Một số quy định trong dự thảo của Bộ Y tế chưa phù hợp với tình hình TP.HCM là lý do để TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế riêng về mở cửa kinh tế sau 1/10. Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM xin cơ chế riêng nhằm phù hợp với tình hình của một đô thị hơn 10 triệu dân.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ mở cửa từ 1/10 và phải căn cứ theo dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19” của Bộ Y tế. Nếu căn cứ theo chỉ số phân loại vùng nguy cơ, TP.HCM đang ở cấp độ dịch thứ 3. Tuy nhiên, nếu không đạt được chỉ số 1 về ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, TP.HCM sẽ phải nâng lên cấp độ 4.
Nhìn vào hướng dẫn của Bộ Y tế và những kiến nghị của TP.HCM, TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng TP.HCM không nhất thiết cần cơ chế đặc thù để mở cửa mà có thể tận dụng tốt quy định trong dự thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”.
Mức độ đáp ứng của TP.HCM với 5 chỉ số đánh giá cấp độ dịch theo Bộ Y tế:
Chỉ số bắt buộc:
1. Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine - CHƯA RÕ
2. Tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng - ĐẠT
3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng trong điều trị F0, bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh dự báo ở cấp độ 4 - ĐẠT
Chỉ số phân loại: CẤP 3, nếu không đạt chỉ số 1 thì nâng lên CẤP 4
4. Số ca mắc mới tại cộng đồng trên 100.000 dân mỗi tuần - >150
5. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine - trên 95%
Bảo vệ nhóm trên 50 tuổi khi mở cửa
- Ông đánh giá thế nào về dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Bộ Y tế vừa ban hành?
- Tôi không đồng ý về việc sử dụng chỉ số ca mắc mới (F0) tại cộng đồng/100.000 dân (chỉ số 4) như “chỉ thị màu” để đánh giá mức độ dịch bệnh, nhất là khi chúng ta đã từ bỏ “Zero Covid”. Đây là chỉ tiêu quan trọng nhưng dùng làm cơ sở để quyết định nới lỏng giãn cách thì không thực sự phù hợp vì đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Hơn nữa, số lượng ca nhiễm phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp xét nghiệm, nếu phương pháp xét nghiệm khác nhau, vùng lấy mẫu khác nhau thì số ca nhiễm ghi nhận được cũng sẽ khác nhau.
Thêm vào đó, con số này rất dễ bị làm “sai lệch”. Đo lường chính xác số ca F0 trong bối cảnh dịch bệnh đã ngấm sâu, lan rộng đòi hỏi nguồn lực và chi phí rất lớn (xét nghiệm diện rộng, liên tục, nhất quán…) nhưng kết quả vẫn có thể thiếu chính xác.
Giả sử một cách cực đoan, hai tuần trước khi công bố các chỉ số này, địa phương dừng không xét nghiệm nữa thì tiêu chí về F0 sẽ đạt ngay lập tức. Do đó, chúng ta cần kết hợp với các chỉ số đáng tin cậy hơn như số ca bệnh nặng, số ca tử vong hoặc số bệnh nhân tầng 2, 3 trong mô hình điều trị 3 tầng.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: HMC. |
Điều làm thành phố bối rối nhất có lẽ là nguy cơ không đạt chỉ số về tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên. Việc TP.HCM xin ngoại lệ cũng chủ yếu liên quan đến chỉ số này. Tôi cho rằng chỉ số này rất quan trọng bởi nó liên quan mật thiết đến mục tiêu hạn chế ca tử vong do Covid-19 và nguyên tắc “an toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn”.
Nếu nhìn kỹ lại, việc đưa ra tỷ lệ tiêm đủ liều cho 80% người từ 50 tuổi trở lên là có cơ sở.
Thứ nhất, mục tiêu của giãn cách là giảm tương tác, tiếp xúc. Việc nới lỏng giãn cách tất yếu dẫn tới gia tăng tiếp xúc, làm tăng khả năng lây nhiễm nên số ca nhiễm cũng sẽ tăng lên, làm tăng nguy cơ cho cả nhóm rủi ro thấp cũng như rủi ro cao. Chính quyền có thể yêu cầu nhóm rủi ro cao (người già, bệnh lý nền…) không ra ngoài; tuy nhiên, những người thân của họ vẫn sẽ ra đường tiếp xúc và mang mầm bệnh về nhà.
