Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội ở nhiều mức độ, TP.HCM chính thức từng bước vào lộ trình mở cửa, hướng tới bình thường mới.
Sáng 30/9, UBND TP.HCM thông báo lộ trình mới điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.
8 nhóm hoạt động được mở lại
Các cơ quan, đơn vị được hoạt động phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
Sau đó, các đơn vị phải quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ (hoặc ứng dụng PC-COVID).
1. Cơ quan, đơn vị Nhà nước được hoạt động với số lượng nhân sự phù hợp.
2. Cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở tại TP.HCM.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; cơ sở dịch vụ y tế; cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
4. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ.
13 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hoạt động trở lại:
- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.
- Công trình giao thông, xây dựng.
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ gồm:
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm.
+ Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.
+ Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu.
+ Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp.
+ Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
- Dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ tiện ích công như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới - hỏi; dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ.
- Hoạt động của văn phòng, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài nước, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại thành phố.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, tư vấn thẩm định giá, kiểm toán, dịch vụ tài chính, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý - thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai), chứng khoán; dịch vụ cầm đồ.
- Bưu chính, viễn thông; in, xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; doanh nghiệp lịch; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; cửa hàng điện máy; cửa hàng mắt kính; cửa hàng thời trang, may mặc; cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức.
- Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi; với nhà hàng trong cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm).
- Cơ sở lưu trú, nghỉ dướng, tham quan du lịch, dịch vụ khác phục vụ khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất, phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.
- Các hoạt động khác phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
5. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao:
- Tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch, mỗi nhóm tham quan tối đa 10 người cùng một thời điểm.
- Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.
- Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người.
- Tổ chức đám tang, đám cưới, tối đa 20 người cùng thời điểm.
6. Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục dạy - học gián tiếp qua Internet, qua truyền hình. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn (phải hoạt động lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người...).
7. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
8. Hoạt động tập trung:
- Trong nhà tối đa 10 người; nếu người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
- Ngoài trời tối đa 15 người; nếu người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.
- Các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng
- Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động).
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ trường hợp được phép hoạt động).
Giao thông hoạt động thế nào?
Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố.
Vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.
Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.
Shipper tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
TP.HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.
Người dân được yêu cầu gì?
Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID, và ứng dụng "Y Tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
TP.HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
Xét nghiệm, chăm sóc F0 ra sao?
Giai đoạn tới, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người nguy cơ cao, lực lượng sản xuất và cho trẻ em (khi có hướng dẫn và vaccine phù hợp).
Khu vực nguy cơ 3 (cam) và 4 (đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm như trước đây để bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh. Bên cạnh đó, TP.HCM xét nghiệm tầm soát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, giám sát có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao. TP khuyến khích doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh định kỳ.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được yêu cầu đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và xem xét, điều chỉnh mức độ giãn cách, mở rộng hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
Việc phong tỏa làm theo điểm, ở quy mô nhỏ nhất. Địa phương thường xuyên lập đoàn/tổ kiểm tra liên ngành để xử lý các trường hợp vi phạm.
TP.HCM yêu cầu ban hành quy trình xử lý khi có F0 trong cộng đồng và khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác để đảm bảo an toàn mà không làm gián đoạn các hoạt động. Mọi nguồn lực được huy động tham gia chăm sóc F0 tại nhà như tổ chức thiện nguyện, phòng khám, nhà thuốc, bác sĩ gia đình...
Mô hình 3 tầng điều trị tiếp tục được duy trì. Bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa nghiên cứu lập "Khoa Covid-19".
Thành phố sử dụng ứng dụng của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải.
Về an sinh xã hội, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch Covid-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người lực giúp đỡ người khó khăn. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2.