Đợt hạn hán tại phía tây nam Trung Quốc đang phơi bày khả năng dễ bị tổn thương của hệ thống điện lực nước này, đặc biệt những tỉnh phụ thuộc nhiều vào thủy điện.
Thủy điện chiếm khoảng 80% năng lượng của Tứ Xuyên. Tỉnh này là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt nắng nóng hiện tại. Các chuyên gia đánh giá đợt hạn hán năm nay là sự kiện tồi tệ nhất trong 60 năm.
Tập đoàn lưới điện Trung Quốc cho biết công suất phát điện của các nhà máy thủy điện tại Tứ Xuyên đã giảm một nửa trong hai tháng qua. Đợt hạn hán đã khiến mực nước các con sông lớn thấp kỷ lục, theo South China Morning Post.
Người dân ở thành phố Đại Châu cho biết đập Tiểu Hà Chủy đã không sản xuất điện trong hơn một tháng vì thiếu nước. Công suất của đập đáp ứng nhu cầu của khoảng 500 hộ gia đình.
Cây mè khô héo do thiếu nước trên một cánh đồng tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Đợt hạn hán kỷ lục
“Đã có những đợt hạn hán trước đây, nhưng không nghiêm trọng như năm nay”, Zhang Xingquan, một chủ tiệm rửa xe địa phương, cho biết. Ông đã mất hơn 60% thu nhập do thiếu điện và nước.
Thành phố Đại Châu có khoảng 5 triệu cư dân. Hơn một tuần trước, thành phố bắt đầu phân bổ lại nguồn cung cấp điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Một sự cố mất điện kéo dài đến tám giờ đã xảy ra.
Hạn hán đã giáng một đòn nặng nề vào Tứ Xuyên, nơi có 14 nhà máy thủy điện lớn. Đầu tháng này, chính quyền tỉnh đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện “đặc biệt nghiêm trọng”, buộc các nhà máy đóng cửa vài ngày để bảo tồn nguồn cung.
Sự phát triển của thủy điện Tứ Xuyên bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, sự phát triển quy mô lớn bắt đầu vào những năm 1980 và tăng tốc vào đầu thế kỷ XXI.
Một người đi bộ trên bờ kè của hồ Bà Dương. Ảnh: Reuters. |
Mưa đã bắt đầu xuất hiện ở một số vùng của tỉnh và dự kiến sẽ tiến dần tới những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần tới. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình hiện tại là không bền vững.
“Các mùa ảnh hưởng mạnh mẽ tới thủy điện. Cuộc khủng hoảng điện nhắc nhở chúng ta rằng không thể quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng này”, Fan Xiao, một nhà địa chất của Tứ Xuyên, nói.
“Ngoài ra, việc phát triển thủy điện của Tứ Xuyên không bền vững vì đã làm suy thoái sinh thái sông và không để lại dòng chảy tự do”, ông nói thêm.
Thủy điện chiếm khoảng 20% nguồn cung điện của Trung Quốc. Nước này sở hữu đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang, đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Tìm kiếm giải pháp
Tác động của cuộc khủng hoảng điện cũng đã vượt ra ngoài Tứ Xuyên và lan sang các trung tâm sản xuất khác như Giang Tô và Chiết Giang. Nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.
Kang Junjie, một nhà nghiên cứu tại Viện Năng lượng thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết các nhà chức trách nên đánh giá sự kiện thời tiết khắc nghiệt này. Trung Quốc cần phân tích liệu hạn hán nghiêm trọng có trở nên phổ biến hơn trong tương lai hay không.
“Nếu nó xảy ra hai hoặc ba năm một lần, chúng ta cần đầu tư vào các nguồn năng lượng khác như khí đốt và than đá để đối phó với các cuộc khủng hoảng điện. Nhưng nếu nó xảy ra vài thập kỷ một lần hoặc mỗi thập kỷ một lần, chúng ta nên đưa ra những quyết định thận trọng”, ông nói.
Người dân đi trên lòng sông cạn khô vì hạn hán. Ảnh: Reuters. |
Thay vì tiêu thụ nhiều than hơn, Kang cho rằng nên cải thiện nguồn cung từ các hệ thống thân thiện với môi trường hơn.
“Ví dụ, các tỉnh bên cạnh Tứ Xuyên là Thanh Hải và Cam Túc có nguồn năng lượng tái tạo và nguồn điện dồi dào. Về mặt kỹ thuật, việc kết nối lưới điện giữa các tỉnh này sẽ dễ dàng và rẻ hơn”, ông nhận định.
Trung Quốc đã cam kết sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung hòa vào năm 2060. Nếu muốn đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải cải thiện sự đa dạng và linh hoạt của hệ thống điện.
“Tứ Xuyên có tỷ lệ thủy điện cao. Nhưng nếu chúng ta xem xét toàn bộ phía tây Trung Quốc, tỷ lệ này không cao. Khu vực này có năng lượng mặt trời, gió, than đá và thủy điện. Đó là lý do tại sao cần phân bổ nguồn lực trên một khu vực rộng lớn hơn”, ông Kang nói.