Theo Michael Marshall, xuất bản phi hư cấu trên thế giới đang làm người đọc thất vọng. Họ đang cho ra mắt nhiều cuốn sách với những ý tưởng được cho là có thể thay đổi cuộc chơi, tuy nhiên, không tìm cách đảm bảo tính chính xác cơ bản. Những cuốn sách này nhìn qua giống như các tác phẩm học thuật, tuy nhiên, không hề nghiêm ngặt.
Ngoài vùng chuyên môn?
Nhà báo khoa học Michael Marshall gọi tên Nexus, và cho rằng Yuval Noah Harari đưa ra những định nghĩa thiếu thuyết phục về thông tin trong cuốn sách đình đám hiện nay.
Michael Marshall cũng đề cập đến Johann Hari, từng là một nhà báo tại The Independent, đã bị phát hiện đạo văn và từ chức. Kể từ đó, ông đã cho ra mắt một loạt sách không đáng tin cậy về những tranh cãi trong y khoa. Lost Connections (Mất kết nối) tìm cách giải thích bệnh trầm cảm một cách khoa học nhưng chứa đầy những số liệu thống kê đáng ngờ. Trong đó, Hari còn đưa ra một tuyên bố sai sự thật rằng thuốc chống trầm cảm không có tác dụng lâu dài.
Còn cuốn Stolen Focus (Kiểm soát sự tập trung giữa cơn bão công nghệ) lập luận rằng các công nghệ mới như điện thoại thông minh khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn, mặc dù không có nghiên cứu dài hạn nào cho thấy sự thay đổi trong khả năng tập trung.
Ngay cả sách của các học giả cũng có khiếm khuyết tương tự. Theo nhà phê bình của Newscientist, Enlightenment Now (Khai sáng thời hiện đại) của Steven Pinker có "những sai sót nghiêm trọng" và đã bị các nhà sử học về thời kỳ Khai sáng chỉ trích vì trình bày sai lệch thông điệp của những nhà tư tưởng chính thời kỳ này.
The Anxious Generation (tạm dịch: Thế hệ lo lắng) của Jonathan Haidt thì tuyên bố rằng điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội đang gây ra một đại dịch về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, bất chấp các phân tích tổng hợp cho thấy bằng chứng về tác hại này là không đáng kể.
Không kiểm chứng thông tin
Michael Marshall gọi những cuốn sách này là "tệ hại" và lý giải xảy ra sai sót trên là do các tác giả đang viết ngoài chuyên môn của họ. Harari là một nhà sử học thời trung cổ. Pinker chủ yếu nghiên cứu tâm lý học ngôn ngữ. Còn Haidt nghiên cứu về nguồn gốc cảm xúc của đạo đức. Tuy nhiên, việc viết về đề tài ngoài chuyên môn chính chưa đủ là lý do cho việc đưa ra nhiều thông tin sai lệch như vậy.
Vì ngay cả sách của các chuyên gia cũng đầy rẫy lỗi. Matthew Walker là một nhà khoa học lỗi lạc về giấc ngủ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu độc lập Alexey Guzey đã tìm thấy một danh sách dài các lỗi chỉ trong chương đầu tiên của cuốn sách Why We Sleep (Tại sao chúng ta ngủ) của Walker, đáng chú ý là một tuyên bố sai sự thật rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã "tuyên bố một đại dịch mất ngủ".
Và rồi có Naomi Wolf, người đã xuất bản cuốn sách Outrages năm 2019. Tác phẩm này đã bị đơn vị xuất bản tại Mỹ từ chối ra mắt sau khi bà thực hiện một cuộc phỏng vấn với đài BBC và bị phát hiện đã hiểu sai một thuật ngữ pháp lý thế kỷ 19. Wolf tuyên bố rằng những người đàn ông đồng tính ở Anh thường xuyên bị hành quyết vào những năm 1800. Tuy nhiên, bà đã đọc sai các tài liệu của tòa án và không có vụ hành quyết nào như vậy xảy ra. Trong khi đó, cuốn sách này dựa trên luận văn tiến sĩ của Wolf.
Vậy đâu là lý do cho những sai sót này xảy ra. Theo tác giả Michael Marshall, vấn đề rất đơn giản và đó là một bí mật của việc xuất bản sách phi hư cấu: hầu hết sách đều không được kiểm chứng thực tế. Và nếu một tác giả mắc lỗi hoặc hiểu sai một nghiên cứu, không ai kiểm tra họ.
Trong báo chí, các hoạt động kiểm chứng thông tin rất đa dạng. Trang Newscientist có hai lớp biên tập viên nhằm đảm bảo thông tin dễ đọc và chính xác. Những đơn vị báo chí khác thậm chí còn nghiêm ngặt hơn: Những người kiểm chứng thực tế tại The New Yorker sẽ xem xét toàn bộ văn bản.
Trong khi đó, xuất bản phi hư cấu thoải mái hơn nhiều. Thường thì không có hoạt động kiểm chứng thực tế nào cả: Các biên tập viên đưa ra các tuyên bố dựa trên sự tin tưởng. Cuốn The Genesis Quest của chính nhà phê bình Marshall đã được trải nghiệm điều đó với các nhà xuất bản Vương quốc Anh. Tuy nhiên, đơn vị xuất bản tại Mỹ, một nhà xuất bản đại học, đã tuyển dụng các nhà phê bình ngang hàng ẩn danh, để kiểm tra nội dung cuốn sách.
Một lý do cho sự khác biệt này là sách thuần khoa học rất khó bán. Nếu cuốn sách có luận điểm nào đó trái với hiểu biết thông thường hoặc chỉ đơn giản là dấy lên sự hoảng loạn thì nó sẽ dễ tiếp thị hơn. Đó là lý do các hiệu sách tràn ngập những cuốn sách về mẹo hay để có cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc mọi thứ bạn biết cho tới nay đều sai. Tuy nhiên, nếu không kiểm chứng thực tế, những cuốn sách này cũng giống như những nét vẽ được viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu, hoàn toàn không mang lại giá trị cho xã hội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.