Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dịch vụ bắt cóc con với giá hàng chục nghìn USD

Ở Mỹ, Australia và các nước có nhiều cuộc hôn nhân đa sắc tộc, ngành công nghiệp bắt cóc trẻ em phát triển núp bóng những công ty chuyên đưa trẻ em trở về bên cha/mẹ sau ly hôn.

dich vu bat coc con anh 1

Theo New York Times, vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 2013, ông Stuart Dempster thuê một chiếc ôtô đi từ Bangkok đến thị trấn nông thôn Ban Phai phía đông bắc Thái Lan. Ông Dempster - một huấn luyện viên điền kinh 55 tuổi người Australia - được tháp tùng bởi một vệ sĩ cao lớn, vạm vỡ.

Hai người đàn ông chuẩn bị bắt cóc chính con gái của ông Dempster. Ông đã không gặp cô con gái 5 tuổi tên N. của mình trong gần một năm. Tại quê nhà ở Brisbane (bang Queensland, Australia), ông Dempster đồng ý bỏ ra vài nghìn USD để thuê vệ sĩ, ông Brad Stilla, tại hãng Child Recovery Australia.

Đó là một trong số ít công ty giúp cha mẹ đoàn tụ với con cái khi vợ/chồng của họ không cho gặp mặt. Sau vài giờ, chiếc xe đã tấp vào bên ngoài trường Holy Redeemer Ban Phai. Ông Dempster và ông Stilla đi về phía lối vào. Ông Dempster cảm thấy lo lắng như chuẩn bị thực hiện một hành vi tội phạm nguy hiểm.

Vào trong trường, ông hỏi thăm N. và được một giáo viên chỉ lên một lớp học trên tầng. Người đàn ông 55 tuổi tự hỏi liệu con gái có thể nhận ra mình không.

Kế hoạch bắt cóc con

Mười một tháng trước, vợ của ông Dempster - một phụ nữ Thái tên Atchariya Chaloemmeeprasert - đưa N. đến Ban Phai để thăm họ hàng. Đó là khoảng thời gian hôn nhân của họ không hạnh phúc. Chênh lệch nhau 24 tuổi, họ thường xuyên tranh cãi và ngủ riêng.

Trong chuyến đi đến Ban Phai, cô Atchariya không gọi điện về nhà. Vào ngày đáng lẽ phải bay về, chú của cô gọi điện báo với ông Dempster rằng cô Atchariya không muốn nói chuyện với ông nữa và dự định ở lại Ban Phai cùng con gái.

Thông thường, cảnh sát địa phương hoặc tòa án gia đình khó xử lý trường hợp cha/mẹ đưa con ra nước ngoài mà không có sự cho phép của người còn lại. Nhưng ở Australia, Mỹ và hàng chục quốc gia khác, người cha/mẹ bị bỏ lại có thể giành lại đứa trẻ theo quy định trong Công ước Hugue về các khía cạnh dân sự của nạn bắt cóc trẻ em quốc tế.

Những quốc gia thông qua công ước này đồng ý giải quyết các trường hợp bắt cóc bằng cách đưa trẻ em về "nơi ở thường xuyên". Tại đây, tòa án gia đình địa phương sẽ xác định quyền nuôi con.

dich vu bat coc con anh 2
Thị trấn nông thôn Ban Phai phía đông bắc Thái Lan. Ảnh: New York Times.

Hồi đầu năm 2013, ông Dempster liên hệ với Văn phòng Chưởng lý Australia để tìm cách đưa con gái trở về. Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ phức tạp và quá trình xử lý rề rà khiến ông thất vọng. Khi chính phủ Australia thảo luận vấn đề với Thái Lan, chính quyền địa phương tuyên bố không thể tìm thấy cô Atchariya.

Nhiều tháng trôi qua, ông Dempster bắt đầu tìm kiếm cách khác. Trên mạng, ông đọc được thông tin về những công ty chuyên truy tìm các đứa trẻ bị bắt cóc để lấy tiền. Một luật sư tại Văn phòng Chưởng lý Australia khuyên ông tránh xa những tổ chức này. Chúng thường vi phạm pháp luật, hối lộ cảnh sát và buôn lậu trẻ em qua biên giới.

Nhiều phụ huynh đã mất hàng chục nghìn USD cho các công ty lừa đảo hoặc vô lương tâm. Ngay cả việc thành công đưa những đứa trẻ trở về cũng có thể khiến chúng bị tổn hại tinh thần. "Hai sai không tạo thành đúng", vị luật sư nói với ông Dempster. Nhưng ông đã bị thuyết phục bởi Child Recovery Australia.