Việc bảo vệ nhóm trên 50 tuổi khi mở cửa là rất quan trọng, để tránh số ca bệnh nặng, dẫn tới quá tải hệ thống y tế.
TS Vũ Thành Tự Anh
Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ nhóm rủi ro cao. Trong đó, nhóm trên 50 tuổi rất quan trọng vì tỷ lệ tử vong do Covid-19 của nhóm này tại TP.HCM là khoảng 87%.
Thứ hai, nhóm người trên 50 tuổi vẫn đang làm việc nên sẽ tăng tiếp xúc, nguy cơ phơi nhiễm cao hơn so với nhóm trên 65 tuổi, vì vậy nguy cơ chuyển nặng và tỷ lệ tử vong cũng cao.
Thứ ba, hãy nhìn vào Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với hơn 80% dân số tiêm đủ mũi vaccine, nhưng số ca vẫn tăng và quốc gia này phải tính chuyện tiêm mũi thứ 3 cho người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là người có bệnh lý nền. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ nhóm trên 50 tuổi khi mở cửa để tránh số ca bệnh nặng và tử vong tăng, dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Mở cửa ra thiếu an toàn để rồi phải đóng cửa lại là điều không ai muốn.
Từ các luận cứ trên có thể thấy chỉ tiêu về vaccine cho người trên 50 tuổi có cả cơ sở khoa học và thực tiễn. Do đó, tôi cho rằng chỉ tiêu này không chỉ rất khó để “thương lượng” thêm với Trung ương mà cũng không nên điều chỉnh giảm nhẹ vì chính sự an toàn cho người dân và sự mở cửa bền vững cho nền kinh tế thành phố.
Ngoài ra, tôi muốn lưu ý thêm là giai đoạn này xuất hiện một nhóm rủi ro hiện hữu nữa là trẻ em - những người từ 18 tuổi trở xuống. Trước đây, khi nhiều người chưa được tiêm chủng, tức “vật chủ” còn nhiều, thì virus sẽ tấn công những “vật chủ” dễ bị tổn thương hơn. Đến nay, đa số người trên 18 tuổi đã được tiêm chủng. Như vậy, trẻ em trở thành những “vật chủ” chưa được bảo vệ nên đây sẽ là nhóm phải chịu rủi ro cao hơn trước đây.
Có thể mở cửa kinh tế tới 2/3 khu vực địa lý
- Theo điều ông chỉ ra ở trên, phải chăng TP.HCM nên tiếp tục chờ đến khi đạt tiêu chí tiêm cho 80% người trên 50 tuổi rồi mới mở cửa?
- Đến 1/10, TP.HCM cần mở cửa vì nếu không, hệ lụy kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh sẽ rất lớn. TP.HCM đã giãn cách hơn 4 tháng và ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân đều đã tới hạn. TP.HCM đang ở trạng thái nếu không mở cửa, kinh tế sẽ suy sụp, doanh nghiệp sẽ “chết”, sức khỏe tinh thần của người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Điều TP.HCM cần xin là vaccine thay vì cơ chế đặc thù. Vaccine là bài toán căn cơ và bền vững.
TS Vũ Thành Tự Anh
Do đó, điều quan trọng là TP.HCM cần kiến nghị Trung ương ưu tiên gấp rút cấp vaccine để tiêm phủ mũi 2 cho 80% người trên 50 tuổi. Với kinh nghiệm tiêm vaccine thời gian qua, TP.HCM có thể dễ dàng tính được số lượng vaccine cần thiết và mốc thời gian để hoàn thành tiêm cho nhóm này.
Đến nay, khoảng 95% người dân TP, bao gồm cả nhóm từ 50 tuổi trở lên, đã được tiêm 1 mũi vaccine. Theo ước lượng của tôi, với 660.000 liều Pfizer và AstraZeneca vừa có tuần trước, nếu TP phân bổ hợp lý, ưu tiên cho nhóm từ 50 tuổi trở lên thì đến 30/9 mức độ bao phủ mũi 2 cho nhóm này có thể đạt trên 50%.
Như vậy, TP.HCM sẽ cần thêm khoảng 540.000 liều vaccine để tiêm phủ 80% cho nhóm 50 tuổi trở lên, và 900.000 liều để tiêm được 100% cho nhóm này. Với tốc độ tiêm hiện nay, 200.000-300.000 mũi/ngày, TP dễ dàng đạt mục tiêu trên trong 1 tuần.
