100.000 lượt khách mỗi tháng
18h thứ bảy, tại tầng hầm B1 khu thương mại CT Plaza, quận Tân Bình (TP.HCM), khu vui chơi TiniWorld do công ty cổ phần dịch vụ thương mại Thiếu Nhi Mới (Nlink) đầu tư đông nghẹt khách.Tại đây đang tổ chức hai tiệc sinh nhật với sự tham dự của gần 40 trẻ em. Bên ngoài khu vực tổ chức tiệc, khoảng 60 em các độ tuổi đang vui chơi... Nhiều em chạy đi chơi, trên tay cầm một bịch nilông to đựng đầy đồng xu kim loại dành để chơi ở các trò chơi có trả phí. Địa điểm rộng 900m2 này là một trong 20 địa điểm mà Nlink đã đầu tư trong bốn năm qua với diện tích 300-2.500m2 ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Hạ Long, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Ninh Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Tại các điểm vui chơi của TiniWorld đều được chia ra thành hai khu vực, 60-70% dịch vụ miễn phí, còn lại 30-40% phải trả phí, giá vé vào cửa 60.000 đồng/trẻ, người lớn đi kèm 10.000 đồng/người. Đại diện TiniWorld cho biết trung bình mỗi tháng 100.000 lượt khách trẻ em đến vui chơi trên toàn hệ thống.
Phụ huynh mua vé vào cổng cho trẻ tại KizCiti. |
Mặc dù mới ra đời từ cuối năm 2011 nhưng khách đến đã đông ngay trong những tháng đầu tiên hoạt động. Các ngày trong tuần khu giải trí kết hợp giáo dục hướng nghiệp KizCiti đón không dưới 1.000 lượt khách 3-15 tuổi từ các trường mầm non, tiểu học đến tham gia những trò chơi theo kiểu vừa chơi vừa học với hơn 30 chủ đề nghề nghiệp: doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, tiếp viên hàng không, người mẫu, công nhân, nông dân, vận động viên...
Chiêu kéo khách
Theo các nhà đầu tư, việc đầu tư mô hình kinh doanh dịch vụ giải trí cho trẻ em ngay trong các siêu thị, trung tâm thương mại... là tiện lợi nhất vì thỏa mãn được các nhu cầu vui chơi của cả gia đình, có thể ăn uống cùng nhau sau khi đưa con trẻ đi chơi, mua sắm... Hơn nữa, các trung tâm thương mại, siêu thị có diện tích lớn, có thể thuê mặt bằng lâu dài nếu diện tích rộng sẽ được giảm giá.
Đại diện TiniWorld cho biết, họ là đối tác quan trọng của chuỗi siêu thị Co.op Mart, vì vậy trong hơn 60 siêu thị sẽ được thay đổi diện mạo sắp tới của Co.op Mart, TiniWorld sẽ thuê mặt bằng tại 10 siêu thị.
Chủ đầu tư một thương hiệu dịch vụ giải trí cho trẻ em cho biết, cách thức marketing của công ty cũng không có gì mới hơn các nhà đầu tư khác “tiếp cận trực tiếp các trường học để lấy nguồn khách với số đông”. Các chương trình, hoạt động, khuyến mãi của khu vui chơi đều được khéo léo kèm vào sổ liên lạc, sổ báo bài... của học sinh. Một em đã đi rồi sẽ truyền tai cho em khác, em này cũng muốn đi... thế là cả trường cùng đi. Ông Hưng cho biết thống kê từ hệ thống máy tính ở KizCiti đã có trường hợp khách hàng trong năm 2012 đến đây chơi hơn 80 lần.
20 triệu khách hàng tiềm năng
Trẻ em tập làm phi công khi đi chơi tại KizCiti. |
Ông Lê Quang Hưng cho biết, trong năm 2012 khu vui chơi này đón hơn 200.000 lượt khách, nhưng kiểm tra kỹ lại có khoảng 40.000-50.000 lượt khách “ruột” đến chơi nhiều lần, “chưa đến 5% tổng số trẻ em tại TP.HCM”. Không chia sẻ doanh thu và lợi nhuận cụ thể của KizCiti nhưng theo ông Hưng kế hoạch kinh doanh xác định trong thời gian đầu công ty sẽ phải lỗ, nhưng kết thúc năm hoạt động đầu tiên các cổ đông đều rất vui vẻ và tiếp tục đầu tư ra Hà Nội.
Theo tính toán, với giá vé trọn gói vào ngày thường ở đây 180.000 đồng/khách và 220.000 đồng/khách cuối tuần, lễ (người lớn đi kèm trả thêm 20.000 đồng/khách), mỗi ngày khu vui chơi này thu không dưới 250 triệu đồng, mỗi tháng thu vào ít nhất 7 tỉ đồng, đó là chưa kể các chi phí đóng góp, hỗ trợ mà những đối tác là các doanh nghiệp tham gia hợp tác ở đây.
Sau bốn năm xuất hiện, Nlink đã xây dựng một hệ thống 20 trung tâm TiniWorld. Năm 2011 nơi này đón 200.000 lượt trẻ đến chơi trong toàn bộ hệ thống, đến năm 2012 đã có 800.000 lượt, năm 2013 dự kiến 1 triệu lượt, thống kê từ hệ thống này cho thấy trung bình mỗi trẻ em có thêm 1,5 người lớn đi cùng. Chỉ tính riêng tiền vé vào cổng trung bình 45.000 đồng (tùy vị trí mà giá vé dao động 30.000-60.000 đồng/trẻ em, 10.000 đồng/người lớn) trong năm 2012 Nlink đã thu về 36 tỷ đồng.
Tiềm năng còn lớn
Mô hình đầu tư giải trí, giáo dục cho trẻ em đang nở rộ ở Việt Nam thực tế đã phát triển ở nhiều nước. Một nhà đầu tư cho biết ban đầu ông cũng ra nước ngoài khảo sát, tìm hiểu các mô hình này và chọn được một hướng đầu tư tốt. Khi liên hệ với công ty này ở Malaysia, nghe họ “hét” cần có 17 triệu USD để đăng ký sử dụng thương hiệu, tư vấn cách thức hoạt động... chưa kể 25 triệu USD đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng... “ông chạy mất dép” để rồi tự mày mò, sáng tạo đầu tư một mô hình riêng của mình.
Bà Nguyễn Quế Anh, tổng giám đốc công ty cổ phần HimLam phát triển trí tuệ trẻ em Việt, chủ đầu tư mô hình giải trí giáo dục Vietopia (quận 7), cho biết công ty đã đầu tư hơn 25 triệu USD cho công trình rộng hơn 3ha với khoảng 70 ngành nghề và 100 hoạt động hướng nghiệp sẽ khai trương vào tháng 12 này.