"Giúp con với! Con không thở được"

Vào cuối năm 2013, ông Dempster đến gặp nhà sáng lập công ty, một người đàn ông tóc bạc có tên Colin Chapman. Sau khi nghe câu chuyện của ông, ông Chapman mở hình ảnh về Ban Phai trên Google Earth và giải thích về cách lấy hộ chiếu mới cho con gái ông Dempster.

Nhà sáng lập Child Recovery Australia cho biết sẽ sắp xếp việc đưa con gái ông Dempster trở lại với số tiền khoảng 14.000 USD. Sau đó, ông ta bảo ông Dempster đến gặp ông Stilla ở Thái Lan.

Khi nhìn vào bên trong lớp học tại Holy Redeemer, ông Dempster lập tức tìm thấy N. ngồi ở chiếc bàn bên cạnh cửa sổ. Ông đi vào và bế cô bé ra ngoài, ông Stilla đi theo sau. Nhưng cảnh tượng hai người đàn ông ngoại quốc bế theo một đứa bé đã khiến trường Holy Redeemer náo loạn. Cô Taweerart Nilda, giáo viên trường Holy Redeemer, vội vã đi theo hai người đàn ông và hỏi chuyện gì đang xảy ra.

Nhưng ông Stilla gạt cô đi. "Họ bước vào như thể họ có quyền. Họ không quan tâm đến bất cứ điều gì", cô Taweerart nhớ lại. Khi ông Stilla ra ngoài đường, một đám đông đã vây quanh. Cô Taweerart bắt đầu kéo N. khỏi tay ông Dempster. Cô bé hét lên bằng tiếng Thái: "Giúp con với! Con không thở được".

dich vu bat coc con anh 3
Cô Taweerart Nilda, giáo viên cũ của N. tại trường Holy Redeemer. Ảnh: New York Times.

Cuộc đối đầu nóng lên và cảnh sát xuất hiện. Một nhóm giáo viên nam cố giành N. khỏi tay ông Dempster. "Bạn có thể giữ một đứa trẻ trong bao lâu? Đó là một cuộc giằng co. Con bé bị đau. Vì vậy tôi đã buông tay", ông Dempster kể lại.

Khi nghĩ về bắt cóc trẻ em, mọi người thường tưởng tượng ra những kẻ lạ mặt đi trên chiếc xe tải tối tăm, dụ nạn nhân nhỏ bằng kẹo. Nhưng hầu hết vụ bắt cóc trẻ em ở Mỹ xảy ra bên trong các gia đình. Năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cáo gần 500 trường hợp bắt cóc mới, trong đó cha mẹ đưa con mình ra nước ngoài.

Một phần nguyên nhân là số lượng lớn cuộc hôn nhân đa sắc tộc. Australia cũng có tỷ lệ bắt cóc trẻ em tương đối cao. Mỗi năm, có 140 bậc cha mẹ nộp đơn thông qua Công ước Hugue nhằm mục đích đưa con quay trở về. Tuy nhiên, đó là một quy trình pháp lý khá phức tạp khi một số quốc gia không tham gia công ước.

Ngành công nghiệp bắt cóc trẻ em

Và ngay cả khi cả hai nước đều tham gia, quá trình này cũng mất đến vài năm. Chính điều đó khiến một số bậc cha mẹ tìm đến con đường tắt. Đó là giành giật con cái của họ. Theo gần 50 cuộc phỏng vấn với các bậc cha mẹ, nhà tâm lý học, luật sư và quan chức, ngành công nghiệp này đầy rẫy nguy hiểm, từ những chiêu trò gian lận, ẩu đả đến các vụ vượt biên và bắt giữ quốc tế.

Các công ty như vậy thường can thiệp mà không nghe câu chuyện từ cả hai phía. Đôi khi, họ đưa trẻ em về với những người cha, người mẹ mà sau này bị mất quyền nuôi con trước tòa hoặc bị buộc tội bạo hành gia đình. Thêm vào đó, hành động bắt cóc sẽ để lại vết sẹo tâm lý kéo dài đến tuổi trưởng thành cho trẻ.

"Đó là một ngành công nghiệp không được kiểm soát. Chúng tôi thấy mọi thứ diễn ra rất sai lầm. Chúng là rủi ro lớn không chỉ về tài chính mà còn đối với sự an toàn của chính các bậc cha mẹ và những đứa trẻ", Vicky Mayes, phát ngôn viên của Reunite, một tổ chức từ thiện ở Anh chuyên giúp đỡ cha mẹ của những đứa trẻ bị bắt cóc, bình luận.