TP.HCM cần ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ nhóm rủi ro cao nhất. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong khi chờ được hỗ trợ vaccine khẩn cấp, ngay cả khi phải giữ nguyên các chỉ tiêu hiện nay như trong hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế thì TP.HCM vẫn có thể mở cửa ở một chừng mực tương đối lớn.
Nhìn lại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, cần lưu ý một điểm rất quan trọng là quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng hiện ở cấp quận huyện, phường xã, thậm chí thu hẹp đến tổ/đội, khu dân cư, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn. Như vậy, hướng dẫn của Bộ Y tế không căn cứ vào phạm vi chung toàn thành phố mà áp dụng theo khu vực địa lý ở nhiều cấp độ.
Tỷ lệ vùng xanh và cận xanh tại TP.HCM khá cao, chiếm 72%. bản đồ Covid-19 TP.HCM ngày 27/9. |
Căn cứ số liệu phân vùng theo tổ dân phố trên bản đồ Covid-19 của Sở Thông tin và Truyền thông, TP.HCM có 72% khu vực xanh và cận xanh (cấp độ 1), 11% tổ dân phố vàng (cấp độ 2), 6% vùng cam (cấp độ 3), và 10% vùng đỏ (cấp độ 4). Còn 1% chưa xác định, kể cả coi 1% này là vùng đỏ thì TP.HCM cũng đã có tới 72% khu vực có thể mở cửa ở cấp độ bình thường hoặc cận bình thường mới.
Bên cạnh đó, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đã nới lỏng, cho phép rất nhiều hoạt động ở cấp độ cá nhân cũng như tổ chức, kinh doanh dịch vụ ngay cả khi đang ở cấp 4, thậm chí nhiều hoạt động cấp 3-4 gần như tương đương, miễn là đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch tễ theo quy định.
Điều này có nghĩa là nếu phân bổ lượng vaccine đang có một cách khéo léo, khoa học thì TP.HCM có thể mở cửa tới 2/3 khu vực địa lý và những hoạt động quan trọng nhất từ 1/10. Trong nguồn lực hiện hữu, thành phố hoàn toàn có thể mở cửa và vẫn đáp ứng các yêu cầu của Bộ Y tế.
Do đó, điều TP.HCM cần xin là vaccine thay vì cơ chế đặc thù.
Việc xin ngoại lệ vừa gây “khó xử” cho Trung ương, vừa khiến quá trình mở cửa chậm lại bởi việc soạn thảo một văn bản ngoại lệ mới có thể mất vài tuần. Thêm nữa, điểm hay của chỉ số về vaccine là nó chỉ có tăng chứ không giảm, một khi TP.HCM đã đạt chỉ số đó rồi thì sẽ không bị xuống cấp vì chỉ số này nữa, đồng thời gián tiếp hỗ trợ kiểm soát, kéo giảm các chỉ số khác. Vaccine mới là bài toán căn cơ và bền vững.
Không nên áp dụng một chỉ thị "đồng phục"
- Nhìn vào quá trình mở cửa của một số quốc gia, chúng ta thường thấy có 2 cách tiếp cận là mở cửa theo ngành nghề hoặc theo khu vực dựa trên mức độ an toàn. Theo ông, TP.HCM nên chọn cách tiếp cận nào sau 30/9?
- Tôi cho rằng phải kết hợp cả mở theo ngành nghề và khu vực địa lý. Nhìn vào hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, quy mô áp dụng chỉ phân theo khu vực địa lý, nhưng đến phần phụ lục thì lại được chia theo các lĩnh vực, ngành nghề. Do đó, ngay từ hướng dẫn này đã phối hợp cả 2 cách tiếp cận.
TP.HCM có thể áp dụng biện pháp thích ứng tùy cấp độ, có thể xuống tới tổ dân phố.
TS Vũ Thành Tự An
Với những đối tượng khác nhau thì việc mở cửa, quay trở lại hoạt động sẽ khác nhau.
Ví dụ, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân thường chỉ gói gọn trong phạm vi địa bàn cư trú như đi tập thể dục, đi chợ, hay sử dụng dịch vụ như cắt tóc. Như vậy, với những hoạt động tại chỗ, TP.HCM có thể áp dụng biện pháp thích ứng tùy cấp độ, thấp nhất có thể xuống tới tổ dân phố. Những hoạt động này có thể căn cứ theo cấp độ dịch của địa bàn cư trú, do địa phương (phường/xã) quyết định.
