Sau thông tin về loài cá động đất - cá mái chèo, giáo sư Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh vật học cho biết, Việt Nam từng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài cá lạ.
Cá mang bộ phận sinh dục trên đầu có tên khoa học là Phallostethus cuulong được phát hiện tại sông Cửu Long, Việt Nam. Điểm đặc biệt của loài này là con đực có bộ phận sinh dục nằm phía dưới đầu và chìa ra một “cái lưỡi cưa” để dễ dàng giao phối với con cái.
Cá Phallostethus cuulong có bộ phận sinh dục tại đầu. Ảnh: National Geographic |
Cá Phallostethus cuulong được một nhà khoa học của Quỹ Môi trường Tự nhiên Nagao (Nhật Bản) phát hiện vào tháng 7/2009. Cá đực có chiều dài cơ thể khoảng 2 cm, giao phối với con cái bằng cách phần đầu của chúng đặt gần nhau, tạo thành một góc 45 độ.
Hiện chưa có quan sát nào được ghi nhận về hoạt động giao phối của loài sinh vật kỳ lạ này. Song, các nhà khoa học dự đoán hoạt động đó dựa trên quan sát cấu trúc cơ thể, có so sánh với các loài tương tự vẫn sử dụng các bộ phận cưa và roi trong việc lôi cuốn con cái vào mùa sinh dục.
Cá sấu hỏa tiễn tại Vĩnh Long. Ảnh: Thành Nhàn. |
Cá sấu hỏa tiễn với hình thù kỳ quái như có vẩy rắn, đầu cá sấu, thân hình trơn như cá lóc. Con cá lạ trong ảnh được anh Nguyễn Thành Nhàn (thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) dùng vợt bắt được trên sống Hậu vào tháng 5/2012. Khi bị bắt, cá nặng hơn 2 kg và thường phát ra tiếng kêu “khẹc, khẹc”.
Thạc sĩ Võ Văn Quang, Viện Hải dương học, xác nhận loài cá có tên khoa học là Spotted gar - cá sấu hỏa tiễn. Cá sấu hỏa tiễn là loài cá nước ngọt, có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở vùng Bắc Mỹ.
Ở Việt Nam loài Spotted gar còn có các tên gọi khác như cá nhái đốm, cá Phúc Lộc Thọ. Cá sấu hỏa tiễn thường được dân nuôi cá cảnh cả nước săn lùng để nuôi trong các bể cá làm cảnh. Dù trong môi trường chật hẹp, cá sấu mõm dài vẫn có thể đạt chiều dài 1 m và đạt trọng lượng 5-7 kg trong vài năm.
Cá lóc Ophicephalida. Ảnh: Báo Hòa Bình. |
Cá “đầu rắn, lưỡi lợn” được anh Bùi Văn Nguyện (xã Mỹ Hoà, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bắt trong lúc bơm nước suối vào cuối năm 2012. Anh Nguyện cùng 2 người bạn phải mất 30 phút mới khống chế con cá lạ này.
Cá thuộc loại da trơn, đầu giống rắn, mình và đuôi như con cá chạch; dài 1,14 m, nặng 4,2 kg. Cá còn có lưỡi giống như lưỡi lợn.
Sau khi nhận được thông tin, tiến sĩ ngư học Nhezdoli B.K của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga cho biết, cá thể trên có thể thuộc họ cá lóc Ophicephalidae. Họ cá lóc sống chủ yếu ở tầng đáy, phân bố ở hầu hết các ao hồ, sông suối ở Việt Nam. Đầu của chúng bẹt so với thân, vảy tạo vân màu nâu xám xen lẫn với những chỗ màu xám nhạt, lưng có màu đen ánh nâu.
Cá cóc thằn lằn có 4 chi. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. |
Cá cóc lai thằn lằn có 4 chi được cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) phát hiện vào tháng 8/2014. Khu vực phát hiện ra loài cá này có độ cao trên 500 m so với mực nước biển.
Loài này có hình dạng giống thằn lằn màu nâu sẫm, toàn thân có nốt sần nhỏ. Phía mặt dưới bụng có những nếp nhăn nằm ngang xếp thẳng hàng nhau. Chi trước có 4 ngón, chi sau có 5 ngón. Mặt dưới các ngón và rìa phía dưới của đuôi nhọn dài có màu cam.
Các nhà khoa học xác định đây là một loài lưỡng cư sống cả trên cạn và dưới nước. Chiều dài thân khoảng 8-11 cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng. Giữa sống lưng của cá có gồ nổi kéo dài tiếp nối với đuôi hai bên sườn và có nhiều khối u tròn lồi khá lớn chạy từ chi trước đến gốc đuôi.