Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm nóng tên lửa Guam: 'Tôi có thể chết ngày mai'

Cuộc sống ở đảo Guam không có gì bất thường trong những ngày Triều Tiên dọa phóng tên lửa đạn đạo đến hòn đảo này, trừ việc một số người chấp nhận họ "có thể chết ngay ngày mai".

Cuộc sống ở Guam những ngày làm 'hồng tâm' của tên lửa Cả người dân lẫn du khách đến Guam đều bình thản sống qua những ngày hòn đảo này bị Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Marco Martinez thu dây của chiếc cần câu bằng đôi bàn tay rắn chắc và thô ráp của anh. Vùng biển xanh ngọc mà Martinez chuẩn bị ra khơi cũng là nơi Triều Tiên dọa sẽ tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

"Nếu nó phải xảy đến, được rồi, nó sẽ đến, tôi chỉ cố gắng không nghĩ về nó", Martinez, một cư dân Guam 27 tuổi, nói với CNN.

Martinez và 160.000 người đảo Guam, lãnh thổ thuộc Mỹ trên Thái Bình Dương, đã quen sống với mối đe dọa từ Triều Tiên. Vào năm 2013, Bình Nhưỡng từ tuyên bố đưa Guam vào "phạm vi tấn công". Những căng thẳng gần đây một lần nữa đặt hòn đảo vào tâm điểm chú ý khi Triều Tiên tuyên bố sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công Guam vào giữa tháng này.

Trieu Tien doa tan cong Guam anh 1
Marco Martinez, 27 tuổi, câu cá ở Guam. Ảnh: CNN.

'Chúng tôi có thể chết ngay ngày mai'

Tên lửa của Bình Nhưỡng dự tính sẽ đáp ngoài bán kính 12 hải lý của lãnh thổ Guam nhưng trong vòng 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế, nơi những ngư dân Guam đánh bắt cá ngừ và cá cờ.

Tương tự Martinez, hầu hết người Guam mà CNN đã gặp không tỏ ra hoảng hốt. Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện rộng rãi tại đây với các căn cứ chiếm đến 1/3 diện tích hòn đảo và trong trạng thái chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. 

Thống đốc Guam Eddie Calvo nói rằng hòn đảo được bảo vệ bằng Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), vốn được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo. "Không có sự hoảng loạn nào ở Guam", thống đốc Guam cho biết.

"Chúng tôi không coi thường hay nói giảm đi. Chúng tôi hiểu các nguy cơ nhưng không muốn gây hoảng loạn cho mọi người. Chúng tôi cũng không muốn đi đến kết luận dựa vào lời nói", ông cho biết.

Dù vậy, Jodiann Santos, làm việc tại Bảo tàng Guam, nói rằng điều đó không có nghĩa là mọi người không lo lắng.

"Họ nói rằng hãy bình tĩnh và chúng tôi đã được bảo vệ tốt, nhưng thực tế là chúng tôi có thể ở đây hôm nay và chết đi ngay ngày mai", bà nói.

Trieu Tien doa tan cong Guam anh 2
Các quan chức đảm bảo rằng Guam đang được bảo vệ bằng THAAD. Ảnh: AFP.

Martinez vừa câu cá vừa nói rằng Triều Tiên luôn ám ảnh tâm trí dù anh cố không nghĩ về điều đó. Martinez cũng nói rằng anh không phải người duy nhất.

"Đôi lúc tôi nghĩ rằng mọi người sợ hãi nhưng họ không muốn thể hiện nỗi sợ, không muốn tỏ ra như thế", anh nói.

'Không gì khiến tôi rời bỏ nhà cửa'

Tại quán cafe tên Infusion, những nhân viên trẻ tuổi bỡn cợt về Triều Tiên và tỉ mỉ vẽ lớp kem phủ bên trên cốc latte.

"Chúng tôi không xem đó là chuyện lớn. Chúng tôi biết rằng vấn đề rất quan trọng, rằng họ sẽ phóng (vũ khí) đến đây bất cứ lúc nào... nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng tôi không quá lo lắng", Mark Alex, 26 tuổi, cho biết.

Trieu Tien doa tan cong Guam anh 3
Tại quán cà phê nơi Mark Alex làm việc, các nhân viên vẫn dành thời gian chăm chút cho ly cà phê giữa những câu chuyện về Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Khi khách hàng đổ vào quán để hớp một ngụm cà phê hoặc tìm một phần ăn trưa, người ta lại bắt đầu nói về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Dù vậy, câu chuyện của họ không giống điều mà các chính trị gia ở nước Mỹ lục địa đang nói tới, người ta lo lắng về những người thân đang lo âu hơn là cuộc tấn công có thể xảy đến.

"Phần lớn người sống ở đây đã từng nghe chuyện này. Tôi không thật sự lo lắng. Chúng tôi đã nói về chuyện này hơn 2 năm nay rồi", Aaron Burger, một người sống Guam hơn một thập kỷ, cho biết.

Mặt tích cực của vấn đề, nói như Burger, là thêm nhiều người Mỹ biết đến Guam, hòn đảo từng là thuộc địa của Tây Ban Nha cho đến khi người Mỹ nắm quyền vào năm 1898. 

Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy các cư dân đang rời đi, đặc biệt những người nói thổ ngữ Chamorro và những người đã sinh ra, lớn lên tại đây.

CNN cho biết du khách vẫn đổ về hòn đảo du lịch nổi tiếng này, đặc biệt là người từ Nhật Bản và Hàn Quốc, và không có dấu hiệu hủy phòng đồng loạt nào khi các khách sạn tại Guam vẫn kín chỗ.

Trieu Tien doa tan cong Guam anh 4
Du khách vẫn đổ đến Guam. Ảnh: AFP.

Dù sao, Guam cũng không xa lạ với các cuộc xung đột. Phát xít Nhật đã chiếm đóng ở đây trong Thế chiến thứ 2, biến nơi đây thành lãnh thổ duy nhất thuộc Mỹ từng bị xâm chiếm.

"Nếu cha ông chúng tôi có thể vượt qua, chúng tôi cũng có thể", bà Santos, một người sinh ra ở Guam, nói.

"Không gì ngoài chúa có thể khiến tôi rời bỏ nhà mình".

Nói được làm được, Triều Tiên không đùa về năng lực hạt nhân

Các cơ quan tình báo cuối cùng đã phải nhìn nhận nghiêm túc về năng lực của Triều Tiên sau báo cáo mới đây cho biết nước này có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Thiên đường nhiệt đới Guam - mục tiêu mới của tên lửa Triều Tiên

Với vị trí chiến lược của Guam, Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn thiên đường du lịch này khỏi nguy cơ bị tấn công từ tên lửa Triều Tiên.

Phương Thảo

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm