi Hải quân Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu Orsk của Nga ở biển Azov. Ảnh: AP. |
Lúc này, quân đội Nga dường như đang tập trung kiểm soát vùng ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass, thuộc miền Đông Ukraine.
Cùng ngày, quân đội Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thành phố Izyum ở khu vực Kharkiv, miền Đông Ukraine, hãng truyền thông RIA-Novosti dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố bác bỏ và khẳng định giao tranh vẫn tiếp diễn. Đầu tuần này, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết quân đội Ukraine đã tiến hành phản công ở thành phố nhỏ phía đông nam Kharkiv.
Izyum, với dân số khoảng 50.000 người, nằm trên trục đường quan trọng giữa Kharkiv và khu vực phía đông Donbas. Nếu kiểm soát được thành phố này, lực lượng Nga ở phía đông bắc và đông nam có thể liên kết với nhau. Gần như không thể tiếp cận và liên lạc với Izyum kể từ khi giao tranh nổ ra vào tuần trước.
Thống đốc của Kharkiv, Oleh Synehubov, cho biết đã có 44 vụ nã đạn từ pháo binh, xe tăng và súng cối, cũng như 140 vụ tấn công bằng tên lửa đa năng ở khu vực đông bắc Ukraine, trong suốt ngày 23/3. Kể từ đầu chiến dịch của Nga, gần 1.000 tòa nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Ông Synehubov cũng nhắc tới việc Hạm đội Biển Đen của Nga nhắm tới các thành phố quan trọng ở Ukraine. Trung tâm Kharkiv - nằm cách biển khoảng 500 km - đã bị tên lửa hành trình bắn từ tàu chiến Nga tấn công trong đêm, theo thống đốc.
Ở phía bắc, Thị trưởng Chernihiv Vladyslav Atroshenko cho biết nghĩa trang của thành phố không thể xử lý tất cả thi thể của người thiệt mạng. Các tòa nhà bị hư hỏng nặng nằm rải rác trên những con phố, trong khi lửa vẫn cháy âm ỉ khiến bầu không khí dày đặc khói.
Bản đồ chiến sự ở Ukraine tính tới ngày 22/3. Đồ họa: Guardian. |
"Chúng tôi chỉ cần 1% những gì NATO có"
Ngày 24/3, trong cuộc họp của NATO, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine chỉ cần một phần nhỏ sức mạnh tổng hợp của liên minh này.
“Chỉ cần cung cấp cho chúng tôi 1% trong số tất cả máy bay. 1% trong số tất cả xe tăng. 1% mà thôi”, ông kêu gọi. “Quý vị có hàng nghìn máy bay chiến đấu, nhưng chúng tôi chưa nhận được dù chỉ một chiếc”.
Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO nên thừa nhận những gì lực lượng vũ trang của Ukraine đã thể hiện trong cuộc chiến với Nga.
“Đừng bao giờ nói rằng quân đội tôi không đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO. Chúng tôi đã chỉ ra những tiêu chuẩn mà chúng tôi có thể đạt được. Chúng tôi đã chứng minh mình có thể đóng góp cho nền an ninh chung của châu Âu và thế giới", ông Zelensky nói.
Ông lập luận NATO nên bảo vệ Ukraine ngay cả khi quốc gia này không phải là thành viên chính thức của liên minh. Tuy nhiên, ông không yêu cầu lập vùng cấm bay hay gia nhập NATO.
Quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden nói rằng sau bài phát biểu của ông Zelensky, các thành viên NATO đã thảo luận về khả năng cung cấp các hệ thống tên lửa chống hạm cho Ukraine.
Theo Guardian, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đã đồng ý hỗ trợ thêm cho Ukraine vật tư quân sự, bao gồm hệ thống chống tăng và phòng không, cũng như máy bay không người lái. Tuy nhiên, ông nhắc lại NATO sẽ không triển khai quân trên bộ ở Ukraine.
Cùng ngày, Quốc hội Cộng hòa Czech đã thông qua kế hoạch triển khai 650 thành viên quân đội tới Slovakia. Mỹ, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia cũng sẽ đóng góp quân cho đơn vị này, dự kiến lên tới 2.100 binh sĩ.
Kế hoạch này thuộc một phần trong sáng kiến của NATO nhằm trấn an các nước thành viên ở sườn phía đông của liên minh. Liên minh đã đóng quân tại các nước Baltic - Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, NATO quyết định tăng cường sự hiện diện dọc toàn bộ sườn phía đông bằng cách triển khai lực lượng ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia. Sputnik đưa tin ngày 24/3 cho biết NATO sẽ triển khai thêm bốn nhóm chiến đấu ở các quốc gia này.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 24/3. Ảnh: Reuters. |
Tròn một tháng giao tranh ở Ukraine bắt đầu, hơn 3,6 triệu người đã rời khỏi quê hương. Không ai chuẩn bị trước, họ mang theo bất cứ thứ gì có thể lấy được trong lúc vội vàng bỏ nhà cửa bởi tin rằng mình sẽ sớm được trở về nhà.
Tuy nhiên, giờ đây, họ cho rằng hy vọng đó đang tắt dần.
“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng chuyện này sẽ sớm kết thúc”, Olha Homienko, một phụ nữ 50 tuổi ở Kharkiv nói. “Trước đó, không ai tin rằng Nga sẽ tấn công chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ nhanh chóng kết thúc”.
Bây giờ, bà Homienko nói “giờ không có gì để mong đợi”.
Những người tị nạn đang tìm cách xây dựng lại cuộc sống ở các nước láng giềng, tìm kiếm việc làm và bắt đầu đi học. Một số đã chuyển đến các quốc gia khác nơi có họ hàng sinh sống.
Để giảm bớt áp lực lên các quốc gia tiếp nhận người tị nạn, Liên minh châu Âu đã công bố các động thái mới nhằm giúp các quốc gia thành viên hỗ trợ hàng triệu người tị nạn tiếp cận trường học, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỗ ở và việc làm.
Các biện pháp này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn di chuyển giữa các quốc gia thành viên và nhiều nước khác như Canada và Vương quốc Anh, nơi có cộng đồng lớn người Ukraine sinh sống.