ChatGPT có thể là công cụ giúp tư vấn bệnh trong tương lai. Ảnh: WGMI Media. |
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học thuộc một loạt trường đại học bao gồm California, John Hopkins… và đăng tải trên tạp chí khoa học JAMA Intern Med. Nhóm các nhà khoa học này đã hỏi chatbot của OpenAI bộ 195 câu hỏi được đăng tải trên mục AskDocs của diễn đàn Reddit, sau đó đánh giá những phản hồi so với các câu trả lời của chuyên gia sức khỏe online trên nền tảng này.
Chiến thắng của ChatGPT trước bác sĩ thật
Một nhóm bác sĩ khoa nội, khoa nhi, khoa ung thư và bệnh truyền nhiễm đã kiểm định và chấm điểm câu trả lời của chatbot AI và chuyên gia ngoài đời trên thang điểm 5, dựa trên hai tiêu chí chính là chất lượng thông tin và độ đồng cảm với bệnh nhân.
Theo nghiên cứu, các bác sĩ đánh giá cao 78,6% phản hồi trong số 585 phản hồi của chatbot hơn các chuyên gia sức khỏe online. Điểm tổng về mặt chất lượng của ChatGPT cũng cao hơn gấp 3,6 lần so với các chuyên gia và gấp 9,8 lần nếu so về độ cảm thông với bệnh nhân.
Theo Business Insider, một lý do quan trọng giúp ChatGPT giành chiến thắng trong bài kiểm tra này chính là vì những câu trả lời của chatbot thường dài hơn và mang tính cá nhân cao hơn những phản hồi ngắn gọn, tiết kiệm thời gian của các chuyên gia online.
ChatGPT đưa ra lời khuyên y khoa tận tâm hơn cả bác sĩ thật. Ảnh: Unsplash. |
Đơn cử như khi bệnh nhân hỏi dính sơn vào mắt có bị mù không, ChatGPT đã trả lời như sau: “Thật lấy làm tiếc khi nghe tin bạn bị bắn sơn vào mắt” cùng với đoạn diễn dài dài 4 câu cùng với các chỉ định cụ thể để nhanh chóng làm sạch mắt. Trong khi đó, các chuyên gia online chỉ bảo rằng: “Bạn sẽ ổn thôi” và đưa ra lời khuyên ngắn gọn nên đi rửa mắt hoặc đến khoa cấp cứu chống độc.
Một câu hỏi khác đến từ bệnh nhân nổi u ở bộ phận sinh dục. Trong khi chuyên gia sức khỏe chỉ bảo không phải trường hợp nguy kịch và nên hẹn lịch khám trực tiếp với bác sĩ để dành chỗ sớm, phản hồi của ChatGPT lại dài 3 đoạn, phân tích chi tiết nguy cơ bị ung thư ở bộ phận này.
“Điều quan trọng là phần lớn khối u hay mụn nhọt xuất hiện ở bộ phận sinh dục đều lành tính và không phải dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải đi khám khi phát hiện vùng u nào đó mới xuất hiện”, trích câu trả lời của chatbot AI.
Một người dùng khác ho khan liên tục sau khi bị đánh vào đầu cũng nhận được những lời tư vấn rất tận tâm như vậy. ChatGPT khuyên người này nên đến phòng cấp cứu để phòng ngừa trường hợp máu tụ khi đi vệ sinh.
Đừng để ChatGPT đánh lừa
Tuy nhiên, Business Insider khuyến cáo đừng để màn chiến thắng ngoạn mục của ChatGPT trong bài nghiên cứu này đánh lừa. Chatbot của OpenAI vẫn không thể thay thế bác sĩ thực thụ. Nó chỉ có thể đưa ra một số lời khuyên và chẩn đoán hữu ích cho người dùng mô tả về triệu chứng của mình trên Reddit. Trên thực tế, chưa chuyên gia nào thực hiện bất kỳ kiểm định để đánh giá độ chính xác của những câu trả lời này.
Nhưng không thể phủ nhận rằng phát hiện của các nhà khoa học đã cho thấy các bác sĩ có thể sử dụng những trợ lý AI như ChatGPT để nâng cao năng suất chữa bệnh, tiết kiệm thời gian để tập trung vào những ca bệnh phức tạp hơn.
Các chatbot AI sẽ giúp người dùng ít phải đến thăm khám tại các trung tâm y tế hơn, đồng thời thực thi công bằng xã hội trong khám, chữa bệnh cho những người khó tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhóm tác giả nghiên cứu trên kết luận.
GPT-4 đã xuất sắc vượt qua kỳ thi cấp phép y tế của Mỹ, có thể chẩn đoán bệnh. Ảnh: Adobe Stock. |
Theo Business Insider, các chatbot thường diễn giải và chẩn đoán một cách cụ thể về nhiều nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng chẩn đoán sai và tăng hiểu biết y khoa của bệnh nhân.
Trước đó, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Internal Medicine của Tiến sĩ Teva Brender tại Đại học California cũng chỉ ra các chatbot trí tuệ nhân tạo có thể giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian bằng cách hỗ trợ thông báo kết quả khám đến người bệnh, kê đơn thuốc, lập hồ sơ bệnh án…
Theo Tiến sĩ vật lý và khoa học Isaac Kohane của Đại học Harvard, chatbot GPT-4 mới nhất của OpenAI thậm chí còn có thể đề xuất một số mẹo cho bác sĩ để trao đổi thông tin với bệnh nhân một cách rõ ràng và tỏ thái độ đồng cảm hơn.