Trong những năm qua, một mạng lưới trung gian đã được hình thành. Đó là luật sư hoặc nhóm vận động kết nối các bậc cha mẹ với đại lý. Trong hơn một thập kỷ, Eric Kalmus, một doanh nhân ở Los Angeles không được gặp con sau khi chia tay vợ, đã đóng vai trò kết nối giữa những người cha bị bỏ rơi và các cựu chiến binh.

Những đặc vụ có kinh nghiệm quân sự này tuyên bố sẽ tìm lại các đứa trẻ. Với số tiền 1.500 USD, ông Kalmus dạy các ông bố cách thương lượng ngọt ngào với vợ của họ. Nếu thất bại, ông sẽ giới thiệu đến những "đặc vụ bắt cóc" ở Mỹ hoặc châu Âu.

dich vu bat coc con anh 4
Adam Whittington, một cựu quân nhân Australia, điều hành Công ty Child Abduction Recovery International ở Thụy Điển. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, các công ty thường tính phí cao hơn nhiều. Kerry Bartlett, nhân viên một bệnh viện ở London (Anh), bán căn nhà của mình để chi 60.000 USD nhằm đưa con trai và con gái trở về từ Cyprus vào năm 2017. Khi chúng trở về, cô không còn nhà và phải chuyển vào nhà trọ công.

Không lâu sau vụ ẩu đả ở Holy Redeemer, ông Dempster trở lại Brisbane và gọi điện cho Sean Felton, nhà sáng lập Abducted Angels, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên đưa ra lời khuyên và trợ giúp pháp lý cho những cha mẹ có con bị bắt cóc. Ông Gelton khuyên ông Dempster liên hệ với một "đặc vụ bắt cóc" có tên Adam Whittington.

Là một cựu quân nhân Australia, sau này làm cảnh sát ở London, ông Whittington điều hành Child Abduction Recovery International, một công ty có trụ sở tại Thụy Điển. Khi gọi đến ông Whittington, ông Dempster rất ấn tượng với phong thái điềm tĩnh và sự chuyên nghiệp ở đầu dây bên kia. "Tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi ngủ ngon hơn vào đêm hôm đó", người đàn ông Australia kể lại.

Hành động táo tợn

Trước khi nhận một khách hàng, ông Whittington tiến hành sàng lọc để loại bỏ những phụ huynh có hành vi bạo lực hoặc ngược đãi. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc kiểm tra lý lịch đầy đủ là không thể.

Vì vậy, ông Whittington còn dựa vào bản năng đã được mài giũa trong quá trình làm việc ở ngành cảnh sát. "Bạn có thể biết điều đó ngay cả khi chỉ nói chuyện với ông Dempster qua điện thoại. Ông ta hẳn là một người đàn ông đáng yêu", ông Whittington nói.

Thời gian đầu, cô Atchariya Chaloemmeeprasert cũng có ấn tượng tốt với ông Dempster. Cô gặp ông trên một trang web hẹn hò tên Thai Love Link khi mới 20 tuổi. Ông Dempster, lớn gấp đôi tuổi của cô và chưa từng kết hôn, hy vọng được làm quen với các cô gái Thái. Khi trở nên thân mật hơn, ông hứa sẽ đến thăm gia đình cô ở Ban Phai.

Hai người đính hôn tại Thái Lan và khi mang thai được khoảng 6 tháng, cô Atchariya đến sống với ông Dempster ở Wanganui, New Zealand. Phần lớn thời gian cô ở nhà chăm sóc N., trong khi ông Dempster huấn luyện điền kinh.

Cuộc hôn nhân giữa ông Dempster và cô Atchariya không giống nhau qua lời kể của hai người. Cô Atchariya nói rằng ông Dempster khác xa người đàn ông đã đến thăm cô ở Ban Phai. Ông ta thường xuyên tức giận, đập vỡ bát đĩa và bàn ghế, thậm chí đánh đập cô. Trong khi đó, ông Dempster phủ nhận việc từng đánh đập hay lừa dối vợ mình.

dich vu bat coc con anh 5

Trường học của N. ở Ban Phai. Ảnh: New York Times.

Ông Whittington lấy 12.000 USD từ ông Dempster trước khi tìm cách bắt cóc N. Sau vụ bắt cóc trước Giáng sinh, N. quay lại trường học ở Ban Phai và sống với đại gia đình trong một ngôi nhà hai tầng màu trắng có ban công. Ông Whittington đã đến Ban Phai và lắp đặt thiết bị theo dõi trên xe hơi của mẹ cô Atchariya.

