Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm sáng và triển vọng trong 42 năm quan hệ Việt - Pháp

Sau hơn 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Pháp hiện là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với 3,3 tỷ euro đầu tư.

Quan hệ hợp tác mẫu mực và đầy triển vọng

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP nhân chuyến thăm chính thức Pháp năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Có thể coi quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là mối quan hệ hợp tác mẫu mực giữa một nước đang phát triển và một nước công nghiệp phát triển".

Những dấu ấn trong quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục… và các kế hoạch phát triển trong khuôn khổ song phương cũng như cơ chế hợp tác được hình thành qua đàm phán đa phương, quan hệ Việt – Pháp có nhiều điều kiện để nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược.

Những chuyến thăm cấp cao Việt - Pháp

Tổng thống Pháp Francois Mitterrand nói chuyện vào ngày 9-2-1993 với vị Đại tướng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Francois Mitterrand nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 9/2/1993 trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam  Ảnh: Reuters

Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ nhiều mặt. Pháp bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khôi phục đất nước. Đỉnh cao quan hệ là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 4/1977.

Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Lãnh đạo Pháp thực hiện 3 chuyến thăm sang Việt Nam. Chuyến thăm quan trọng đầu tiên là sự kiện Tổng thống Francois Mitterrand thăm Việt Nam năm 1993, mở chương mới trong quan hệ song phương. Những liên hệ được dệt nên từ lịch sử cùng sự hợp tác ở cấp độ cao khiến Pháp trở thành một đối tác ưu tiên của Việt Nam và là nước đối thoại chủ chốt của Việt Nam ở châu Âu. Từ đó, mối quan hệ Việt – Pháp phát triển phong phú dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.

Năm 1997, Tổng thống Jacques Chirac thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ. Ông cũng thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam năm 2004.

Tháng 11/2009, Thủ tướng Francois Fillon thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của người đứng đầu chính phủ Pháp.

Với việc triển khai năm Việt – Pháp 2013, các chuyến thăm song phương đã được tăng cường gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Lao động Michel Sapin, Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ Yamina Benguigui, Bộ trưởng Ngoại thương Nicole Bricq, Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: chinhphu.vn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm chính thức Pháp năm 2013. Ảnh: Chinhphu.vn.

Về phía Việt Nam, chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000 đánh dấu chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ quốc gia.

Nhiều chuyến thăm cấp cao diễn ra sau đó gồm chuyến công du Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1998 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007 và 2013.

Điểm sáng hợp tác

Trong hơn 40 năm quan hệ Việt - Pháp (1973 - 2013), cả 2 nước thể hiện tình hữu nghị, hợp tác truyền thống trên mọi lĩnh vực. Hai bên có nhiều cơ chế hợp tác như Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao và Quốc phòng; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng; Đối thoại thường niên cấp cao về kinh tế; Hội nghị hợp tác phi tập trung… Hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác được coi trọng hàng đầu. Hai nước hiện có nền tảng rất tốt là Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, hợp tác giữa các trường đại học trong khuôn khổ Đại học Pháp ngữ (AUF). Trong khi đó, hơn 7.500 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. 

Về hợp tác kinh tế, Pháp hiện là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với 3,3 tỷ euro đầu tư; 3,1 tỷ euro trao đổi thương mại 2 chiều và là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại của 2 nước tiếp tục tăng cao, khoảng 10,6% một năm và đạt 3,5 tỷ euro trong năm 2014.

Hai nước đã ký hầu hết các văn bản cần thiết như hiệp định khung về hợp tác kinh tế, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế trùng và hàng loạt hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Triển lãm kết nối văn hóa và lịch sử Việt Nam-Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội tháng 9/2014.
Triển lãm kết nối văn hóa và lịch sử Việt Nam - Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội tháng 9/2014. Ảnh: TTXVN

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt - Pháp đã có những bước phát triển tích cực trên một số mặt như trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm, quân y, đào tạo, thủy đạc và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Hai nước thường xuyên thực hiện các chương trình giao lưu, trao đổi đoàn văn hóa nghệ thuật. Đại sứ quán Pháp chủ trì nhiều sự kiện quan trọng tại Việt Nam như "Ngày ngoại giao châu Âu về Khí hậu" hôm 17/6.

Liên hoan nghệ thuật festival Huế được tổ chức lần đầu tiên năm 2010 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp. Sự kiện trở thành hoạt động văn hóa quốc tế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Phía Việt Nam cũng tham gia nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp.

Quan hệ hợp tác đầy triển vọng

Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhanh chóng, với triển vọng ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với việc sửa đổi Luât Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay... Những yếu tố đó sẽ tạo nên những cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Pháp.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Ngọc Sơn, 7.500 sinh viên, thực tập sinh đang học tập tại Pháp cùng triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam, sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp sẽ diễn ra trong tương lai không xa.

9X yêu môi trường rinh giải của phái đoàn châu Âu

Cô gái đến từ Hậu Giang vượt qua hàng trăm bạn trẻ khác để dành giải thưởng của cuộc thi về nâng cao nhận thức và khuyến khích những hành động thực tế chống biến đổi khí hậu.

Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu tại Việt Nam

Ngày ngoại giao châu Âu về Khí hậu được tổ chức hôm nay nhằm kêu gọi người dân Việt Nam tăng cường tham gia và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu mà toàn cầu đang phải đối mặt.

Hải Anh (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm