Dịch vụ chụp ảnh Hàn Quốc những năm trước trở thành một trào lưu, thu hút rất nhiều bạn trẻ. Vài năm gần đây, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, tích hợp nhiều vô số ứng dụng chụp ảnh khiến “cơn sốt” chụp ảnh Hàn Quốc trở nên thoái trào. Những người đầu tư vào dịch vụ này phải dở khóc dở cười vì thua lỗ.
Trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) trước kia có 3 tiệm kinh doanh chụp ảnh Hàn Quốc nhưng nay không còn cửa hiệu nào. 2/3 tiệm đều chuyển sang kinh doanh photocoppy, còn một cửa hiệu trả lại mặt bằng. Anh Long, từng kinh doanh mô hình chụp ảnh Hàn Quốc, cho biết: “Ban đầu khi mới mua máy về khách đến chụp rất nhiều, tiệm hoạt động hết công suất, cả ngày chỉ lo chụp ảnh và rửa ảnh. Được 1 - 2 năm thì ế ẩm nên tôi đành bán lỗ để thu hồi vốn”.
Dịch vụ chụp ảnh Hàn Quốc không còn độ “hot” khiến nhiều chủ cửa hàng phải điêu đứng thua lỗ. |
Chung cảnh ngộ, cửa hàng Studio Minh Long và Lê Vân trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) năm 2009, bỏ số tiền gần 30 triệu đồng đầu tư phòng chụp nhưng chỉ được 1 năm là phải đóng cửa.
Tại trung tâm thương mại Citi Plaza trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 vẫn còn một cửa hàng chụp ảnh Hàn Quốc nhưng chỉ lác đác vài người tới chụp, nhân viên ở đây suốt ngày chỉ nghe nhạc và chơi game trên điện thoại. Trong khi đó, nhân viên của cửa hàng chụp ảnh Hàn Quốc tại một trung tâm thương mại ở quận 5 lại đang lo sợ mất việc vì nghe bà chủ sắp bán cửa hàng do kinh doanh ế ẩm không đủ tiền trả phí mặt bằng.
Cùng cảnh ngộ với chụp ảnh Hàn Quốc, các rạp chiếu phim 4D du nhập vào Việt Nam từ năm 2008 gây được sự chú ý của nhiều người vì tò mò. Các khu du lịch lớn đều bỏ tiền tỉ để đầu tư phòng chiếu 4D tiêu chuẩn. Nhiều nhà đầu tư nhỏ cũng bỏ tiền dựng phòng chiếu 4D mini ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, độ “hot” của loại hình kinh doanh này cũng chỉ có tuổi thọ hơn 4 năm.
Nhiều rạp phim 4D mini ra sức giảm giá để thu hút khách. |
Một buổi tối cuối tuần, quan sát rạp phim 4D mini trước trung tâm thương mại NowZone (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1) gần 2 giờ, chúng tôi đếm được có 5 đợt khách hàng, gồm 30 khách mua vé vào xem. Nhân viên cho biết số khách hiện nay giảm chỉ bằng 1/10 những năm trước. Tại rạp phim 4D mini trên đường Minh Phụng (quận 6) cũng ế ẩm tương tự.
Ở các rạp phim này, trước đây giá vé từ 40.000 - 80.000 đồng/lượt, nay giảm còn 30.000 - 55.000 đồng/lượt nhưng chẳng mấy khách hàng “mặn mà”. Lý do được các chủ rạp đưa ra là vì số lượng phim quá nghèo nàn nhưng không dám liều mình mua thêm phim mới vì sợ lỗ. Chuỗi hệ thống rạp phim 4D mini X-Rider được đầu tư bài bản cũng phải hợp tác các trang mua chung, deal... để giảm giá vé 80.000 đồng/1 xuống còn 39.000 đồng/vochuer/2 vé nhằm thu hút khán giả.
Bán mình về quê
Trước tình cảnh thoái trào của dịch vụ chụp hình Hàn Quốc, anh Lê Anh Trung, Giám đốc công ty TNHH Minh Quy, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực này, cho biết thời gian gần đây công ty anh thường mua lại các phòng chụp cũ để bán về các tỉnh. “Đơn hàng chủ yếu ở các siêu thị huyện, thị xã thuộc khu vực Tây Nguyên, Miền Trung, nơi mà loại hình dịch vụ này vẫn còn khá mới mẻ” - anh Trung nói. Mặc dù vậy, anh cũng không dám chắc dịch vụ này sẽ tồn tại được lâu dài ở các vùng quê.
Một số đơn vị kinh doanh phòng chiếu 4D mini cũng có ý định chuyển địa điểm kinh doanh về vùng nông thôn để tìm “đất sống”. Một số khác đành rao bán lỗ vì không hứng thú kinh doanh ở lĩnh vực này.