Vào một buổi sáng, hai người đàn ông rón rén bước vào sân nhà cô Atchariya. N. đang ngồi ở cửa sau, trò chuyện với bà ngoại khi bà nấu bữa sáng tại một khu bếp ngoài trời. Khoảng 7h30 sáng, họ phóng thẳng vào ngôi nhà. "Cứ như thể chúng từ trên trời rơi xuống", bà ngoại N. kể lại.

Bà cố kéo N. lại gần nhưng ông Dempster nhanh chóng đẩy bà ra và túm lấy con gái. Cô Atchariya lúc đó đang ở trong nhà và chuẩn bị cho cháu trai đi học thì nghe thấy tiếng mẹ hét lên. Cô vội vã ra ngoài nhưng ông Dempster và ông Whittington đã biến mất.

"Trái tim tan vỡ"

"Nếu không tìm thấy con bé, trái tim tôi sẽ vỡ thành từng mảnh", cô Atchariya đau khổ. Linh tính mách bảo, cô Atchariya bắt xe đến Bangkok và tới Đại sứ quán New Zealand. Quả nhiên, ông Dempster và ông Whittington cũng đến đó để đóng dấu hộ chiếu của N. Các quan chức của đại sứ quán không cho phép cô vào.

Vì vậy, cô Atchariya gọi cảnh sát. Mãi đến khi đại sứ quán đóng cửa, hai người đàn ông mới xuất hiện. Tại đây, ông Whittington cố thuyết phục rằng ông Dempster sẽ chuyển đến Thái Lan để dạy tiếng Anh và làm huấn luyện viên. "Tôi chẳng hề quan tâm đến Dempster hay gia đình cô. Những gì chúng ta cần lúc này là ngồi xuống và thương lượng điều tốt nhất cho N.", ông khẳng định.

Đó là một màn thuyết phục tuyệt vời. Ông Whittington tỏ ra là một người hòa giải cho cặp vợ chồng chứ không phải kẻ bắt cóc trẻ em. Vì vậy, cô Atchariya nhanh chóng tin tưởng và đồng ý cho chồng ở cùng N. vài ngày trong tuần, miễn là ông ta giao lại hộ chiếu trước mỗi lần đến thăm.

Nhưng cô không bao giờ ngờ được rằng khi trở lại Ban Phai, ông Dempster đã mang theo hai hộ chiếu. Không giằng co, không cướp giật, không chạy nước rút ra xe ôtô, khi bỏ trốn cùng con gái vào cuối tháng 4/2015, ông đã đưa hộ chiếu hết hạn cho bà của N.

Sau chuyến hành trình không mấy dễ dàng để trở lại Australia, ông Whittington thông báo về sự trở về của N. trong một bài đăng trên Facebook. Tại đó, ông nói rằng cô bé đã sống trong điều kiện tồi tệ và thiếu dinh dưỡng ở Thái Lan.

dich vu bat coc con anh 6

Cô Atchariya rơi vào trầm cảm sau khi ông Dempster bắt cóc con gái. Ảnh: New York Times.

"Họ đã xúc phạm đất nước của tôi", cô Atchariya phẫn nộ. Sau vụ việc, cô rơi vào trầm cảm. Cô Atchariya tháo đồ trang trí trong phòng ngủ của N., tránh nhìn vào những bức ảnh của con bé và không liên lạc được với ông Dempster.

Các nhà tâm lý học nói rằng ký ức về những hành động cướp giật có thể ám ảnh trẻ em khi trưởng thành, khiến chúng không muốn bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc hoặc lo sợ rằng con mình có thể gặp phải các chấn thương tương tự.

N. đã gặp bác sĩ trị liệu, ông Dempster cho biết bản thân ông tránh đề cập đến việc cô bé trở về từ Thái Lan. Tuy nhiên, ông vẫn lập một blog ghi lại hai nỗ lực đưa con trở về đầu tiên. "Tôi muốn N. có cơ hội đọc các câu chuyện ở đây. Khi con bé có khả năng và thời gian riêng, tôi muốn nó tự suy nghĩ về những gì đã xảy ra", ông nói.

Cuộc đời bi kịch của tỷ phú keo kiệt nhất nước Mỹ

Từng là người giàu nhất tại Mỹ, Jean Paul Getty (J. Paul) thường ăn mặc nhàu nhĩ, chỉ trích vợ chi tiền chữa bệnh cho con và từ chối trả tiền chuộc cháu trai bị bắt cóc.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm