Nếu mưa kéo dài nhiều ngày sẽ khiến cho đường vành đai 3, đoạn đường qua Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hay qua phố Định Công (quận Hoàng Mai) có nhiều chỗ bị ngập. Các phương tiện đi qua khu vực này thường bị chết máy đột ngột do nước ngấm vào bu-gi. Dịch vụ sửa xe, lau khô bu-gi với giá 45.000 - 60.000 đồng/chiếc cũng nhờ thế mà kiếm bộn tiền.
Vũ Văn Bình, sinh viên chuyên ngành chế tạo máy một trường cao đẳng, lau bu-gi thời vụ vào những ngày mưa gần ngã tư Khuất Duy Tiến, cho biết, trung bình mỗi ngày, Bình lau bu-gi cho khoảng 30 chiếc xe máy, với giá 45.000 - 55.000 đồng/chiếc, thu về gần 2 triệu. Thời điểm đông khách nhất là lúc tan tầm, do lượng phương tiện lưu thông nhiều hơn.
Những ngày mưa gió, các phương tiện như xe máy, ô tô thường xuyên gặp sự cố. Ảnh: Quốc Huy. |
Cũng theo Bình, khách hàng phần lớn là phụ nữ hoặc các bạn trẻ là học sinh, sinh viên. Những người điều khiển phương tiện là nam giới đều ít nhiều biết cách xử lý khi xe chết máy, nên thường không cần đến dịch vụ này. Tuy nhiên, việc thu 5.000 - 10.000 đồng một lần cho mượn giẻ lau cũng giúp Bình bỏ túi kha khá, bên cạnh số thu về từ dịch vụ lau khô bu-gi kể trên.
Từ Thái Bình ra Hà Nội làm xe ôm hơn 4 năm nay, vào mỗi đợt mưa bão, ngập úng, anh Vinh lại nghỉ làm nghề chính, ra các đường lớn như vành đai 3 để chờ sửa xe máy ngập nước. Anh kể, 3 ngày cuối tháng Bảy, anh "xử lý" hơn 20 chiếc xe ngập nước, chết máy. Mức giá cho xe số là 50.000 đồng, xe ga 60.000 đồng/chiếc. Còn theo anh Lường Văn Mạnh, nhân viên rửa xe trên đường Phạm Văn Đồng, mỗi ngày, cửa hàng anh có ít nhất 6 -7 chiếc xe vào nhờ lau bu-gi. Các cửa hàng kế bên, lượng người dắt xe máy vào cũng khá đông.
Tại Hà Nội, công việc thời vụ nói trên không được ủng hộ, do mức giá "chặt chém", theo như nhận xét của nhiều người. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng dùng dịch vụ này đều cho rằng, xe chết máy lúc đường đông, nếu không xử lý kịp sẽ ảnh hưởng công việc của mình và người khác. Do đó, phần lớn người đi xe đều chấp nhập bị "chặt chém" gấp đôi, gấp ba so với dịch vụ tại các quán rửa xe.
Sau trận mưa, đoạn đường trên phố Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngập sâu. Nhiều xe chết máy chờ để được sửa, lau bu-gi. Ảnh: Quốc Huy. |
Chị Phạm Yến, bị hỏng xe, đang dùng dịch vụ này trên đường vành đai 3 cho biết, giá tại các điểm sửa xe ven đường chỉ khoảng 20.000 đồng/lần, nhưng phải dắt bộ khá xa. "Hơn nữa, xe thường chết máy vào lúc trời mưa nên đầu óc rối tung, chỉ mong làm cho xong. Nước lụt sâu, rất khó dắt xe nên phải để người ta sửa thôi", chị nói.
Ngoài lau bu-gi xe máy, vào những ngày mưa bất chợt, những dịch vụ ăn theo như bán áo mưa mặc một lần, dắt giúp xe... cũng nở rộ. Không quy định giá cụ thể, những dịch vụ nói trên khiến không ít người bức xúc vì phải sử dụng theo cách "không có đường lui". "Kinh nghiệm khi dùng những dịch vụ này là hỏi giá trước. Nếu không, rất có thể sẽ bị 'chém' cao gấp mấy lần mức bình thường", anh Quân, đã từng phải mua áo mưa đắt gấp 3 mức thường cách đây vài ngày cho biết.
Trong khi đó, những người làm dịch vụ ăn theo mưa bão nói trên lại có cách giải thích khác. Theo lời anh Chính, nhân viên một tiệm sửa xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng, việc đứng trong mưa gió, hì hụi lau bu-gi hay sửa xe cho người đi đường cũng khá vất vả, nên việc tính giá cao hơn bình thường là điều khó tránh.