Tuy nhiên, việc người dân di chuyển giữa các vùng nguy cơ khác nhau như đi làm hay thăm thân nhân sẽ dẫn đến khả năng lây nhiễm chéo. Do đó, các hoạt động di chuyển giữa các vùng nguy cơ khác nhau thì cần quyết định trên một cấp. Cụ thể, hoạt động liên phường thì quận quyết định; liên quận, huyện, TP Thủ Đức thì TP.HCM quyết định; và liên tỉnh thì Trung ương quyết định. Khi đó, thẻ vàng, thẻ xanh, mà Thủ tướng đã chỉ đạo cần phát huy tác dụng để kiểm soát di chuyển liên địa bàn.
TP.HCM đang tiến hành gỡ nhiều chốt phong tỏa để chuẩn bị mở cửa từ 1/10. Ảnh: Chí Hùng. |
Bộ khung hoạt động theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế có chia cấp độ nguy cơ rõ ràng và cho phép linh hoạt đánh giá cấp độ dịch đến đơn vị thôn/xóm hoặc nhỏ hơn. TP.HCM có thể tham khảo cách thiết kế này.
Điều TP.HCM cần tránh là áp các quy định “được hay không được làm” một cách cứng nhắc chung cho tất cả địa phương (one-size-fits-all). Việc làm một chỉ thị “đồng phục” cho tất cả địa phương đối với những hoạt động đa dạng, thuộc phạm vi các cấp độ quản lý/ra quyết định khác nhau, trong khi mỗi nơi có cấp độ rủi ro khác nhau là không phù hợp.
Đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ việc áp dụng biện pháp thích ứng theo quy mô rất nhỏ, Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phong tỏa hẹp nhất có thể.
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch là 72 giờ, tức TP.HCM phải công bố các biện pháp giãn cách sau 1/10 chậm nhất vào ngày 28/9. Giả định rằng nếu đến 28/9, TP.HCM chưa thể xin được cơ chế đặc thù từ Trung ương thì thành phố sẽ mở cửa thế nào?
- Việc cần làm ngay là phân bổ vaccine thật hợp lý và tận dụng tối đa các “khoảng mở” trong hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế để lên kế hoạch mở cửa.
Về hướng dẫn cụ thể, điều người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất là đến ngày 1/10, mỗi cá nhân, tổ chức phải biết họ có thể và không thể làm gì. Để trả lời câu hỏi này, TP.HCM cần một bộ khung tương đối cụ thể.
Trên cơ sở đánh giá mức độ dịch bệnh và độ phủ vaccine của Sở Y tế, thành phố ban hành cấp độ dịch bệnh cho tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 312 phường xã theo 4 cấp độ, được hiển thị màu tương ứng là đỏ, cam, vàng, xanh. Mức độ dịch bệnh này nên được giữ ổn định trong vòng 2 tuần, khi có thay đổi sẽ có dự lệnh trước tối thiểu 72 giờ.
Ảnh chụp phụ lục 2 trong dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”. |
Các hoạt động của người dân và doanh nghiệp nên được trình bày theo dạng bảng, tương tự như phụ lục 2 trong hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế. Với cách trình bày này, mỗi người dân và doanh nghiệp, tùy thuộc vào khu vực địa lý và tình trạng cụ thể của mình sẽ biết rõ ràng họ được phép làm gì và không được phép làm gì.
Như đề cập ở trên, cần có quy định cụ thể cho các hoạt động cần thực hiện liên phường, liên quận (như thương mại, logistics...) để tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của người dân cũng như sự quản lý của các cơ quan chức năng như giao thông và công an. Quan trọng là làm thế nào để hỗ trợ cho hoạt động di chuyển của người dân và doanh nghiệp được thuận lợi, không gây ùn tắc.
Tóm lại, nếu TP.HCM có thể ban hành một chỉ thị phân định rõ các hoạt động được mở lại tương ứng với mỗi khu vực và ngành nghề thì với hướng dẫn của Bộ Y tế, TP vẫn có thể mở ra một tỷ lệ tương đối lớn. Đồng thời, để lộ trình mở cửa tiếp tục được thực hiện an toàn và bền vững, Trung ương cần nhanh chóng ưu tiên phân bổ vaccine cho TP, đáp ứng yêu cầu tối thiểu về tiêm phủ 80% cho nhóm 50 tuổi trở lên.